Ngày hè cảnh báo nạn đuối nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tai nạn, thương tích do trẻ nghịch dại phải nhập viện, đuối nước ở trẻ em trong ngày hè vẫn liên tiếp diễn ra dù đã có sự cảnh báo. Theo con số thực biết, từ đầu hè đến nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 7 học sinh chết vì đuối nước. Lẽ ra chuyện buồn này sẽ không tái diễn nếu các bậc phụ huynh quan tâm quản lý và có thêm nhiều sân chơi hè bổ ích cho trẻ.
Vào hè, tất cả học sinh đều được nhà trường gửi về địa phương quản lý thông qua giấy “sinh hoạt hè”. Nhưng trên thực tế, học sinh đều không biết sinh hoạt gì, không ai hướng dẫn và nhiều sự việc đau lòng đã xảy ra.
Tắm ao hồ-hiểm nguy rình rập. Ảnh: Nguyễn Giác
Ngày 13-5, chưa kịp dự lễ tổng kết năm học cùng các bạn thì một học sinh 11 tuổi, Trường Tiểu học số 1 xã Ia Băng (huyện Đak Đoa), đã bị chết đuối do nhảy xuống hồ tưới tại một rẫy cà phê để lấy chiếc dép.
Trước khi vụ việc xảy ra, trong lúc chơi đùa, một bạn học lấy chiếc dép của em quăng xuống hồ tại rẫy cà phê. Do sợ bị mẹ mắng nên dù không biết bơi nhưng học sinh này vẫn nhảy xuống và hậu quả đau lòng xảy ra.
Ngày 2-7, cháu Hà (SN 2009), ở thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ, đi chơi với mấy anh chị, vô tình bị ngã xuống ao nhà. Khi mọi người biết thì cháu đã bị đuối nước.
Khoảng 8 giờ ngày 16-7, các em G., N. (đều là học sinh Trường Trần Quốc Toản), K. (học sinh Trường Lê Quý Đôn), rủ T. (5 tuổi) cùng ở thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ ra ao nhà tắm. Do không biết bơi nên các em là G., N., K. đã chìm xuống đáy áo.
Tai nạn đều dẫn đến những kết quả đau buồn nhưng với tai nạn đuối nước thì càng làm cho gia đình, người thân đau khổ gấp nhiều lần. Trường hợp em N. (SN 1996), trú tại tổ 8, phường Yên Thế học lớp 8 tại Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (TP. Pleiku) là vậy. Chiều 2-7, N. và 3 bạn cùng xóm rủ nhau đi tắm tại khu vực gần trạm bơm Biển Hồ, N. do bị trượt chân và ngã xuống nước sâu dẫn đến tai nạn đuối nước. Đến trưa 5-7 (tức sau 4 ngày tìm kiếm), xác của nạn nhân mới được người dân tìm thấy.
Bên cạnh việc kém hiểu biết về mối nguy hiểm khi tắm ao hồ thì câu chuyện quản lý của nhà trường cùng với địa phương trong dịp hè cũng là điều đáng bàn. Hè nào cũng diễn ra lễ phát động hè, ra quân hoành tráng nhưng hành động cụ thể đi kèm thì chỉ là hình thức.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm, cả nước có hơn 6.000 trẻ em chết do đuối nước và mùa hè thường là thời điểm xảy ra đuối nước nhiều nhất. Từ năm 2007-2011, tỷ lệ trẻ em chết do đuối nước có chiều hướng gia tăng, chỉ xếp sau tai nạn giao thông. Cũng theo Liên đoàn Cứu sinh quốc tế, tỷ lệ trẻ em chết vì đuối nước ở Việt Nam cao gấp hai hoặc gấp ba tỷ lệ bình quân của thế giới.
Chị Phan Như Tú-tổ 2, phường Ia Kring nói: Vào dịp hè chúng tôi rất lo, bởi cả nhà đều đi làm, hai đứa nhỏ ở nhà. Là con trai, chúng rất hiếu động. Có hôm đi làm về không thấy, đi tìm thì có người cho biết chúng xuống hồ bắt cá. Tôi và cả nhà phải chia nhau công việc để theo dõi các cháu.
Chị Tú cũng như nhiều phụ huynh khi được hỏi đều cho rằng: Các cháu cầm phiếu sinh hoạt hè về nộp cho địa phương. Nhưng từ ngày nộp giấy đến nay không thấy Đoàn phường tổ chức một hoạt động gì dù là việc nhẹ như vệ sinh quanh xóm hay tổ chức văn nghệ, vui chơi chẳng hạn.
Ngoài nguyên nhân do trẻ hiếu động đùa nghịch dẫn đến tai nạn đáng tiếc, thì còn là trách nhiệm của cha, mẹ mải lo công việc ít dành thời gian cho con cái. Riêng với cộng đồng (ở đây là các tổ chức đoàn thể) sự thiếu quan tâm tổ chức sân chơi hè dành cho trẻ, vừa làm nghèo đi ý nghĩa và nội dung sinh hoạt lại còn gián tiếp gây ra những hậu quả đau lòng.
Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm