Thời sự - Bình luận

Ngăn ngừa bạo lực học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bạo lực học đường theo cách hiểu chung nhất là những hành vi thô bạo, bất chấp đạo lý, trấn áp, xúc phạm người khác gây ra những tổn thương tinh thần và thể chất diễn ra trong phạm vi trường học. Không phải bây giờ mới xảy ra nạn bạo lực học đường và không chỉ ở Việt Nam mới có bạo lực học đường. Nhiều quốc gia khác cũng đã xuất hiện nạn bạo hành trong và ngoài trường học với tần số cao. Họ cũng đang tìm các giải pháp tích cực nhất để ngăn ngừa bạo lực học đường ngày một lan rộng.
Hội nghị trực tuyến mới đây về đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng-chống bạo lực học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức đã phân tích đầy đủ các nguyên nhân của thực trạng tiêu cực này trong ngành GD-ĐT thời gian qua, gây dư luận không tốt và tâm lý hoang mang đối với nhiều bậc phụ huynh. Nhiều năm qua, về mặt chỉ đạo, các địa phương và ngành GD-ĐT cũng đã có các văn bản, quy chế về đảm bảo môi trường sư phạm trong các trường học, phòng-chống bạo lực học đường… nhưng chúng ta chưa sâu sát đến các đối tượng học sinh, chưa làm tốt công tác phối hợp giữa gia đình-nhà trường và xã hội nên không tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của một bộ phận học sinh. Với điều kiện phát triển của xã hội hiện nay, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan là mặt trái của các phương tiện thông tin, các trang mạng xã hội đã tác động không nhỏ đến sự phát triển tâm-sinh lý của giới trẻ, khác xa với thế hệ trước đây, nên tạo ra những xung đột trong tính cách của trẻ, đôi khi khiến chúng mất phương hướng, lệch chuẩn và hành động thiếu ý thức, thiên về bản năng hơn. Sự giáo dục trong nhà trường và ở gia đình hiện nay thường là đi sau một bước, không theo kịp sự phát triển, chỉ chạy “đuổi bắt” một cách thụ động nên hiệu quả rất thấp. Do vậy, thời gian qua, nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra, chúng ta thường thấy sự xử lý của các cấp quản lý giáo dục và phụ huynh rất lúng túng, không đủ sức răn đe, thiếu sức thuyết phục.
Về lý thuyết sư phạm, trong môi trường giáo dục không thể có sản phẩm bị lỗi, tức là không có học sinh nào hư hỏng mà chỉ có những đứa trẻ chưa tiến bộ. Trong nhiều tình huống sư phạm, giáo viên và Ban Giám hiệu nhà trường chưa thực sự cầu thị và giải quyết sự việc chưa thấu tình đạt lý, thiếu tính giáo dục và thuyết phục. Sự non kém này có nguyên nhân từ sự chủ quan, sợ ảnh hưởng đến thành tích chung cũng như cá nhân mình mà không đặt tính lợi ích an toàn của giáo dục lên hàng đầu. 
Dưới con mắt người dân, trường học là môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện nhất và họ đặt tất cả niềm tin vào sự tiến bộ của con em mình cho nhà trường một cách thành tâm. Điều đó hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, cách giao phó trách nhiệm giáo dục con em mình cho thầy-cô giáo như một số phụ huynh hiện nay lại là một sự sai lầm, vì gia đình là một thành tố rất quan trọng trong sự phát triển nhân cách của trẻ. Khoa học giáo dục đã đúc kết, sự hoàn thiện của một mô hình giáo dục thành công bao giờ cũng kết hợp đầy đủ 3 thành tố: nhà trường, gia đình và xã hội. Thiếu một trong 3 thành tố trên sẽ tạo một lỗ hổng lớn trong kết quả giáo dục.
Một trong nhiều giải pháp mà các nhà quản lý, nhà giáo dục thống nhất cao nhằm hạn chế tối đa nạn bạo hành học đường hiện nay là cần bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý của Ban Giám hiệu nhà trường, tạo ra môi trường sư phạm trong lành ở đơn vị mình với mục tiêu học sinh được hạnh phúc khi cắp sách đến trường. Bên cạnh đó, phải tăng cường trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, người nắm rõ từng đối tượng học sinh của mình; hàng tuần, hàng tháng phải liên lạc với phụ huynh để phối hợp trong rèn luyện, giáo dục các em, đặc biệt là đối tượng học sinh cá biệt, có những biểu hiện lệch chuẩn. Các sinh hoạt đoàn thể, ngoại khóa đều phải lồng ghép nội dung về kỹ năng xử lý các tình huống xung đột giữa cá nhân với cá nhân, giữa nhóm này và nhóm khác; lấy tình đoàn kết, tình thương yêu để gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Nhà trường phải phát động phong trào nêu gương tốt trong đội ngũ giáo viên và học sinh, đặc biệt mỗi thầy giáo cần là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Điều đó không thể là khẩu hiệu mà là hành động thực sự, nghiêm túc đối với người thầy trong môi trường sư phạm. Không chấp nhận những giáo viên vi phạm đạo đức người thầy và cần loại khỏi ngành nếu tập thể sư phạm yêu cầu .
Bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng-chống bạo lực học đường hiện nay không chỉ là trách nhiệm của ngành GD-ĐT, các thầy-cô giáo mà là cả hệ thống chính trị cần tham gia theo chức năng của từng đơn vị. Đồng thời, các bậc cha mẹ học sinh cũng là thành viên quan trọng cùng với nhà trường quản lý, giáo dục con em mình một cách tích cực nhất.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm