Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên qua hồi ức của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với những người muốn tìm hiểu về lịch sử Quốc hội Việt Nam, hồi ức “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện là một tài liệu quý không thể bỏ qua. Ở cuốn hồi ức này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại khá đầy đủ những khó khăn cũng như không khí hân hoan của người dân cả nước trong Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946).

 

Chưa đầy một tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, trong hoàn cảnh thù trong giặc ngoài đe dọa nền độc lập non trẻ của đất nước, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã ra Sắc lệnh số 14-SL về tổ chức tổng tuyển cử trên cả nước để bầu ra Quốc dân Đại hội (Quốc hội-P.V).

Trong hoàn cảnh đồng bào ta vừa trải qua một thế kỷ sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, Đại tướng cho rằng, Sắc lệnh số 14 “là lòng tin của Đảng vào tinh thần yêu nước, vào trình độ giác ngộ của nhân dân”. Bên cạnh đó, “tổng tuyển cử sẽ là một cuộc vận động chính trị rộng lớn và sâu sắc. Qua việc thực hiện quyền làm chủ của mình, mỗi người dân sẽ nâng cao thêm ý thức trách nhiệm đối với đất nước. Ở vào một tình hình trong, ngoài đều phức tạp, rối ren, một quốc hội do nhân dân chính thức cử ra, một chính phủ chính thức thành lập theo nguyên tắc dân chủ sẽ có uy tín, danh nghĩa và sức mạnh động viên tinh thần, lực lượng của nhân dân để kháng chiến kiến quốc, để giao dịch với các nước ngoài”.

 

Trong danh sách đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I (1946-1960), đối với Pleiku (nay là tỉnh Gia Lai) có 3 đại biểu trúng cử trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, gồm: cụ Nay Phin, cụ Nguyễn Bá Hòe và cụ Recom Rock.

 (Nguồn Google)

Công tác chuẩn bị cho ngày tổng tuyển cử đã được Đảng và Chính phủ lâm thời gấp rút tiến hành. Tuy nhiên, quá trình này đã gặp rất nhiều khó khăn khi ở miền Nam, thực dân Pháp dưới sự hậu thuẫn của quân Anh đã trở lại xâm lược nước ta. Chiến tranh ngày càng lan rộng ở miền Nam. Ở miền Bắc, theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bọn phản động Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam cách mệnh đồng minh hội (Việt Cách) theo chân 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch vào giải giáp quân Nhật cũng “chống phá tổng tuyển cử một cách điên cuồng” bởi “chúng ngày càng biết rõ một cuộc tổng tuyển cử công bằng sẽ không mang lại gì cho chúng”. Sát ngày tổng tuyển cử, các hành động khủng bố, phá hoại của kẻ thù vẫn tiếp tục diễn ra. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Cho tới hôm qua, vì những lá phiếu này, máu vẫn phải đổ. Bốn mươi hai cán bộ đã hy sinh tại miền Nam trong công tác vận động tổng tuyển cử”. Rồi đến ngày tổng tuyển cử, “ngay tại Hà Nội, mặc dầu những điều đã thỏa thuận, bọn Việt Nam quốc dân đảng vẫn mang cả tiểu liên đến Ngũ Xá, ngăn không cho đặt hòm phiếu. Chúng cấm cả nhân dân treo cờ”. Còn tại Nam bộ và miền Nam Trung bộ “cuộc tuyển cử diễn ra dưới bom phá, bom lửa và đạn liên thanh của quân thù (…)Một số đồng bào ở Tân An, Khánh Hòa bị thương và bị chết vì máy bay địch ném bom vào nơi bỏ phiếu”.

Bất chấp cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở miền Nam và các hành động khủng bố, phá hoại của kẻ thù ở cả hai miền, nhân dân cả nước vẫn tưng bừng chuẩn bị cho ngày tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử đất nước. Sáng mồng 6 tháng Giêng năm 1946, theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thành thị, xóm thôn, đâu đâu cũng rực rỡ cờ, đèn và hoa. Nhân dân không phân biệt giàu, nghèo, già, trẻ, gái, trai nô nức đi tới các nơi bỏ phiếu”. Ai cũng hiểu rằng “chẳng phải một sớm một chiều mà có được lá phiếu hôm nay. Lá phiếu của tự do, giành được từ cuộc đấu tranh lâu dài bằng biết bao máu và nước mắt” và hôm nay “là ngày mà những người chủ mới của đất nước sử dụng quyền làm chủ thực sự của mình”.

Kết thúc cuộc tổng tuyển cử, nhân dân cả nước đã bầu được 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi này đã đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mời, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam trong đối nội và đối ngoại.

Vĩnh Phúc

Có thể bạn quan tâm