(GLO)- Vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, năng lực sản xuất và thu hút đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn…
Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Gia Lai (VDB Gia Lai) đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cho chủ đầu tư, các dự án vay vốn còn góp phần tăng trưởng sản phẩm xã hội, tăng thu cho ngân sách nhà nước, tạo ra hàng ngàn việc làm ổn định cho người lao động.
Ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ vốn đầu tư dự án Nhà máy Xay xát tinh bột Vạn Phát. |
Là một trong những dự án được tài trợ vốn đầu tư, Nhà máy Xay xát tinh bột Vạn Phát được xây dựng trên địa bàn xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa) do Công ty TNHH Thương mại-Chế biến Nông-Lâm sản Đường Vạn Phát làm chủ đầu tư với tổng vốn cho dự án là 231,5 tỷ đồng; trong đó vốn vay 178,9 tỷ đồng (VDB Gia Lai cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước 137 tỷ đồng; Agribank Gia Lai cho vay 41,9 tỷ đồng). Bà Bùi Thị Quy-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Phát cho biết: Nhận thấy đây là cơ hội tốt, mở ra nhiều triển vọng trong tương lai dựa trên việc khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, Công ty đã quy hoạch và xây dựng nguồn nguyên liệu tại chỗ, đồng thời được chấp thuận vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để xây dựng nhà máy nên hoàn toàn yên tâm về dự án này. Công ty đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, dự kiến đến cuối năm 2016 hoặc chậm nhất là tháng 2-2017, nhà máy sẽ hoàn thành. Với công suất 250 tấn bột/ngày, khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ giải quyết đầu ra và giá cả ổn định cho vùng nguyên liệu mì, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong vùng.
Tại Gia Lai, nguồn tín dụng đầu tư mà VDB đang quản lý và cho vay đạt gần 2.450 tỷ đồng. Ông Trần Hoàng-Giám đốc VDB Gia Lai đánh giá: Việc cho vay nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để phát triển ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sản phẩm nông sản trên địa bàn đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về đất đai; qua đó sẽ tạo nhiều việc làm cho lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tạo nên những vùng dân cư trù phú, phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh. |
Hiện nay, lãi suất khoản vay từ VDB ưu đãi hơn so với vay các ngân hàng thương mại. Ưu đãi còn thể hiện qua thời hạn vay dài, giúp cho doanh nghiệp vay vốn chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được tập trung cho những chương trình, dự án thuộc các ngành, lĩnh vực trọng điểm, đóng góp quan trọng đối với sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Không những vậy, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước còn thu hút các nguồn vốn ngân hàng thương mại, vốn tư nhân và các nguồn vốn khác trong xã hội cùng tham gia đồng tài trợ các dự án trên địa bàn. Ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Chi nhánh Agribank Gia Lai cho rằng: Trong quá trình tài trợ dự án có rất nhiều vấn đề đặt ra, tuy nhiên với kinh nghiệm trong công tác quản lý vốn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung ứng vốn đầu tư dự án cũng như vốn lưu động cho doanh nghiệp thì sự hợp tác tài trợ cùng với VDB rất có ý nghĩa, cũng như sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Với một tỉnh có thế mạnh về đất đai để tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào với các sản phẩm mũi nhọn là cà phê, cao su, hồ tiêu, mía, mì, bắp…, sự phát triển của công nghiệp chế biến nông-lâm sản sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tạo ra các loại sản phẩm, các vùng chuyên canh có năng suất hàng hóa lớn. Hoạt động chế biến nông sản cũng làm thay đổi cơ cấu hàng hóa, tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến hiện đang chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 75%) trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều vùng nguyên liệu phát triển theo hướng tự phát, không tuân theo quy hoạch; người dân sản xuất dựa trên kinh nghiệm nên không đảm bảo được yêu cầu chất lượng của nguyên liệu đầu vào dẫn đến sản phẩm làm ra chất lượng không cao, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, tỉnh đã có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến phù hợp, tăng cường chế biến sâu để nâng cao chất lượng; đồng thời có chính sách thu hút đầu tư qua việc thực hiện chính sách cho thuê đất, chính sách về thuế, ưu đãi lãi suất vay vốn ngân hàng… để các doanh nghiệp đầu tư, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến nông-lâm sản của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Thảo Nguyên