“Ngày cơ sở thứ 6”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong báo cáo của Ban Thường trực UBMT tỉnh Gia Lai về công tác mặt trận 6 tháng đầu năm 2011, có một câu mà theo người trình bày, thì đó là hoạt động của Mặt trận trong thời gian qua “…nhiều hình thức phong phú như tổ chức “Ngày cơ sở thứ 6”.
Cái “Ngày” này- tôi đọc tiếp trong văn bản, thì nó nằm trong một phương châm lớn của công tác mặt trận là “hướng mạnh về cơ sở”- tuy chỉ nêu vấn đề chứ không nói lên kết quả của việc tổ chức thực hiện vấn đề đó đến đâu, cái hay cần phát huy ra sao, cái chưa đạt cần điều chỉnh, bổ sung- cho dù đó chỉ là “trong 6 tháng” là gì. Nhưng dù sao “Ngày cơ sở thứ 6” này cũng gợi cho tôi liên tưởng tới vấn đề khác.
Đoàn viên thanh niên giúp dân làm đường giao thông nông thôn (ảnh minh họa).
“Ngày cơ sở thứ 6” mà Ban Thường trực UB Mặt trận tỉnh nói đến là họ thực hiện nó nhằm tạo điều kiện cho cán bộ Mặt trận ngày thêm sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt được những tâm tư nguyện vọng của nhân dân để kiến nghị với Đảng, nhà nước để Mặt trận thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Mặt trận đề ra và vận động các cán bộ, nhân viên và các tổ chức thành viên của mình thực hiện là vấn đề của Mặt trận (được nghe như là sáng kiến này xuất phát từ Mặt trận thị xã Ayun Pa). Hy vọng điều này sẽ thành công trong thực tiễn.
Nhưng thiết nghĩ, “Ngày cơ sở thứ 6” rất cần khảo sát, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm và nhân rộng, coi đó là mục tiêu, phương châm, nhiệm vụ của việc “hướng về cơ sở” không chỉ là của riêng Mặt trận mà phải là của mọi cấp, mọi ngành. Sự gần dân, sát dân, hiểu dân là mục tiêu hướng đến của các cấp ủy và chính quyền, có vậy mới giải quyết tốt những tồn tại, thắc mắc, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời là biện pháp có lẽ là hiệu quả cao nhằm chống lại thói xa dân, xa cơ sở, quan liêu mệnh lệnh, gây mất lòng dân… mà hiện tại còn là vấn đề khá nặng nề trong không ít tổ chức của hệ thống chính trị các cấp.
Cùng với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giờ đây cả nước đang thực hiện nhiều cuộc vận động lớn khác. Cuộc vận động thi đua Xây dựng nông thôn mới là một trong những cuộc vận động như thế. Cuộc vận động này rất cần sự gần dân, sát cơ sở mà cơ sở ở đây là nông thôn, là vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Vấn đề “Tam nông”- những chủ trương lớn của Đảng và nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân được đặt biệt quan tâm trong nhiều năm qua, và hiện nay đang cố gắng thực hiện chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, làm cho nông dân ngày thêm có điều kiện để làm giàu, sự giàu có của nông dân góp phần to lớn cho sự nghiệp xây dựng nước nhà trở thành một nước không chỉ mạnh về kinh tế, mà dân chủ và công bằng xã hội cũng được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Muốn thành công việc này, trước hết là từ sự tự nguyện, tự giác của người dân- người nông dân.
Gia Lai là tỉnh chưa giàu, là tỉnh sản xuất còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, địa bàn chủ yếu là nông thôn, nông dân chiếm phần đa số. Vì vậy vấn đề cơ sở là vấn đề có tính chất quyết định cho sự thành công của mọi chủ trương. Để cho cơ sở vững mạnh, không ai khác là cán bộ- gần dân, sát dân, bám cơ sở, cán bộ sẽ hiểu cơ sở, hiểu dân. Biến khẩu hiệu “hướng mạnh về cơ sở” thành hành động trong thực tiễn, mỗi một ngày cuối tuần cán bộ “đổ” về cơ sở, về với dân, nói với dân điều tốt nên làm, điều xấu nên tránh, giúp họ hiểu những gì là… “chỉ tiêu” mà nông thôn, nông dân phải cùng nhà nước ra sức làm, phải đạt được để trở thành “nông thôn mới”. Và, sự gần dân, sát cơ sở sẽ không chỉ ở nông thôn, nông dân và cho từng đợt, từng cuộc vận động mà cần biến nó là công việc thường ngày của cả bộ máy, cả hệ thống chính trị, chắc chắn tình hình cơ sở sẽ có những chuyển biến tích cực và vững chắc!
Giá mà “Ngày cơ sở thứ 6” được nhân rộng, duy trì và làm được những nội dung như người viết bài này mạo muội nói ở trên đây!
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm