Mặc dù tăng trưởng kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm khá tích cực, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại, nguy cơ lạm phát vẫn tiềm ẩn tăng cao.
Lạm phát tăng
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục diễn biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,08% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong 8 năm qua.
Mặc dù tăng trưởng tích cực nhưng theo ông Lâm, so với tháng 12/2017, CPI tháng 6 đã tăng 2,22% và tăng đến 4,67% so với cùng kỳ năm 2017. Ðây là mức tăng cao nhất của CPI trong vòng 7 năm qua. Tính chung, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 đã tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ông Lâm, CPI trong 6 tháng đầu năm tăng chủ yếu do chịu tác động của giá dịch vụ y tế tăng dịch vụ giáo dục (tăng 7% so với cùng kỳ). Cùng đó, các nhóm mặt hàng liên quan giao thông, nhà ở, vật liệu xây dựng và đặc biệt là nhóm thực phẩm (do giá thịt lợn tăng khoảng 20% so với đầu năm) đã đẩy CPI tăng rất cao.
Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi giá dầu thế giới, lạm phát năm nay tăng cao hay không đang phụ thuộc khá lớn vào mặt hàng này. |
Lý giải về nguyên nhân lạm phát tăng, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, việc phục hồi giá của nhóm hàng ăn uống, đặc biệt là thực phẩm dẫn tới việc lạm phát gia tăng. Bên cạnh đó là những lo ngại về bất ổn kinh tế thế giới đã đẩy giá dầu thô tăng vọt từ 50 USD/thùng lên 70 USD/thùng rồi 80 USD/thùng và dự đoán sẽ lên trên 100 USD/thùng trong năm nay.
Giá xăng dầu Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi giá dầu thế giới nên việc tăng giá là không tránh khỏi. Việc lạm phát năm nay tăng cao hay không đang phụ thuộc khá lớn vào hai mặt hàng này. Nhóm này đóng góp lớn trong rổ hàng hóa CPI và tăng giá tới 5,1% vào tháng sáu, mức tăng cao nhất kể từ năm 2014. Ngoài ra, CPI còn chịu áp lực từ việc nâng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ ảnh hưởng nhất định đến lãi suất và tỷ giá trong nước.
Sẽ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra
Trước tình hình này, nhiều chuyên gia đã đưa ra các kịch bản lạm phát cụ thể như: Nếu giá dầu và giá thịt lợn ở mức cao như hiện nay và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,14%/tháng, thì lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm xuống mức 3,1% vào cuối năm nay, lạm phát trung bình của cả năm 2018 sẽ ở mức khoảng 3,4 - 3,5%. Nếu giá dầu và giá thịt lợn tiếp tục tăng mạnh và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,37%/tháng, thì lạm phát trung bình cả năm 2018 sẽ ở mức khoảng 3,8 - 3,9%.
Thậm chí, các chuyên gia lo ngại, trong thời gian tới, khi giá thực phẩm hồi phục, dự kiến lạm phát sẽ còn lớn hơn. Ông Nguyễn Đức Thành dự báo: “Chúng tôi đưa ra dự báo lạm phát quý 3 và quý 4 năm 2018 lần lượt là 4,65% và 4,13% tính chung cả năm, lạm phát sẽ vượt 4%. Với kinh tế Việt Nam, nếu 2 năm liên tiếp lạm phát 6% thì mức thay đổi giá đã là 12%. Khi đó, giá điện, giá nước, tỷ giá và lãi suất... sẽ có sự điều chỉnh theo thị trường, doanh nghiệp và chắc chắn, sẽ gây ra các cú sốc và hệ lụy cho nền kinh tế thực”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, dù theo kịch bản nào thì việc CPI quý 1 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái là dấu hiệu đáng quan tâm. Cuối năm 2017, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam khá mạnh, điều này có độ trễ để tác động đến lạm phát năm 2018. Cơ quan chức năng cần theo dõi tình hình lạm phát chặt chẽ để có biện pháp thích hợp, đặc biệt là về cung tiền. Nếu lạm phát tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới thì cung tiền phải được giới hạn lại, tín dụng phải được siết lại.
Trước bối cảnh này, quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, Việt Nam cần có chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với những chấn động bất ngờ bên trong và bên ngoài. Việt Nam nên chuyển dịch dần chính sách tiền tệ từ dựa trên điều hành tỷ giá, sang ổn định lạm phát mục tiêu. Để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ nên được thắt chặt bằng cách giảm tăng trưởng tín dụng nóng. Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt tỷ giá hối đoái để giảm đầu cơ.
Để ứng phó với tình trạng lạm phát tăng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và phương hướng điều hành trong những tháng còn lại của năm 2018. Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, không để xảy ra tác động tăng lạm phát “kép” đến từ việc tăng tỷ giá và giá xăng dầu thế giới.
Từ nay đến cuối năm, tạm thời chưa tăng giá điện, đẩy nhanh tái đàn lợn, tạo nguồn cung thực phẩm cho thị trường.
Hương Ly (Báo TNVN/VOV)