Phóng sự - Ký sự

Ngày mới ở miền biên ải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ một miền đất hoang vắng, nhờ sự đầu tư của Chính phủ hai nước, đến nay vùng biên giới Kon Tum (Việt Nam)- Attapeu (Lào) đã nhộn nhịp người xe, hàng hóa đủ đầy, giao thương cởi mở. Nơi đây thực sự trở thành vùng đất hứa cho những ai có ý chí làm giàu.
Khởi sắc Đak Mế
Từ trung tâm thị trấn Plei Cần, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) theo quốc lộ 40 ngược lên biên giới, theo hướng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y chừng 10 km là đến địa phận làng Đak Mế- nơi cư trú chủ yếu của người Brâu.
Cũng giống như những nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số khác, làng Đak Mế tọa lạc dưới chân núi Ngọc Hồi và Ngọc Răng, cách thác Yang và suối Bờ Y chừng 7 km. Trong tưởng tượng, chúng tôi cứ nghĩ đây chắc là một ngôi làng hoang sơ, nghèo nàn và lạc hậu, bởi là nơi sinh sống của một trong những dân tộc ít người nhất hiện nay ở Việt Nam.
Dọc theo quốc lộ 40 trải nhựa phẳng lỳ, làng Đak Mế hiện ra với những ngôi nhà xây, mái ngói, nền xi măng…, tung tăng khắp làng là những đứa trẻ “da nâu, mắt sáng” giương mắt nhìn chúng tôi với ánh mắt tò mò pha lẫn thích thú.
Một góc Cửa khẩu Quốc tế Phu Cưa. Ảnh: T.V
Một góc Cửa khẩu Quốc tế Phu Cưa. Ảnh: T.V
Người chúng tôi tìm gặp đầu tiên là bà Y Pan- Trưởng ban Mặt trận thôn, cán bộ tổ hòa giải, Hội trưởng Hội Người cao tuổi làng Đak Mế. Đã trải qua 80 mùa rẫy, chứng kiến biết bao thăng trầm của người Brâu, bà Y Pan kể rằng: Trước đây người Brâu khổ lắm, phải sống du canh du cư trong rừng núi dọc biên giới Việt Nam- Lào- Campuchia, phải ăn cây rừng, củ mài để sống, thú rừng thường xuyên tìm về làng đe dọa tính mạng của nhân dân... Cách đây hơn 10 năm, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng lập nên một ngôi làng mới dọc quốc lộ 40 với địa hình đẹp, bằng phẳng, có đất trồng lúa, bắp để bà con từ trên rừng về sinh sống. Mỗi hộ được cấp một ngôi nhà lợp tôn, vách ván, với 1.000m2 đất thổ cư và đất sản xuất, có giếng nước, có điện, có nhà rông, trường học…
Ngoài ra, để bà con yên tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, Nhà nước còn cấp thêm gạo, muối và các đồ dùng thiết yếu khác. Trong hai năm (2008 và 2009), Bộ đội Biên phòng đã giúp dân làm ruộng và ứng dụng kỹ thuật để trồng cây lúa và những loại cây khác. Từ hàng chục năm qua, cả làng Đak Mế không có ai biết chữ. Từ đầu năm 2009 đến nay, thực hiện công tác dân vận, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã mở 4 lớp xóa mù chữ cho người dân làng Đak Mế.
Trước sự cần thiết phải bảo tồn một dân tộc thiểu số, năm 2008, dự án “Hỗ trợ, phát triển dân tộc Brâu” do Ủy ban Dân tộc xây dựng đã chính thức được phê duyệt với tổng kinh phí gần 26 tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng, xây trường học, nhà rông văn hóa, nhà ở, giếng nước, kênh mương thủy lợi, đào tạo nghề cho thanh niên… Từ chỗ cả tộc người chỉ còn chưa đến 200 nhân khẩu, đến nay làng Đak Mế đã có 114 hộ với 420 nhân khẩu.
Người Brâu còn được hưởng lợi từ nhiều chương trình dự án khác nữa của Chính phủ, nhưng họ về ngôi làng mới được một thời gian, thấy đất đai thì rộng, nhà cửa khang trang, đẹp đẽ hơn nhưng với phương thức canh tác chọc tỉa, thói quen thích sống du canh du cư trong rừng xanh, gần các quả đồi, con suối, đã khiến họ gồng gánh kéo nhau về nơi cũ.
Ông Thao Lợi- Trưởng thôn Đak Mế cho biết: “Từ xưa đến nay, bà con mình quen sống du canh du cư, cách trồng trọt chủ yếu là chọc tỉa và phát rừng làm rẫy. Vì thế khi về ở làng mới, tiếp cận với cách làm lúa nước, chăn nuôi có chuồng trại…, bà con không quen. Nhiều hộ đã bỏ làng để quay lại sinh sống trên rừng, sau đó được vận động bà con lại quay về”. Sau hàng năm trời được sự tận tình hướng dẫn của các cán bộ tỉnh, huyện, Bộ đội Biên phòng…, những bỡ ngỡ ban đầu của bà con không còn nữa, bà con đã chí thú làm ăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Bây giờ, người Brâu không chỉ no cái bụng, không còn đói cái chữ mà còn biết vươn lên làm giàu.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi, anh Thao La lúng liếng nhìn vợ- chị Năng Nhót, rồi vui vẻ tâm sự: “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ, Bộ đội Biên phòng, vợ chồng mình cố gắng làm lụng. Giờ đây gia đình mình đã có 8 sào lúa nước, 2 ao nuôi cá, 4 con trâu, 4 sào bắp lai, 3,5 ha mì. Ngoài ra còn hàng ngàn cây bời lời, điều, cây ăn trái đặc sản, mỗi năm thu lời gần 100 triệu đồng. Gia đình mình đã no đủ, mình rất vui”. Ở Đak Mế, gia đình nào cũng có dăm bảy con bò, con trâu; số hộ có của ăn của để, thu nhập trên 50 triệu đồng/năm trở lên cũng rất nhiều, như gia đình Thao Hanh, gia đình Thao Blú…
Gắn mình với cửa khẩu
Nhờ sự tạo điều kiện của Đại úy Đinh Huy Thăng- Phó Đồn trưởng quân sự Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, chúng tôi cũng đã có mặt trên đất bạn Lào. Nhìn từ xa, Cửa khẩu Quốc tế Phu Cưa thật đẹp. Đây là công trình thắm đượm tình hữu nghị Việt- Lào, khi Chính phủ Việt Nam hỗ trợ cho bạn 30 tỷ đồng để xây dựng cửa khẩu thật khang trang và đẹp đẽ. Giữa núi rừng miền biên ải, Cửa khẩu Quốc tế Phu Cưa nổi bật với kiến trúc thanh thoát, gây cảm giác dễ chịu cho khách bộ hành. 14 giờ chiều, người và xe cộ liên tục qua lại cửa khẩu.
Anh Southisad Sienphongsay- Công an viên Cửa khẩu Quốc tế Phu Cưa, dẫu làm việc với cường độ cao vẫn dành thời gian tiếp chuyện chúng tôi. Ngày thường, công việc của anh bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 19 giờ. Những ngày của tháng 7, người dân từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định đi làm ăn và giao dịch công việc bên Lào khá đông. Vì thế, các bộ phận chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Phu Cưa phải cắt cử nhau làm việc, đảm bảo việc đi lại của người dân thông suốt và nhanh gọn. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với anh Southisad Sienphongsay cứ ngắt quãng liên tục, vì người dân đến làm thủ tục xuất nhập cảnh mỗi lúc một đông.
Cửa hàng tạp hóa của gia đình anh Hatvilay. Ảnh: T.V
Cửa hàng tạp hóa của gia đình anh Hatvilay. Ảnh: T.V
Buổi chiều, chúng tôi cũng có dịp gặp gỡ với ông Phouvene Khamvongsa- Trưởng ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Phu Cưa. Diện kiến lần đầu, trông ông như một doanh nhân Lào. Đã có 3 năm công tác tại đây, ông là “người quen” của nhiều chủ doanh nghiệp, người dân của Việt Nam và Lào.
Theo ông Phouvene Khamvongsa, ngày mới tiếp nhận công việc tại Cửa khẩu Quốc tế Phu Cưa, sự giao thương, đi lại giữa hai bên chỉ chừng mực. Nhưng từ năm 2010, tại đây đã có sự “bùng nổ” thật sự. Buổi sáng, người dân tỉnh Attapeu (Lào) khởi hành sớm qua cửa khẩu để đến thành phố Kon Tum mua hàng hóa, thuốc men, chiều là họ có thể tạm biệt Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y để trở về nhà lo việc gia đình. Rất thuận tiện và nhanh chóng. Càng ngày người dân Lào đến Kon Tum mua sắm càng đông. Đối với nước bạn Lào, Phu Cưa là cửa khẩu quốc tế quan trọng. Từ đây, giới làm ăn và người dân Lào có thể giao thương với các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên của Việt Nam, hoặc con em của họ dễ dàng đi học tại các trường Đại học Quy Nhơn, Cao đẳng Sư phạm Kon Tum. Các chuyến xe khách chất lượng cao khứ hồi xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh, TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đi Chămpasắk, Păksế cũng đã hàng ngày đều đặn lăn bánh qua lại cặp Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y- Phu Cưa…
Đến vùng biên giới hai nước trong thời điểm này, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh làm ăn, mua bán thật cởi mở. Gia đình anh Somphasong Sevilay ở tận tỉnh Savanakhet, cách Cửa khẩu Quốc tế Phu Cưa đến 600 km. Nắm bắt thời cơ, vợ chồng anh đã gửi các con lại cho người thân nơi tỉnh nhà để học hành, rồi gồng gánh đến vùng cửa khẩu mua bán đã được gần 5 năm. Đến nay, cửa hàng tạp hóa của vợ chồng anh lớn nhất vùng, với đủ các mặt hàng chất lượng của Thái Lan, Lào… Với chất giọng Quảng Bình, Somphasong Sevilay nói chuyện bằng tiếng Việt rất “sõi”. Anh cho biết, với mãi lực như thế này, mỗi tháng vợ chồng anh cũng kiếm được 7 triệu kip Lào (khoảng 15 triệu đồng Việt Nam). Có lẽ gia đình anh sẽ “bám trụ” vùng cửa khẩu thêm vài chục năm nữa- Somphasong Sevilay hả hê tâm sự.
Còn anh Havilay- một “láng giềng” của vợ chồng Somphasong Sevilay thì bày tỏ: “Bọn mình bán buôn chưa giàu, nhưng cuộc sống nơi biên giới cũng tạm ổn định. Sắp tới mình tận dụng mảnh vườn sau cửa hàng tạp hóa của gia đình để đào ao nuôi cá, vịt và nuôi heo”…
Tạm biệt đất bạn Lào về lại TP. Pleiku để tránh cơn mưa tối chực đổ ập xuống, lòng chúng tôi rộn ràng với sự khởi sắc nơi vùng biên. Chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, nơi đây hứa hẹn một sự phồn vinh, giàu có.
Thanh Thanh- Thục Vy

Có thể bạn quan tâm