Ảnh minh họa |
Hiện toàn tỉnh có 1.000 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông-lâm- thủy sản ở nông thôn; 9 làng nghề truyền thống. Từ năm 2007 đến 2010, tỉnh ta đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho 7 làng nghề truyền thống, với tổng kinh phí hơn 8,158 tỷ đồng từ nguồn vốn mục tiêu Chính phủ và vốn ngân sách của địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động.
Tuy nhiên, sự phát triển ngành nghề ở Gia Lai chủ yếu là tự phát, manh mún, quy mô nhỏ lẻ. Toàn tỉnh chỉ có 9 làng nghề nhưng chưa đủ tiêu chí theo quy định để công nhận làng nghề, trong khi 55/63 tỉnh, thành trong cả nước có đến 1.324/4.575 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận làng nghề. Hơn nữa, một số làng nghề của tỉnh chủ yếu là tự sản, tự tiêu, chưa tham gia nhiều vào nền kinh tế thị trường; lao động không được đào tạo bài bản, phần lớn là ông, bà, cha mẹ truyền nghề lại, thị trường tiêu thụ kém, năng suất thấp. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất với Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí, mở cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho làng nghề ở Gia Lai phát triển.
Tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hùng, chỉ đạo: Các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới; đầu tư khoa học công nghệ vào các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông-lâm-thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ…; phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, tài chính, tín dụng để xây dựng ngành nghề nông thôn đa dạng gắn với nhu cầu đời sống của nhân dân, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Đinh Yến