Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Nâng tầm vị thế Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sự kiện mang tính thời sự nổi bật của đất nước trong tuần này là chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và thăm cấp nhà nước Vương quốc Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; tiếp đó là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội. Những sự kiện chính trị quan trọng này được cho là sẽ góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam.
Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chọn thăm Lào và Campuchia để mở đầu hoạt động ở nước ngoài trên cương vị lãnh đạo mới có ý nghĩa lịch sử, thể hiện sự coi trọng cao độ và chủ trương nhất quán Việt Nam dành ưu tiên cao đối với mối quan hệ truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, cũng như thể hiện sinh động tình cảm, tình đoàn kết đặc biệt giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia.
Với những kết quả quan trọng đạt được sau hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith và việc 9 thỏa thuận hợp tác giữa hai bên được ký kết bao gồm nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, khoa học công nghệ... chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là sẽ tạo động lực mới, đưa quan hệ Việt-Lào đi vào chiều sâu, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho 2 nước, 2 dân tộc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hun Sen. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Trong khi đó, chuyến thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được Quốc vương Norodom Sihamoni tin tưởng là sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới của mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và sự hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Campuchia.
Rõ ràng, với chuyến thăm này, một lần nữa, Đảng, Nhà nước ta muốn khẳng định với thế giới rằng Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác gắn bó ngày càng sâu sắc, thiết thực, hiệu quả với 2 nước Lào và Campuchia vì một nền hòa bình, phát triển thịnh vượng của bán đảo Đông Dương và đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng ASEAN.
Những ngày cuối tháng 2 này, nhiệt độ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc xuống thấp. Thế nhưng, bầu không khí như nóng dần với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên. Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn Việt Nam làm nơi tổ chức cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã rò rỉ từ vài tháng trước và thực sự làm nóng bầu không khí chính trị thế giới khi cái tên Hà Nội được quyết định.
Việt Nam đã làm tất cả những gì có thể để sự kiện chính trị mang tầm quốc tế này diễn ra thuận lợi, an ninh, an toàn nhất. Từ ga Đồng Đăng đến trung tâm Hà Nội, ai vào việc ấy, tất bật nhưng chỉn chu từ những việc nhỏ nhất để đảm bảo không có sai sót gì xảy ra, để chúng ta có thể tự tin nói với thế giới rằng: Việt Nam là đất nước có môi trường chính trị ổn định, người Việt Nam yêu chuộng hòa bình và luôn mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho nền hòa bình của khu vực và thế giới. Ông Jean-Francois Di Meglio-Giáo sư kinh tế-chính trị, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Pháp (Asia Centre) cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần này là cách để đặt lại vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế cục.
Nhiều chuyên gia phân tích quốc tế cũng có chung nhận định: Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 được tổ chức tại Hà Nội là cách để đặt lại vị thế của Việt Nam, là thêm một thành công mới để Việt Nam viết tên mình lên bản đồ thế giới.
Những chuyến bay đặc biệt lên xuống Sân bay quốc tế Nội Bài mấy ngày qua mang theo rất nhiều phương tiện hiện đại phục vụ cho 2 nhân vật chính của cuộc gặp cũng đã đủ cho mọi người thấy rằng đây là một sự kiện quốc tế rất quan trọng. Con tàu bọc thép đã đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Lạng Sơn. Khoảng 3.000 nhà báo quốc tế đã đến Việt Nam để đưa tin về sự kiện này. Họ đang tác nghiệp trong mưa rét của Hà Nội, phải túc trực ở ga Đồng Đăng và tự thấy ấm lòng với món bánh cuốn dân dã của người dân xứ Lạng để mong có những bức ảnh sớm nhất, những thông tin nóng nhất. Trong khi đó, người dân Lạng Sơn lại muốn đãi ông Kim món vịt quay nổi tiếng của quê mình.
Chưa ai có thể đoán trước được điều gì ở cuộc thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần này. Bởi cả Donald Trump và Kim Jong-un đều là những con người đặc biệt, khi họ đang tiến hành một cuộc chơi mà không cho bất cứ cường quốc nào trong khu vực tham dự. Nhưng kỳ vọng về một nền hòa bình, về một thế giới không hạt nhân là điều hoàn toàn có thể!
Vân Thiêng

Có thể bạn quan tâm