Ngày Vệ sinh yêu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kể từ năm 2012, ngày 2-7 hàng năm được lấy làm Ngày Vệ sinh yêu nước. Nó xuất phát từ một bài báo mà Bác Hồ đã viết đăng trên Báo Nhân Dân ngày 2-7-1958 với nội dung kêu gọi toàn dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh. Bác nhắc nhở: “Nếu tính lại mỗi năm Chính phủ và nhân dân ta tốn bao nhiêu tiền thuốc men, mất bao nhiêu ngày lao động, thì sẽ thấy ruồi muỗi đã gây nên một số tổn thất khổng lồ”.

Nói là Ngày, nhưng đấy là một phong trào mà theo như lời khuyên của Bác thì vô cùng ích nước lợi nhà. Nếu ai ai cũng thấu hiểu và thực hành tích cực thì cộng đồng chúng ta sẽ có một môi trường xanh- sạch-đẹp đúng nghĩa ở mọi nơi, mọi lúc, bệnh tật sẽ giảm đi, sức khỏe mọi người sẽ tốt hơn và như vậy sẽ tiết kiệm được tiền của, thuốc men và thời gian.

 

 

Một niềm vui lớn là hiện nay với nền sản xuất công nghiệp và dịch vụ mở ra, kinh tế phát triển, đời sống mọi mặt của người dân được nâng lên, nhưng có điều không vui là trong quá trình phát triển ấy, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nhiều nơi không hợp lý, thiếu khoa học nên dẫn đến tình trạng phát triển kinh tế chưa đi đôi với bảo vệ môi trường; hơn thế, không ít người dân thiếu tinh thần tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường; nhiều khu phố, thôn, làng, nơi công cộng… dơ bẩn, nhếch nhác.

Vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hủ tục trong sinh hoạt chưa được cải tạo, xóa bỏ. Hàng năm, nhiều nơi bùng phát các bệnh xã hội nguy hiểm, thậm chí dẫn đến dịch bệnh lây lan gây tổn hại sức khỏe, tốn kém tiền thuốc thang và ảnh hưởng đến sản xuất, nguy hiểm hơn là bệnh tật làm ảnh hưởng đến sự phát triển giống nòi trong tương lai.

Đã nhiều năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể liên tục phát động các phong trào nhắm đến việc xây dựng cộng đồng văn minh như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, rồi phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân”, “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”…

Tuy thế nhưng việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục rộng rãi ý nghĩa và mục đích của các phong trào đó trong cộng đồng chưa thật tốt, cho nên nhiều phong trào “phát mà không động”, đôi khi và nhiều nơi phong trào làm theo kiểu “phong trào”, “đầu voi đuôi chuột”, ra quân, mít tinh, treo băng rôn, giăng khẩu hiệu, diễu hành rầm rộ rồi đâu lại vào đấy. Phong trào “Vệ sinh yêu nước” cũng không ngoài tình trạng tiêu cực ấy.

Học tập và làm theo gương Bác, thì hãy ghi nhớ và làm theo điều đơn giản, dễ hiểu như Bác nói để tránh sự tác hại-tuy chỉ là “con ruồi, con muỗi” nhưng làm tổn thất, tiêu hao tiền bạc, của cải, thời gian lên đến con số “khổng lồ” của Chính phủ, của người dân. Mọi người đều ý thức được con ruồi, con muỗi gây bao tác hại như vậy thì sẽ làm gì để “ruồi muỗi” không còn, không nơi trú ẩn, sinh sôi.

Một môi trường sạch, từ nơi ăn, chốn ở đến những nơi sinh hoạt cộng đồng đều đảm bảo vệ sinh thì chắc chắn sẽ giảm đi các loại động vật gây hại cho người và để có được môi trường ấy, việc không chỉ của riêng ai. Và chắc chắn không chỉ làm theo kiểu “phong trào” mà là việc làm thường xuyên, liên tục ở mọi nơi, trong tất cả mọi người.

Công việc tuyên truyền về vệ sinh môi trường phải được chú ý và coi đó là trách nhiệm chung, người biết, hiểu nói cho người chưa biết, chưa hiểu, như vậy tức là góp phần giáo dục, động viên, cổ vũ để mọi người nâng cao ý thức, chung sức thực hiện và coi việc đảm bảo vệ sinh, xây dựng môi trường sống theo tiêu chí xanh, sạch, đẹp là của chính mỗi người.

Tổng kết từ thực tiễn cuộc sống, từ xưa tổ tiên ta đã bảo “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, và hơn thế còn khẳng định “Sức khỏe quý hơn vàng!”; điều đó có thể nói cho đến ngày nay và có lẽ mai sau nữa vẫn nguyên giá trị. Và vì vậy, không chỉ có Ngày Vệ sinh yêu nước 2-7 mà nó phải là tất cả các ngày, mãi mãi…

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm