Nhiều người trẻ ngại ngùng khi nói câu 'con yêu mẹ' để thể hiện tình cảm với đấng sinh thành, nhưng một số người lại cảm thấy hối tiếc khi không còn mẹ để bày tỏ.
Nhiều người mẹ cảm thấy hạnh phúc khi được con quan tâm nhân ngày 8.3 - Ảnh: Shutterstock |
Hành động thay lời nói
Huỳnh Thanh Nhàn, 20 tuổi, học tại Trường Nhật ngữ Esuhai Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết là con trai nên rất ngại ngùng khi nói “con yêu mẹ”. Lần cuối Nhàn nói câu “con yêu mẹ” chắc lúc 5 tuổi. “Mỗi người sẽ có cách thể hiện tình cảm của riêng mình, có người thích bày tỏ trực tiếp, có người thích lặng lẽ thể hiện bằng hành động, như mình. Ở cùng với mẹ thì ngày ngày giúp mẹ làm việc nhà, dành thời gian tâm sự trò chuyện, cùng nhau đi mua sắm không để mẹ cô đơn. Ở xa nhà thì bớt chút thời gian mà gọi về mỗi ngày, có điều kiện thì phụ giúp một chút cho gia đình... chỉ cần đặt tấm lòng vào đó, bạn sẽ tự biết phải làm gì để bày tỏ tình cảm với đấng sinh thành. Với mình, những điều đó vẫn tốt hơn những lời nói suông vô nghĩa. Dù là bằng cách nào, chỉ cần thể hiện bằng tấm lòng, thì chắc chắn mẹ sẽ cảm nhận được, chúng ta chỉ hối tiếc khi không làm điều gì cả mà thôi”, Thanh Nhàn cho biết.
Nhiều người trẻ cảm thấy kỳ kỳ khi nói "con yêu mẹ" - Ảnh minh họa: Tấn Đạt |
Cảm thấy kỳ kỳ, ngại ngùng khi nói con yêu mẹ, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, 27 tuổi, trú ngụ tại hẻm 31 Bà Hạt, P.9, Q.10, TP.HCM cho biết nếu chỉ nói yêu mẹ trong một ngày 8.3 hay 20.10 thôi thì chưa đủ, quan trọng là thể hiện bằng hành động.
“Hành động có thể nói lên tình yêu thương của mình một cách rõ ràng nhất. Yêu mẹ thì có nhiều cách, nói yêu mẹ cũng là một cách, nhưng sẽ hay hơn nếu lời nói đó đi đôi với hành động. Như ngày 8.3 mọi năm, mình và đứa em sẽ chuẩn bị cho mẹ một món quà nho nhỏ kèm với một bữa ăn cùng tất cả các thành viên trong gia đình”, Thảo chia sẻ.
Ước gì thời gian quay lại
Có nhiều người trẻ ngại ngùng không nói với mẹ nhưng với một số người không kịp nói với mẹ câu “con yêu mẹ” vì mẹ đã ra đi mãi mãi.
Chị Lê Thị Như Ý, 27 tuổi, trú ngụ tại ấp Giao Hòa B, xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, tâm sự thật sự hối tiếc khi không kịp nói câu “con yêu mẹ”. Chị vẫn nhớ năm 2014 đã mua tặng mẹ mình cái áo tết nhưng chưa kịp mặc thì mẹ chị đã ra đi.
"Chưa bao giờ mình ôm mẹ dù một lần, hối hận vì lúc trước không nghe lời mẹ, lúc nào cũng cãi lại. Hồi còn đi học ở Sài Gòn, lúc ấy mẹ còn sống mỗi lần biết tin mình về quê là điều ngồi phía trước nhà. Bây giờ có gì buồn là mình lại suy nghĩ tới mẹ ngồi khóc một mình, hối hận những sai lầm lúc trước", Như Ý tâm sự.
Như Ý (bên trái), và Xuân Bách cảm thấy hối tiếc khi chưa kịp nói "con yêu mẹ" - Ảnh: NVCC |
Bùi Xuân Bách, 23 tuổi, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ chia sẻ: “Các bạn còn mẹ có biết, điều mẹ mình cần đơn giản lắm, mẹ chẳng cần mình làm gì cho mẹ, chỉ cần con của mình biết thương bản thân, tự lo được cho cuộc sống của mình. Nếu yêu mẹ, hãy thử vào vị trí của mẹ mình và xem mình làm gì, trở thành như thế nào để mẹ mình vui thì bạn sẽ biết cách yêu mẹ như thế nào là nhiều nhất”, Xuân Bách tâm tư.
Anh Phạm Thanh Tuấn, chuyên gia tham vấn tâm lý Công ty giáo dục Tomorrow Land TP.HCM, cho biết câu chuyện ngại nói “con yêu mẹ” không phải hiếm gặp. Khá nhiều bạn trẻ thường trả lời: “Không quen sến như vậy”, “Cũng muốn nhưng chẳng dám vì thấy ngại ngại”… đó là một trong những suy nghĩ của các bạn trẻ...
“Tâm lý sợ “sến” khi thể hiện tình cảm với gia đình là hiện tượng có thật, đặc biệt vấn đề này phổ biến ở giới nam, không giống người phương Tây, người Á Đông có xu hướng thể hiện tình cảm theo hướng nhẹ nhàng, từ tốn, kín đáo hơn. Có thể giải thích việc ngại nói lời yêu thương bởi khi còn nhỏ, do không được người lớn khuyến khích những hành động, lời nói thể hiện tình cảm, nên khiến họ nghĩ rằng điều đó không cần thiết. Dần dần nó sẽ hạn chế việc biểu lộ tình cảm với bố mẹ mặc dù trong lòng hết mực yêu thương và thực sự kính trọng”, anh Phạm Thanh Tuấn chia sẻ.
Vị tham vấn tâm lý này còn cho biết, bất kỳ sự yêu thương nào cũng luôn cần phải nói thành lời, hãy dành cho mẹ những câu nói dịu dàng và kính trọng khi còn có thể, bởi khi mẹ đã không còn, có thể nghe bạn nói nữa thì tất cả những điều bạn làm chỉ là vô nghĩa! Và thời gian sẽ không quay trở lại để bạn dành cho mẹ mình những lời yêu thương.
“Con cái có thể viết thư hay tự làm thiệp để chúc mừng ngày của mẹ, ngày quốc tế phụ nữ, Những từ chúng ta ngại thể hiện, có thể gửi trọn thông điệp trong từng tấm thiệp, lời chúc để có thể mạnh dạn thể hiện những câu như con yêu mẹ, con yêu ba mẹ... hoặc gửi 1 tin nhắn, 1 đoạn clip,... Điều đó không khó mà thông qua việc làm đó chúng ta có thể mạnh dạn để thể hiện tình cảm với người mà mình yêu thương. Đồng thời hãy hành động bằng những việc làm thiết thực, có ích cho gia đình và xã hội”, chuyên gia tham vấn tâm lý Phạm Thanh Tuấn tâm sự.
|
Theo Tấn Đạt (thanhnien)