(GLO)- Từ trước tới nay, việc lấy tên danh nhân lịch sử (hoặc các địa danh lịch sử) của đất nước cũng như của địa phương để đặt tên đường, tên phố không chỉ mang tính chất phân định ranh giới cho từng khu vực mà ở một góc độ nào đó còn phản ánh văn hóa của vùng đất đó. Ở tỉnh ta, cùng với những con đường, ngõ phố mang tên các danh nhân lịch sử của đất nước như: Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng…; mang tên địa phương kết nghĩa như: Hoàng Sa, Trường Sa, Bắc Kạn… còn có nhiều đường phố được đặt theo tên các danh nhân lịch sử của địa phương như: Anh hùng Núp, Nay Der, Wừu…
Ảnh minh họa |
Những tên đường này không chỉ là những địa chỉ trong giao lưu thương mại, thông tin liên lạc thông thường mà còn góp phần giáo dục sâu sắc cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc.
Theo ý kiến của nhiều người dân, những đường phố mang tên các danh nhân lịch sử của Gia Lai-là những người có đức, có tài, có đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà trên địa bàn thành phố Pleiku nói riêng, cả tỉnh nói chung còn ít; đặc biệt là số đảng viên đầu tiên có công gầy dựng phong trào cách mạng của tỉnh từ những ngày còn trong trứng nước. Đó là chi bộ 9 người. Mới đây, ông Nguyễn Khoa-cán bộ lão thành cách mạng cũng đã có thư gửi và trực tiếp trao đổi với P.V Báo Gia Lai về nội dung này.
Ông Nguyễn Khoa cho biết, ngày 1-10-1945, chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Gia Lai được thành lập, gồm 9 cán bộ tham gia hoạt động cách mạng kiên trung là: Nguyễn Đường, Trần Ren, Phan Thêm, Nguyễn Bá Hòe, Nguyễn Xuân, Trương Trợ, Hồ Dung, Lý Tú và Phạm Thuần; đồng chí Nguyễn Đường làm Bí thư.
Để quá trình công tác được thuận lợi và cũng là biểu lộ ý chí quyết tâm hoạt động cách mạng của mình, mỗi người lấy một chữ trong câu “Xin-thề-hi-sinh-tất-cả-vì-Đảng-ta” đặt bí danh cho mình. Ông Khoa nhấn mạnh: “Chúng tôi được biết, trên địa bàn TP. Pleiku đã có một con đường mang tên Nguyễn Đường-người Bí thư của chi bộ 9 người ấy. Điều này thể hiện sự ghi nhận và tôn vinh của tỉnh đối với những công lao, đóng góp của những tiền bối cách mạng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung có thêm những con đường mang tên số cán bộ còn lại thì tốt biết mấy. Tên của họ, công lao của họ đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung đều xứng đáng để dùng trong việc đặt tên những đường phố của tỉnh nhà”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Ngô Thành- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng đồng quan điểm trên: “Đối với những đồng chí như Phan Thêm-nguyên Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên và những đồng chí khác trong chi bộ 9 người-tổ chức tiền thân Ban cán sự Đảng và Tỉnh ủy sau này, nơi đã ươm mầm những hạt giống đầu tiên cho phong trào cách mạng Gia Lai-Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung ngày ấy, tôi thấy họ đều rất xứng đáng để lưu danh trên những con phố mới trên địa bàn tỉnh.
Với việc đặt tên đường hoặc tên những công trình lớn trên địa bàn tỉnh, để tránh thiếu sót thì tỉnh cũng cần có những nghiên cứu và chiến lược lâu dài, trước mắt nên tổ chức các cuộc họp (hoặc hội thảo) để thống nhất việc đưa ai vào đặt tên đường, đường đó ở vị trí nào, có xứng đáng với công lao của người đó không…”.
Thái Bình