Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Ngày bình thường trở lại"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là tên tập truyện-ký mới nhất của nhà văn-nhà thơ Hoàng Thanh Hương (Nhà Xuất bản Hà Nội). Đây là tập sách đánh dấu sự trở lại của tác giả sau những bộn bề công việc riêng chung nơi Phố núi.
Có lẽ thân phận người phụ nữ luôn là nỗi ám ảnh trong các tác phẩm của Hoàng Thanh Hương. Không nhiều lời cho những tâm sự, chỉ có cảnh nối cảnh bày ra và quan hệ của các nhân vật đã tự nói lên cái đa đoan, cái trầm luân của những người đàn bà sinh ra với chút nhan sắc. Xinh đẹp như Chi, Ngọc, Thơm, mụ, chị hay nàng… cũng đều dang dở, dù rằng họ chỉ mong một tình yêu của riêng mình, thuộc về mình. Chẳng hạn như Chi (Ngày bình thường trở lại) là con dâu nhà tướng, công việc ổn định, chồng là công tử đẹp trai, sống riêng, không phải chịu cảnh con dâu mẹ chồng. Điều kiện sống ấy khiến người đời nhìn vào phải ao ước. Vậy nhưng Chi cũng không tròn phận, phải để cho giấc mơ đi lang thang đến bên người đàn ông khác.
 
Các nhân vật nữ trong tập truyện ngắn đều rất trữ tình, cái trữ tình mềm mại và vút cong đến tận cùng nữ tính. Họ khao khát tình yêu, kể cả những tình yêu không tương xứng với những gì họ đang nắm giữ. Cho dù họ mạnh mẽ, tự chủ bao nhiêu đi chăng nữa thì vẫn không thoát nổi cái vòng luẩn quẩn ngàn đời nay của phụ nữ Việt: là đàn bà thì phải có chồng, phải sinh con, duy trì tiếp ngọn lửa truyền đời để làm một điểm tựa, để nối dõi. Trong tập truyện của Hoàng Thanh Hương, có vẻ như bi kịch số phận của phụ nữ đều bắt nguồn từ những định kiến này mà ra.
Đi sâu hơn vào các câu chuyện, ta sẽ thấy được thông điệp mà tác giả muốn truyền tải cho các nhân vật của mình là một kết thúc có hậu với nụ cười toàn vẹn sau những khổ đau mà kiếp hồng nhan mang lại. Đấy chính là nét nhân văn và nữ tính mà nữ nhà văn muốn chuyển tải đến cho người đọc, bởi chị cũng là đàn bà. Một người đàn bà không thể nghiệt ngã với chính những nhân vật mà mình tạo ra.
Phần thứ 2 của tập sách là 8 bút ký. Đập vào mắt người đọc chính là những số liệu, những số liệu khô cứng đến độ bàng hoàng: “Năm 2014, xã có tổng số hộ nghèo là 359, trong đó chỉ có 66 hộ thoát nghèo, còn thì 71 hộ cận nghèo và 34 hộ nghèo mới” (Thương nhớ làng xa). Hay như: “Chiều chúng tôi đến Ayun-một xã nghèo nhất của huyện Chư Sê với 6 làng Jrai, 8 làng Bahnar, dù được báo trước nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng, bần thần trước một vùng đất cằn cỗi với các buôn làng xác xơ Rung Rang, Tungke 1, A chong, Keo… Ủy ban nhân dân xã quá 2 giờ vẫn cửa khóa, trước sân có mấy thanh niên dân tộc ngồi trực, tóc rối bù, quần áo nhàu nhĩ, có người không nói được tiếng Kinh khi chúng tôi hỏi thăm đường vào làng. Chờ mãi, Chủ tịch xã mới vào, anh vừa đi họp thị trấn về, lưng áo ướt mồ hôi, anh mời chúng tôi vào phòng khách, bàn ghế mờ mờ một lớp bụi hồng, nước được lôi ra từ gầm bàn, chai nào cũng chỉ còn non nửa màu vàng lờ nhờ” (Chư Sê-một lần đến mà thương). Nhưng có lẽ đó cũng chính là dạng ký mà Hoàng Thanh Hương muốn đến để tô đậm hơn về cuộc sống của những con người nơi các buôn làng Tây Nguyên chị đã qua. Đây là một cách lựa chọn thông minh, nhưng cũng khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng bởi đang trôi theo chiều dài các câu chuyện kể thì bỗng “va phải” các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, những đổi thay của môi trường xã hội ở các buôn làng Tây Nguyên. Truyện có thể uyển chuyển, có nhiều cách nói nước đôi để tạo ra các cách hiểu khác nhau, nhưng ký của chị thì không vậy, nó được minh họa bằng những số liệu lạnh lùng, khô khan nhưng xác thực.
Đừng vì những con số mà hiểu lầm Hoàng Thanh Hương viết ký như viết báo cáo. Hãy đọc “Dặm dài ngọn sóng khơi xa” với những dòng tha thiết như thế này: “Khi tàu Trường Sa 571 kéo 3 hồi còi rời bến, người đi người ở vẫy chào nhau bịn rịn, hình ảnh đọng lại trong tôi là những hàng lính hải quân thẳng tắp giơ tay nghiêm chào tàu, chào đồng đội, là hai mẹ con thiếu phụ tiễn chồng tiễn cha ra đảo, họ cứ chạy theo ngước nhìn như thâu hết vào tim óc dáng hình người đàn ông thân yêu trên chiếc tàu khổng lồ đang chầm chậm rời đi trong chiều nắng. Tôi đã khóc cùng họ và đã hiểu phần nào sự hy sinh cao cả, lặng thầm của những người vợ, người yêu của lính biển nơi hậu phương...”. Đọc để thấy rằng vẫn có một Hoàng Thanh Hương mượt mà đến thế trong thể loại ký.
Trong “Ngày bình thường trở lại”, có thể nhận thấy lối viết mạch lạc, ấn tượng trong phần ký như tương phản với giọng văn yếu mềm, đa đoan của phần truyện. Nhưng tất cả vẫn nói lên mong muốn của tác giả gửi gắm trong nhân vật Mị, nhân vật Ngọc, rằng vùng đất Tây Nguyên vẫn hiền hòa đón đợi, vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển lắm. Vậy nên lòng người đừng phụ đất mà hãy tìm đến với những nhịp thở cao nguyên.
 KIM SƠN

Có thể bạn quan tâm