1.”Chữ” ở đây không bó hẹp ở chữ viết - một cách dùng ký tự để ghi lại lời nói, mà chúng tôi đề cập đến việc “chơi” với cả tiếng nói và cả chữ viết.
“Chơi” thì khác với “thực”, tức là để giải trí, để cho vui vẻ trong cuộc sống thường nhật vốn lắm lo toan này.
Ngày Tết là ngày đoàn tụ, về với gia đình và quê hương bản quán. Mọi người khắp mọi miền tụ về, trong câu chuyện với nhau thường có chuyện về những vùng đất mới lạ với những phong tục, cách ứng xử và đặc biệt là các thổ âm, phương ngữ đó đây… tạo nên những câu chuyện hài hước và thú vị.
Không những thế, theo truyền thống, Tết là phải có Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh. Những câu đối đỏ, những tấm lịch treo tường, những gói bánh, gói mứt được trang điểm bằng chữ nghĩa rực rỡ… cũng góp cho Tết cái phong vị đặc biệt, dù ngày nay pháo nổ đã bị cấm.
PGS Văn Như Cương từng nhận được vế đối “Thầy giáo tháo giầy, tháo cả ủng - thủng cả áo, lấy giáo án dán áo" và đối lại là “Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa - nhoà cả hương, ôm lương hưu lưu hương". |
2. Một chuyện chơi chữ khá thú vị được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại, đó là câu nói của Tả Hưng Thánh hỏa đầu tên là Nguyễn Dương mắng Điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đái: ”Điện tiền là Vũ ‘Cát’ chứ đâu phải là ‘Đái”. Ở đây, Nguyễn Dương đã chơi chữ đồng âm: Chữ “Đái” vốn nghĩa là giải mũ bị ông hiểu là tiểu tiện. Vậy chữ “cát” sẽ bị ngầm hiểu là tên gọi tục của… cục phân.
Tác phẩm Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi thế kỷ XV cũng có những lần chơi chữ tinh tế. Đến những bài thơ tương truyền là của nữ sỹ Hồ Xuân Hương thì sự chơi chữ đã bùng nổ theo các ý tứ giàu châm biếm, đả kích và hài hước.
Vậy, theo quan niệm rộng đó, chơi chữ có những loại nào?
2.1. Chơi chữ từ tiếng nói, còn gọi là chơi chữ theo phương thức ngữ âm, trong đó nói lái là cách phổ biến hơn cả. Nói lái dựa trên việc người ta đánh tráo, đổi ngược, hoán vị giữa hai tiếng khác nhau để tạo nên tiếng mới, có nghĩa mới tham gia vào câu chuyện. Tùy từng vùng mà người ta “lái” tiếng khác nhau, không cố định, như hoán đổi phần vần, giữ nguyên thanh điệu: Cá đối – cối đá, què chân – quần che, dâu hứa – dưa hấu, quan ngon – con ngoan, mồm to – mò tôm…
Cũng có khi người ta hoán đổi phần vần và thanh điệu, giữ nguyên phụ âm đầu: Các thầy – cầy thác; thầy giáo – tháo giầy; giáo án – dán áo…
Có khi người ta hoán đổi vị trí phụ âm đầu và phần vần, giữ nguyên vị trí thanh điệu (củ chi – chỉ cu) hoặc hoán đổi vị trí phụ âm đầu, đổi chút thanh điệu theo giọng địa phương hoặc đảo vị trí chữ tạo nên sự đa dạng trong nói lái: Bình Định – đình bịnh; Văn nghệ quân đội – văn đội quân nghệ…
Đố nhau nói nhanh những đoạn khó phát âm tạo nên tình thế nói nhịu cũng là một cách chơi chữ: Nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch; Liềm tôi lộn liềm o; Buổi trưa ăn bưởi chua; Giặt khăn xanh vắt cành chăn; Nàng lê lên núi lấy nước nấu lòng; Ông bụt ở chùa Bùi cầm bùa đuổi chuột…
Người ta còn chơi chữ bằng cách nhại giọng địa phương, nhại nói ngọng: Con tâu tắng buộc bờ te tụi/ Ăn no tòn như quả tống teo; Cái quần vừa dại vừa rông/ Mặc vào cứ tưởng là không mặc gì; Nó bảo nhau rằng ấy ái uông…
2.2. Chơi chữ bằng nghĩa của từ vựng có nhiều cách.
- Chơi chữ đồng âm khác nghĩa: Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn; Lệnh ông không bằng cồng bà; Chị Xuân đi chợ đầu hè / Mua cá thu về chợ hãy còn đông; Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc / Thương nhà mỏi miệng cái da da.
- Chơi chữ gần âm khác nghĩa: Chi hồ giả dã – Chi hồ rả rả; Học tài thi phận – Học tài thi lận; Khoa học xã hội – Khoa học xả hơi…
- Chơi chữ đồng nghĩa khác âm hoặc dùng một tập hợp từ trong trường nghĩa nghề nghiệp: Thiếp từ thủa lá thắm xe duyên, khi vận tía, khi cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ/ Chàng nay ở suối vàng nghĩ lại, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh (Nguyễn Khuyến – Câu đối Vợ thợ nhuộm khóc chồng); Da trắng vỗ bì bạch/ Rừng sâu mưa lâm thâm (dân gian); Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế/ Khi công hầu, khi khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai;Tưởng tơ tơ tưởng vì tơ/ Trăng lồng bóng nguyệt gió đưa phong tình….
- Chơi chữ bằng cách bịa phần vần để tạo nghĩa mới cho tên nước ngoài hoặc chữ viết tắt: SALEM (tên nhãn thuốc lá) thành Sao anh làm em mãi; CAPSTAN (nhãn thuốc lá) thành Cho anh phát súng tim anh nát, rồi đọc ngược lại là Nhưng anh tin số phận anh còn…
2.3. Chơi chữ sử dụng các câu ngữ pháp
- Bớt một thành phần câu: Câu chuyện ngụ ngôn Phúc thống phục nhân sâm kể về một ông lang băm đọc chưa hết câu trong sách, làm chết bệnh nhân là một ví dụ. Cả câu văn vốn là Phúc thống phục nhân sâm tắc tử (Đau bụng mà cho uống nhân sâm tất chết), nhưng vì hai chữ tắc tử viết vào tờ sau nên ông không đọc tới, cứ thế mà làm.
- Đảo trật tự các từ tạo câu: Ví dụ: Sai đâu sửa đấy, sai đấy sửa đâu, sửa đâu sai đấy; Lương sao làm thế, làm thế lương sao, làm sao lương thế; Cấm không được hút thuốc thành Thuốc hút được không cấm (đọc ngược lại)…
- Lẩy Kiều, tập Kiều, nhại tục ngữ ca dao: Trăm năm trăm nẳm trăm nằm/ Đêm nay nhất định hai cằm chạm nhau; Trên trời có đám mây xanh/ Ở giữa thủ trưởng xung quanh nịnh thần…
- Chắp tên người, tên tác phẩm thành câu, thành đoạn thơ, đoạn văn: Dế mèn lưu lạc mười năm/ Để O Chuột phải ôm cầm thuyền ai/ Miền tây sen đã tàn phai/ Trăng thề một mảnh lạnh ngoài đảo hoang. Ở đây ta thấy các tên tác phẩm của nhà văn Tô Hoài như “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Mười năm”, “O Chuột”, “Miền Tây”, “Trăng thề” đã được nhà thơ Nguyễn Xuân Sách ghép lại khéo léo để đùa vui.
Đúng là chơi cho vui vẻ. Gần đây, trên không gian mạng, có một số trang như Tiếng Nghệ, Tôi yêu tiếng Nghệ, nhiều thế hệ cháu con của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đã sáng tác những thi phẩm bằng phương ngữ quê hương, đọc lên thấy sự tài ba, tinh tế, hài hước và đồng vọng những nỗi niềm xưa cũ.
Với dân nghiên nghiên cứu ngữ học, đó cũng là một nguồn tư liệu quý giá khi chúng ta hướng về việc tìm hiểu cội nguồn Tiếng Việt thân yêu.