Văn hóa

Ngày hội Xuân kỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, một năm có nhiều ngày lễ hội, song có lẽ Xuân kỳ là ngày hội lớn nhất. Vào thời điểm này, các đình miếu đều tổ chức đại lễ cầu quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân tại địa phương.

Sau khi Tết Nguyên đán kết thúc với lễ Hạ nêu, người dân làm lễ Khai sơn xin phép thần linh cho bước vào một năm lao động sản xuất mới suôn sẻ, một tháng sau đó là bắt đầu lễ cúng Quý Xuân. Tại Gia Lai, những vùng cư trú của người Kinh có truyền thống canh tác nông nghiệp lâu đời như An Khê, Đak Pơ, Pleiku cùng tổ chức lễ hội mùa xuân kéo dài từ mùng 10 đến cuối tháng 2 nông lịch, tùy theo từng địa phương. Ngày hội này tại Gia Lai có nhiều tên gọi: Xuân kỳ, Tế xuân, cúng Quý Xuân, chia làm 3 kỳ: kỳ đầu tháng và kỳ giữa tháng diễn ra tại các đình An Khê, Tân Lai, Tân An ở An Khê và An Mỹ ở Pleiku (ngày 9 và 10-2); Chí Công, An Thuận, Chí Thành, An Phong tại Đak Pơ và ở An Khê là Cửu Định, Cửu Đạo, Cửu An (ngày 16 đến 18-2); kỳ cuối tháng chủ yếu diễn ra tại các miếu An Điền Bắc (dinh Bà), An Bình, An Thạch, An Phước, An Điền Nam (ngày 19 đến 25-2) ở vùng Cửu An (An Khê).

Đây không chỉ là ngày hội lớn nhất trong năm của những người chung một làng gặp nhau để chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, tri ân tiền nhân, bày tỏ về ước mơ của cá nhân và cộng đồng. Tại Gia Lai, không kể thần linh trong các tôn giáo, có hơn 30 vị thần dân gian từ bậc Thượng đẳng, đến bậc Trung đẳng, Hạ đẳng được thờ cúng trong các ngôi đình, ngôi miếu lớn nhỏ. Bởi đình miếu chính là nơi trú ngụ, ngôi nhà của các vị thần linh.

Rước sắc là nghi thức quan trọng trong lễ cúng Quý Xuân. Ảnh: Ngọc Minh

Rước sắc là nghi thức quan trọng trong lễ cúng Quý Xuân. Ảnh: Ngọc Minh

Hệ thống thần linh tại Gia Lai có đủ tam giới, bao gồm những vị hữu danh hữu hình và những vị vô danh vô hình. Về Nhiên giới là các thần linh có nguồn gốc thiên nhiên như thần đất (Thổ địa), thần núi (Cao Các), thần sông suối (Thủy Long, Hà Bá), thần hổ (Sơn Lâm chúa xứ), thần ngựa (Bạch Mã), thần cây cối (Mộc Trụ), thần Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Nhân giới là các thần linh có nguồn gốc con người như Thành hoàng, Thiên Y, Vạn Phước, Chúa Ngung, Quan Thánh. Âm giới là các thần linh gắn với âm linh như Tiêu Diện, cô hồn.

Hệ thống thần linh này cũng thể hiện sự giao lưu văn hóa tín ngưỡng của người Kinh cùng nhiều dân tộc khác trong và ngoài khu vực. Thành hoàng, Cao Các là những vị thần thân thuộc lâu đời của người Kinh ở miền Bắc, miền Trung; Thiên Y là vị thần có nguồn gốc Champa; Chúa Ngung man nương là vị thần có nguồn gốc bản địa (ở Gia Lai chủ yếu là người Bahnar, Jrai); Bạch Thố kim tinh là vị thần có nguồn gốc Nhật Bản; Quan Thánh là vị thần có nguồn gốc Trung Hoa… Tất cả đã được người Kinh tiếp nhận và tái kiến tạo thành tín ngưỡng dân gian địa phương đặc sắc. Trong số này có 12 vị từng được nhà Nguyễn chính thức công nhận thông qua việc phong tặng danh hiệu và sắc văn: Thành hoàng, Thiên Y, Bạch Mã, Cao Các, Thổ địa, Ngũ hành, Cửu Thiên, Chí Công, Quan Thánh. Đặc biệt, có vị thần nguồn gốc thiên nhiên gắn liền với địa danh địa phương không trùng lặp ở bất kỳ nơi nào khác là thần núi Chí Công (nay thuộc Đak Pơ) được phong sắc thời Vua Duy Tân (1913) và một trường hợp độc đáo khác là vị tiền hiền họ Phan ở Krông Pa được dân chúng lập đền thờ như Thành hoàng vì có công khai hoang lập làng Phú Cần.

Trừ trường hợp Sơn Lâm chúa xứ là thần Hổ có một vài nơi vẽ hình đắp tượng, còn hầu hết các vị thần ở Gia Lai đều không có tượng hay ảnh thờ, mà ở trạng thái “thị bất kiến, thính bất văn” (nhìn không thấy, nghe không ra), “dương dương hồ tại thượng, trạc trạc nhĩ quyết linh” (mênh mông rực rỡ ở trên cao mà linh ứng diệu kỳ). Sự hiện hữu cũng như quyền uy của các thần linh tại đây được biểu hiện bằng những truyền thuyết dân gian và danh hiệu, mỹ từ ca tụng.

Theo sắc phong, sở dĩ các thần linh được nhà vua công nhận và Nhân dân thờ phụng bởi có công bảo vệ đất nước, che chở dân chúng. Phần văn tự khác trong văn tế, hoành phi, câu đối tại các đình miếu diễn giải cụ thể hơn quyền lực và sự linh thiêng của các thần và lòng kính ngưỡng, biết ơn của người dân. Ngoài ra, người dân cũng có những lời ca tụng dành riêng cho từng vị thần. Ví dụ như ca tụng thần Bạch Mã: “Hộ quốc bảo dân gia huệ dã/Dương uy ngự hối ngưỡng anh linh” (giữ nước giúp dân công đức lớn lao được người người kính ngưỡng, đình Cửu An); ca tụng thần Hổ (Sơn Lâm chúa xứ): “Long tứ linh chi thủ/Hổ bách thú chi vương” (rồng đứng đầu tứ linh, hổ là vua bách thú, miếu An Xuyên)…

Thần linh theo cách hiểu phổ thông là những đấng, bậc có tính chất cao siêu thần thánh hoặc linh thiêng được người phàm trần tôn sùng thờ cúng. Còn theo các nhà nghiên cứu, thần linh là các hữu thể có năng lực siêu phàm nằm ngoài khả năng nhận biết thông thường của con người nhưng lại tác động đến con người theo một cách nào đó. Và dù hiểu như thế nào thì thần linh cũng là một sản phẩm văn hóa gắn liền với con người, là biểu tượng cho ước mơ, khát vọng của người dân về những điều thiêng liêng, tốt đẹp nhất cần tôn thờ, gìn giữ và trao truyền cho nhau.

Có thể bạn quan tâm