Ngẫm về lời hứa ngày nay...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Y đánh bạn với lão đã trên ba mươi năm. Người ta bảo “ngưu tầm ngưu…”. Hẳn rồi! Lão cơ bản là tốt. Nhưng vì sự học hành “không được tử tế” cho lắm nên nhiều trường hợp rất phiền phức cho y và cho cả mọi người. Ví như chuyện hôm qua đây.

Hơn ba mươi năm thì hai mươi năm đầu trong cơ khổ, tiệt không thấy lão nhắc nhớ gì về nơi chôn nhau cắt rốn. Chỉ một lần duy nhất về quê đóng góp tiền xây nhà thờ họ, khi nhìn vào “lý lịch” trong danh sách “sổ vàng”, mục về lão ghi “xuất xứ” là “tha phương cầu thực”, tự ái đùng đùng nổi lên, lão văng tục rồi lộn lại Pleiku. Ba tháng sau mặt còn tím bầm vì giận cái lũ khinh nghĩa trọng tài.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng dăm năm trở lại đây tình hình đã khác. Con cái trưởng thành, yên bề gia thất. Tất cả đều có việc làm. Thu nhập ổn định. Người ta thấy lão đi đám hiếu, đám hỉ nhiều hơn, về quê nhiều hơn. “Nguồn” thì đã rõ. Chưa kể lão có biệt tài chỉ cần đủ tiền vé xe và mua được một chai nước lọc là có thể chu du ba miền Bắc, Trung, Nam, khi về lại còn có quà. Có lần y hỏi: Sao ông về quê nhiều thế? Lão lôi ra một lô một lốc lý do. Mà lý do nào cũng chính đáng, cần phải “ưu tiên hàng đầu” cả: giỗ, chạp, cưới cháu con bà dì bên mệ ngoại, sửa nhà thờ, tân trang mồ mả ông bà… Đi nhiều tới mức giờ thấy mặt lão ở Pleiku thì mới là chuyện lạ.

Ở quê vô là lão tập hợp nhóm bạn hay rê dắt với mình “cà phê chai” buổi sáng ngay. Mọi người đều oải vì dư âm những trận chiều qua. Có người đề nghị: Thư thư vài ba bữa nữa mới tiếp tục. Lão bảo: “Mai. Chiều mai tôi mời các ông món lợn mẹt ở quán mới khai trương đường L.T.T.”. Sợ mọi người quên, trước khi chia tay, lão như đinh đóng cột: “Chiều mai. Nhớ đấy. Chiều mai”.

Hẳn mọi người đều nhất trí với y rằng: Bây giờ cái sự ăn uống nhậu nhẹt mức bình dân không còn là vấn đề nữa rồi. Bây giờ chỉ cần quý nhau và nhất là có thời gian để ngồi với nhau. Y cũng vậy. Vì quý lão nên trân trọng luôn lời mời của lão. Từ lúc ấy, lòng y luôn thắc thỏm về cái buổi “chiều mai”.

Chiều như trêu ngươi y, xuống rất chậm. Nắng nhạt rồi vần vụ mây đen. Y mang điện thoại trong người và háo hức chờ một tiếng chuông reo. Y còn tính: Nếu lão gọi, y sẽ rủ lão tiện đường ra Viện 211 thăm chú em tiểu đường biến chứng mới mổ mắt. Y sẽ dúi vào tay lão vài trăm ngàn đồng gọi là quà cho chú ấy để đẹp mặt lão, sau đó mới về cái món lợn mẹt kia. Có thể chậm một tí cũng được. Rượu có bao giờ ôi thiu đâu mà phải vội… Nhưng rồi y đã phải đi một mình.

Y vẫn không thôi mong đợi. Trên đường về, y đi xe máy một tay. Còn tay kia khư khư nắm chặt cái điện thoại vì sợ lão gọi mà không nghe thì tội nghiệp lão. Y còn tự nhủ: Nếu về gần tới nhà mà có thông tin của lão thì y cũng sẽ quyết tâm quay lại.

Rồi chuông điện thoại cũng vang lên. Nhưng không phải của lão mà của người bạn khác, thông báo mới đi Nha Trang về, mời tới “địa chỉ văn hóa gốc nhãn” tẩy trần. Coi như là đi tong buổi chiều lợn mẹt.

Khi y tới thì hỡi ôi, ngoài người bạn kia ra là lù lù một đống lão. Thản nhiên toe toét nói cười như không có chuyện gì xảy ra. Rồi có người hôm qua gọi lão. Tưởng là mọi người đang quây quần bên mẹt, người kia xin lỗi có việc đột xuất xin phép vắng mặt. Lúc này lão mới ngớ người ra. “Thế à. Có chuyện tôi mời à? Mà mời lúc nào ấy nhỉ?” Rồi lại thản nhiên toe toét nói cười như không có chuyện gì xảy ra.

Còn y buồn lắm. Y ngẫm lại lão này cũng như “một bộ phận không nhỏ”, bia rượu vào, hôm sau cứ “Thế à. Tôi đã nói thế à. Tôi có nói bao giờ đâu. Tôi không nhớ nữa…”. Lại chợt nhớ lời dạy của cổ nhân: “Những kẻ coi thường lời hứa tất sẽ rất ít chữ Tín”.

Chử Anh Đào

Có thể bạn quan tâm