Phóng sự - Ký sự

Nặng lòng lưu giữ nghề truyền thống làm mặt nạ trung thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nghệ thuật làm mặt nạ trung thu ngày càng mai một do các mặt hàng đồ chơi hiện đại. Nhưng ở một góc nhỏ của khu phố cổ Hà Nội vẫn có những người đang âm thầm gìn giữ nghề truyền thống này.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa đang tập trung để tạo ra những chiếc mặt nạ giấy chất lượng.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa đang tập trung để tạo ra những chiếc mặt nạ giấy chất lượng.



Chúng tôi đến ngôi nhà số 73 Hàng Than (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Dù chưa phải Tết Trung thu nhưng vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan vẫn tỉ mỉ, kì công để tạo ra những chiếc mặt nạ trung thu độc đáo với nhiều hình thù gần gũi, quen thuộc.

"Nghề truyền thống của gia đình gần 40 năm nay và chính là động lực để chúng tôi tiếp tục lưu giữ nghề này. Việc tạo ra các sản phẩm được du khách hài lòng, một nét đẹp làm nên bản sắc của người dân phố cổ Hà Nội là động lực thôi thúc chúng tôi tạo ra nhiều sản phẩm đẹp và chất lượng hơn nữa” - nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.


 

Những chiếc mặt nạ trung thu với nhiều hình thù độc đáo và gần gũi với các em nhỏ.
Những chiếc mặt nạ trung thu với nhiều hình thù độc đáo và gần gũi với các em nhỏ.


Không như trước đây chỉ làm dịp Tết Trung thu, giờ đây gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa làm nghề này quanh năm với các đơn đặt của khách hàng cả nước. Nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa cho biết: "Nhiều nhà trường, đơn vị biết đến mặt nạ trung thu làm bằng giấy bồi vừa an toàn, vừa độc đáo mang bản sắc truyền thống. Họ mua các hình mặt nạ chưa qua sơn để làm trải nghiệm cho các em nhỏ với bộ môn mỹ thuật cũng như để tổ chức các chương trình, sự kiện. Nhiều du khách nước ngoài khi đến đây cũng đăng kí lịch để tham gia trải nghiệm làm mặt nạ tại nhà mang lại nguồn thu đáng kể”.

Hiện nhu cầu của trẻ em quay về sử dụng các sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống nhiều hơn so với trước đây. Mỗi mùa trung thu về, gia đình nghệ nhân Hòa được khoảng 3000 chiếc mặt nạ với gần 30 khuôn mẫu với các hình thù con vật khác nhau như: Chú Tễu, Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, Sư Tử, Hổ... Giá của một chiếc mặt nạ dao động từ 30.000 - 50.000 đồng tùy từng kích cỡ.

“Mặt nạ trung thu làm thì không khó, nguyên liệu cũng chỉ là những vật liệu bình thường, tuy nhiên để làm được đẹp thì nó cần sự tỉ mỉ và niềm đam mê. Các sản phẩm được đánh giá cao phải đáp ứng được độ mịn, độ bóng, khi ghép giấy phải sao cho không được nhăn và khuôn phải đẹp. Đồng thời phải có sự đa dạng về các khuôn mẫu, như vậy mới có thể thu hút được người mua cũng như đươc biết đến rộng rãi hơn nữa”, cô Hương Lan, vợ chú Hòa chia sẻ.


 

 Cô Hương Lan đang hoàn thành những bước cuối trong khâu tạo hình mặt nạ.
Cô Hương Lan đang hoàn thành những bước cuối trong khâu tạo hình mặt nạ.



Đến giờ, gia đình nghệ nhân Đặng Văn Hòa vẫn làm nghề này mà không thuê thêm người, nếu để truyền nghề thì cô chú muốn tìm và truyền lại cho người thực sự có tâm huyết và đam mê với nghề, phải biết đặt chất lượng sản phẩm lên trên hàng đầu. Hiện khu phố cổ chỉ duy nhất gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa tiếp nối nghề truyền thống làm mặt nạ giấy bồi.

 

Những chiếc mặt nạ đa dạng về mẫu mã.
Những chiếc mặt nạ đa dạng về mẫu mã.



Trong thời gian gần đây, mặt nạ trung thu được khá nhiều du khách nước ngoài biết đến, họ sẵn sàng mua mặt nạ giấy để làm quà cho người thân ngoài ra cũng có nhiều đoàn du khách đến trực tiếp gia đình nhà nghệ nhân Hòa để trải nghiệm quá trình tạo ra chiếc mặt nạ với nhiều hình thù đặc biệt này. Việc lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống đang góp phần quảng bá hình ảnh phố trăm nghề của Hà Nội xưa.
 

Đỗ Hồng/Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm