Ngành chức năng còn gặp nhiều khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 2-4-2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định 34/2010/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Cụ thể như người điều khiển xe ô tô vượt đèn đỏ thì bị phạt từ 600 đến 800 ngàn đồng; đối với người điều khiển xe mô tô không mang theo giấy đăng ký hoặc giấy phép lái xe bị phạt từ 60 đến 80 ngàn, không mang giấy chứng nhận xe cơ giới thì phạt từ 80 đến 120 ngàn đồng... Nghị định 34 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-5-2010. 
Đã có nhiều chuyển biến tích cực
Trước khi Nghị định 34 có hiệu lực, Công an tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn trong lực lượng Cảnh sát giao thông, đồng thời tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng xe loa lưu động về nghị định 34 của Chính phủ. Trong 10 ngày triển khai thực hiện nghị định 34, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện 2.327 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong đó đã ra quyết định xử phạt 1.927 trường hợp, nộp kho bạc nhà nước với số tiền gần 500 triệu đồng. Tước 32 giấy phép lái xe, tạm giữ 2 xe ô tô, 340 xe mô tô… Đặc biệt đã xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông làm chết 7 người, bị thương 13 người.
CSGT công an TP.Pleiku làm nhiệm vụ trên đường Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Đức Thụy
Một lái xe tên Nguyễn Hữu Thành cho biết: Là tài xế xe khách đường dài nên trước khi Nghị định 34 triển khai thì tôi đã tìm hiểu kỹ và biết được mức phạt là rất cao nên không dại gì vi phạm để mất cả tháng lương. Còn chị Thảo Nguyên- phường Hoa Lư- TP.Pleiku thì: Trước đây nhiều khi đến các ngã tư thấy đèn tín hiệu đỏ nhưng tôi vẫn rẽ phải  nhưng hiện nay thì không dám vì nếu vi phạm mức phạt đến 800 ngàn đồng. Tôi nghĩ không chỉ tôi mà tất cả người tham gia giao thông đều sẽ thực hiện tốt các qui định của Luật để tránh bị phạt nặng.
Nhiều tuyến đường người dân vẫn lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Ảnh: Đức Thụy
Tại đường Hai Bà Trưng, khu vực Trung tâm thương mại Pleiku trước đây tình trạng lấn chiếm lòng đường để mua bán thì nay tình trạng này đã giảm đáng kể, lòng đường được trả lại cho các phương tiện dễ dàng lưu thông. Tuy vậy, vỉa hè ở nhiều tuyến phố vẫn đang bị người dân ngang nhiên chiếm dụng để kinh doanh.

Nhiều vướng mắc khi thực hiện
Khi triển khai Nghị định 34, lực lượng CSGT gặp nhiều vướng mắc. Ông Võ Đình Tuấn- đội CSGT Công an TP.Pleiku chia sẻ: Sau 10 ngày thực hiện việc xử phạt theo Nghị định 34, chúng tôi bắt đầu gặp nhiều khó khăn do những kẽ hở từ chính Nghị định. Trong đó chỉ nâng mức phạt mà không qui định tạm giữ phương tiện đối với các trường hợp đua xe nên rất khó cho lực lượng CSGT. Trước đây, khi các đối tượng đua xe, đánh võng… CSGT lập biên bản và tạm giữ phương tiện để xử phạt nhưng nay thì chỉ tạm giữ giấy phép lái xe, giấy tờ xe chứ không giữ phương tiện trong khi mức phạt rất cao nên sẽ xảy ra việc đối tượng báo cớ mất để làm lại giấy tờ xe, đối với giấy phép lái xe thì sẽ nộp hồ sơ thi lại. Như vậy trong một thời gian ngắn đối tượng vi phạm sẽ có đầy đủ giấy tờ và có thể lưu hành xe ở nơi khác.
Lập biên bản một lái xe vi phạm trên quốc lộ 14. Ảnh: Đức Thụy
Cũng theo Nghị định 34, người đi bộ đi sai phần đường quy định; sang, trèo qua đường không đúng quy định; không chấp hành biển báo, vạch kẻ đường… sẽ bị xử phạt nhưng việc xử phạt các đối tượng này là vô cùng khó khăn. Nhiều CSGT cho biết phát hiện trường hợp vi phạm nhưng không biết xử lý theo hướng nào vì không thể giữ người, giấy tờ tuỳ thân thì đối tượng không mang theo, không mang tiền để nộp phạt…. Không những vậy, đối với trẻ trên 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm thì lại càng khó khăn vì không biết xác định như thế nào, vì có em trên 6 tuổi nhưng nhìn rất nhỏ con, em dưới 6 tuổi nhưng rất to con…
.
Nói về triển khai thực hiện Nghị định 34, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, Thượng tá Phạm Văn Uấn cho biết: Việc qui định xử phạt đối với người đi bộ vi phạm là rất khó thực hiện vì chỉ có thể tạm giữ giấy tờ tuỳ thân để phục vụ công tác xử lý vi phạm. Nhưng nếu người vi phạm không mang theo giấy tờ tuỳ thân thì không có biện pháp nào vì thẩm quyền của CSGT không thể tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Bên cạnh Nghị định 34 không qui định tuổi đối với trường hợp điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông vì trên thực tế nhiều xe đạp điện có tốc độ từ 50 đến 60 km/h và đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng… Do đó khi triển khai thực hiện nghị định lực lượng CSGT gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc
Minh Dưỡng

Có thể bạn quan tâm