Nghe cựu binh kể chuyện đánh Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 8 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường mặt trận đường 9-B5 khói lửa, cựu chiến binh Cao Bắc Soi (tổ 7, phường Trà Bá, TP. Pleiku) đã tham gia 60 trận đánh lớn nhỏ. Dù chiến tranh đã lùi vào quá khứ gần 40 năm, song mỗi khi nhắc lại những trận đánh, ông kể mạch lạc theo dòng sự kiện mà không cần mất thời gian sắp xếp hay ngắt quãng dù đã bước sang tuổi 71.

Năm 15 tuổi, Cao Bắc Soi đã tình nguyện tham gia vào Đội Thanh niên 3 sẵn sàng của tỉnh Phú Thọ (quê ông) với công việc chủ yếu là đắp đê, xây đập, làm thủy lợi… Trưởng thành hơn một chút, Cao Bắc Soi xin vào Đội Thanh niên xung phong địa phương tham gia đào hầm, làm đường chiến lược, làm hầm pháo, kho đạn, trận địa pháo phòng không… tại các huyện trong tỉnh phục vụ cho chiến đấu.

 

Ảnh: Phương Dung

Khi tròn 24 tuổi, Cao Bắc Soi tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế về Trung đoàn 246, Sư đoàn Bộ binh 250 của Quân khu Việt Bắc. Sau 15 ngày nhập ngũ, Trung đoàn của ông nhận được lệnh đột xuất tham gia chiến đấu tại chiến trường đường 9-Khe Sanh, Quảng Trị. Hành quân xuyên rừng suốt 3 tháng ròng, khi vừa vào tới mặt trận, đơn vị của ông đã tham gia trận đánh đầu tiên tại điểm cao 689 thuộc căn cứ Tà Cơn-Khe Sanh.

Ngay trận đánh đầu tiên, tiểu đội pháo cối của ông đã tiêu diệt được nhiều tên địch, cá nhân ông cùng hai đồng đội được nhận danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3. Trận đánh thứ hai cũng tại điểm cao 689 và sau trận đánh này, Cao Bắc Soi được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ cấp 2, đồng thời nhận Huân chương Chiến công hạng ba.

…Ông nhớ lại: “Tháng 7-1972, lúc đó tôi đang là lính của Trung đoàn 84 Pháo binh mặt đất thuộc Sư đoàn 325, đơn vị nhận được lệnh cùng một số đơn vị hỏa lực khác đánh chi viện bộ binh giữ thành cổ Quảng Trị bằng đạn pháo hỏa tiễn ĐKB. Tại trận địa, mới chỉ phóng được 4 quả đạn ĐKB về mục tiêu thì bị lộ, đơn vị bị địch phản kích trở lại, chúng cho máy bay oanh tạc suốt ngày đêm.

Ban đầu, địch dùng đạn khói bắn chỉ điểm sau đó dùng 4 máy bay F4 lao vào đánh tan trận địa khiến nhiều đồng chí hy sinh và bị thương. Bản thân tôi cũng bị nhiều mảnh đạn găm vào cơ thể, bị sức ép của bom đạn khi bị vùi lấp trong hầm trú ẩn. Bây giờ, mỗi khi trái gió trở trời, cả cơ thể bị đau ê ẩm”.

Song có lẽ, trong suốt đời quân ngũ của mình, trận đánh khiến ông nhớ nhất là trận đánh đạn truyền đơn năm 1973. Không phải mất thời gian để lục tìm ký ức, ông kể về trận đánh một cách say sưa, rõ ràng, mạch lạc như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua: “Ngày 23-1-1973, Tiểu đoàn gọi tôi lên Sở Chỉ huy (lúc này tôi đang là Trung đội trưởng Trung đội 2) giao nhiệm vụ phụ trách 30 đồng chí cán bộ tuyên truyền thuộc đơn vị Binh vận của Mặt trận, đánh đạn truyền đơn sang phía địch đóng quân.

Sáng 26-1-1973, 30 đồng chí với 30 quả đạn lắp sẵn truyền đơn bên trong di chuyển về hướng trận địa. Qua sân bay Ái Tử thì bị một loạt pháo biển bắn vào đội hình. Với kinh nghiệm chiến trường, tôi nắm được hướng đạn nổ, do vậy tôi hô anh em: nằm xuống! Hết loạt đạn pháo, anh em vùng dậy chạy băng qua cánh đồng, vừa rời khỏi sân bay thì 4 chiếc phản lực ầm ầm lao tới thả bom ngay trên sân bay. Vượt qua nguy hiểm trong gang tấc, anh em tiếp tục đến khu vực trận địa và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Tháng 7-1974, Cao Bắc Soi được Trung đoàn 84 cử đi đào tạo cán bộ nguồn tại Trường sĩ quan Pháo binh tại Hà Tây (nay là Hà Nội). Dù đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng khi có lệnh động viên hành quân vào Nam giải phóng Sài Gòn, ông lại hăng hái xung phong lên đường. Thế nhưng đoàn quân tham gia chi viện cho miền Nam vừa đến khu vực Bến Cát (Bình Dương) thì được tin Sài Gòn giải phóng…

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm