Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

NASA phát hiện một "siêu trái đất" đang bốc hơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thợ săn hành tinh mới của NASA – vệ tinh TESS - vừa tìm thấy thế giới ngoài hành tinh đầu tiên trong nhiệm vụ, là một siêu trái đất bốc hơi trong chòm sao Sơn Án.

Hành tinh vừa phát hiện được đặt tên là Pi Mensae c, có đường kính gấp 2,14 lần và khối lượng gấo 4,82 lần trái đất. Nó quay xung quanh ngôi sao mẹ là Pi Mensae, một sao lùn màu vàng giống như mặt trời của chúng ta.
 

TESS và siêu trái đất bốc hơi nó vừa tìm thấy - ảnh đồ họa của NASA
TESS và siêu trái đất bốc hơi nó vừa tìm thấy - ảnh đồ họa của NASA



Siêu trái đất này nằm cực gần ngôi sao mẹ, gần hơn tới 50 lần so với khoảng cách từ Sao Thủy đến mặt trời. Các tính toán về mật độ hành tinh cho thấy đây hầu như là một hành tinh bằng nước nhưng có thể có một lõi đá và một bầu không khí với thành phần chính là hydro và heli.

"Chúng tôi nghĩ rằng hành tinh này có thể đang bốc hơi, do bức xạ cường độ cao mà nó nhận được từ ngôi sao mẹ" – nhà khoa học Chelse Huang - đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu - cho biết.

Trước khi TESS đi vào hoạt động, một hành tinh khác trong hệ hành tinh này cũng đã được phát hiện, mang tên Pi Mensae b, là một "siêu Sao Mộc". Đó là một gã khổng lồ bằng khí có kích thước gấp 10 lần Sao Mộc.

Ngôi sao mẹ Pi Mensae là một ngôi sao sáng trong chòm sao Sơn Án (tên La Tinh là Mensa, tên khoa học là HD 39091), nằm cách chúng ta 59,5 năm ánh sáng. Sở dĩ có tên gọi Sơn Án là vì chòm sao này trông rất giống núi Table (núi Mặt Bàn) ở Nam Phi.

Nghiên cứu nói trên vừa công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters.


Thợ săn hành tinh TESS là một vệ tinh khảo sát hiện đại của NASA được phóng lên quỹ đạo trái đất vào ngày 18-4 vừa qua. Nhiệm vụ của nó là khảo sát 200.000 ngôi sao sáng nhất trên bầu trời và tìm kiếm các hành tinh quay quanh chúng. Ngoài khảo sát 2.650 hành tinh mà kính viễn vọng không gian Kepler đã tìm thấy, nó cần tìm kiếm ít nhất 1.600 hành tinh khác.



A. Thư (Theo Space, NASA, nld)

Có thể bạn quan tâm