Từ đánh bóng lư hương, khắc chữ trên dưa hấu hay kết hoa lan… Mỗi công việc đều mang đến cơ hội kiếm tiền hấp dẫn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ những nghề này đòi hỏi sự chuẩn bị, nỗ lực và cả sự sáng tạo để đáp ứng nhu cầu đặc biệt của dịp lễ lớn nhất trong năm.
Nghề đánh bóng lư hương
Vào những ngày Tết, bất cứ gia đình nào cũng muốn bàn thờ của gia đình, dòng họ mình được dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng hơn ngày thường. Chính vì thế dịch vụ đánh bóng lư đồng luôn hút khách bậc nhất vào thời điểm cận Tết. Những người thực hiện sẽ dùng máy chuyên dụng để làm mới chiếc lư đồng và các đồ thờ cúng trên bàn thờ.
Giá đánh bóng cho mỗi bộ đồ thờ tùy thuộc vào kích cỡ, hoa văn có cầu kỳ hay không. Một bộ lư đơn giản, cần khoảng hơn một giờ đánh bóng, tiền công từ 150.000 - 350.000 đồng. Một bộ lư phức tạp cần ba tiếng làm mới sẽ có giá từ 500.000 - 850.000 đồng.
Anh Lê Văn Đạo, chợ Vạn Phúc (Hà Đông) chia sẻ: “Khách thường đặt đánh bóng đồ thờ trước Tết khoảng 1 tháng. Khách đặt thì nhiều nhưng thợ làm thì lại ít nên nhiều khi chúng tôi phải từ chối không nhận làm vì sợ không kịp thời gian trả khách. Hơn nữa, làm công việc này thợ đánh bóng phải cứng tay, non tay là sẽ làm xây xước những đồ quý giá”.
Cũng theo anh Đạo chia sẻ thì chiếc lư đồng nhiều gia đình để từ đời này sang đời khác nên có giá trị tinh thần rất lớn, tiền bạc không thể mua được. Do đó trong từng công đoạn, anh và đồng nghiệp phải làm hết sức tỉ mỉ và cẩn thận. Đối với anh, làm nghề phải có lương tâm, cái nào không đánh bóng được là từ chối ngay, vì lỡ làm hỏng thì kể cả có tiền cũng không đền được.
Sau khi tháo rời toàn bộ lư đồng, đồ đồng được quét dung dịch tẩy rửa rồi đưa vào máy quay mô tơ để mài cho hết lớp bụi bẩn, bạc màu. Sau đó đánh bóng, chà lên một lớp bột tẩy, bột bóng để cho đồ vật được bóng loáng, trơn nhẵn và chống oxy hóa. Khi đánh lư đồng, tay thợ phải khéo léo, tỉ mẩn, làm sao để lư đồng được bóng loáng mà không bị trầy xước, biến dạng.
Công việc này khá mệt nhọc khi phải ngồi hàng giờ liền. Bên cạnh đó người thợ còn phải đối mặt với độc hại từ bụi do cọ xát lư đồng và cả những chất hóa học mà dân trong nghề sử dụng như lơ đánh bóng, bột làm sáng. Anh Đạo cười bảo rằng: “Chỉ cần có cái Tết ấm no cho gia đình thì kể cả có vất đến mấy anh cũng chấp nhận hết”.
Nghề tảo mộ thuê
Cuối năm âm lịch, nhiều gia đình có nhu cầu tân trang phần mộ người thân đã khuất. Đây cũng là dịp đem lại nguồn thu nhập khá cho những người làm công việc tảo mộ thuê. Công việc chủ yếu của họ là dọn dẹp, sửa chữa hoặc sơn mới, cũng có thế là xây mộ, đắp thêm các chi tiết trang trí cho ngôi mộ trông mới hơn. Với nghề này, tiền thù lao được trả cho thợ khoảng từ 400.000 - 500.000 đồng/ngôi. Nếu làm chăm chỉ đến những ngày 27-30 âm lịch, thù lao sẽ tăng lên kèm theo thưởng thêm. Đối với những người thợ lành nghề, chăm chỉ có thể thu về trên 15 triệu đồng/tháng.
Công việc tảo mộ thuê không chỉ diễn ra ở những nghĩa trang địa phương mà nó còn rất tấp nập ở những nghĩa trang lớn như: Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình); nghĩa trang Bất Bạt (Ba Vì). Tại những nghĩa trang lớn, giá cho mỗi ngôi mộ cao thấp tùy theo yêu cầu của khách. Nếu chỉ làm cỏ, thắp hương và khấn giá khoảng 500 đến 1 triệu đồng/ngôi. Nhiều gia đình có điều kiện muốn làm cỏ, cạo vôi, quét sơn lại, thậm chí trồng thêm hoa thì giá có thể lên tới 3 đến 5 triệu đồng tùy theo kích thước từng ngôi mộ.
Theo những chủ thợ tiết lộ: Trong tháng Chạp, nếu nhiều việc, mỗi người cũng kiếm 1 đến 2 triệu đồng/ngày. Nhiều gia đình sống cạnh nghĩa trang Bất Bạt nói rằng, họ quanh năm chỉ sống dựa vào mấy sào ruộng nên chỉ trông chờ vào tháng cuối năm đi tảo mộ thuê. Chịu khó, cả gia đình cùng làm thì tháng cuối năm cũng kiếm được vài chục triệu, đủ cho một cái tết ấm no.
Chị Bùi Thị Thêm (sinh năm 1984) làm việc ở Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên đã nhiều năm nay. Nhà cách nơi làm việc không xa nhưng do công việc cuối năm bận rộn nên chị Thêm phải đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về, con cái gửi cho ông bà nội chăm lo. Mùa đông bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, chiều bắt đầu từ 1 giờ đến 17 giờ.
Chị Thêm chia sẻ, càng đến gần tết thì công việc của các chị càng bận rộn hơn vì nhiều gia đình ở xa không thể về thăm mộ, tảo mộ nên họ đành nhờ các chị. Công việc chính của chị Thêm là chăm sóc khuôn viên khu mộ, chăm sóc cây cối, lau chùi phần mộ, bón, cắt tỉa tưới nước cho cây...
Chị Thêm bảo cứ trước Tết tầm 1-2 tuần, công việc của những người chăm sóc phần mộ như chị lại tăng lên vì không chỉ làm việc theo yêu cầu của công ty mà còn làm việc theo yêu cầu của người nhà các mộ phần. Cụ thể, nhiều gia đình ở xa, không thể trực tiếp đến nghĩa trang được nên nhờ các chị mua đồ lễ thắp hương hộ. Chị Thêm cho biết: “Nhiều gia đình còn gửi cả chìa khóa tủ đựng đồ lễ trong khuôn viên, nhờ chúng tôi mở cửa thắp hương vào mùng 1, ngày rằm. Mình cứ thành tâm thôi, khấn ở nhà như thế nào thì khấn ở đây cũng thế”. Trước khi bắt đầu tảo mộ, bao giờ chị và các đồng nghiệp cũng thắp hương, xin phép cẩn thận, dọn dẹp xong cũng lại khấn vái, báo cáo công việc đã hoàn thành mới ra về.
Nghề khắc dưa hấu
Trên các mâm ngũ quả mỗi dịp Tết đến, các loại dưa hấu cắt tỉa có những hình dáng đẹp, độc đáo đang nhận được rất nhiều sự ưa chuộng từ người tiêu dùng. Khác với những loại quả mất công tạo hình và chăm sóc cả năm trời, dưa hấu qua những lưỡi dao tỉa, khắc tinh tế đã nhanh chóng được tạo thành các hình dạng bắt mắt phục vụ cho dịp Tết.
Vài năm trở lại đây, mỗi khi đến dịp Tết anh Dư Văn Phượng (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) lại khởi động dịch vụ khắc dưa hấu nghệ thuật. Thời gian này, ngoài bán các loại hoa quả thông thường thì anh Phượng còn nhận thêm dịch vụ khắc dưa nghệ thuật. “Để đáp ứng đủ lượng cung, tôi thường phải thuê thêm 4-5 người nữa cùng làm. Thông thường có hai loại khắc, một loại khắc chữ và hoa. Loại này được bán với giá là 280 nghìn đồng. Một loại khác là khắc rồng phượng và chữ, được bán với giá là 350 nghìn đồng”, anh Phượng cho biết.
Theo anh Phượng, một ngày, quán của anh làm việc cật lực có thể khắc được 100 quả. Công khắc mỗi quả dưa dao động từ vài chục nghìn đến hơn 100 nghìn đồng tùy vào độ khó, dễ.
Nằm khiêm tốn trên đường Ngọa Long, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), xưởng khắc hoa quả nghệ thuật của anh Vũ Sơn luôn trong tình trạng quá tải. Thường ngày, công việc chính của Sơn là đi dạy ở trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội và trang trí tiệc cưới. Tuy nhiên, cứ dịp cận Tết chàng thanh niên này lại chuyển qua làm nghề khắc dưa. Sơn cho biết: “Cuối năm, việc cưới hỏi cũng vãn đi nhiều nên em chuyển qua làm thêm nghề khắc dưa nghệ thuật. Mục đích chính cũng là để các anh em đang đồng hành cùng mình luôn có việc để làm”.
Được biết, tại xưởng của Sơn, mỗi người mỗi ngày nếu làm hết công suất sẽ khắc được khoảng 25 quả dưa. Mỗi quả tiền công của thợ cạo nói riêng sẽ được 50 nghìn đồng, còn thợ khắc chữ sẽ được tầm từ 25 đến 30 nghìn đồng. Ở xưởng của Sơn cũng có 2 loại khắc: kiểu thứ nhất là khắc độc chữ và giữ lại vỏ và kiểu khắc thứ 2 là cạo trắng vỏ và giữ lại chữ. Kiểu khắc thứ 2 sẽ mất nhiều thời gian hơn, thợ cạo sẽ phải làm việc lâu hơn, do đó công cũng cao hơn thợ khắc chữ.
Để có thể khắc thành thạo một quả dưa, tùy thuộc vào năng khiếu của mỗi người. Người nào học nhanh sẽ mất khoảng từ 2 đến 3 tuần, người học chậm có thể kéo dài cả tháng. Việc khắc chữ hay khắc hình tiểu cảnh trên dưa đòi hỏi sự tỉ mỉ và phải vô cùng thận trọng. Vì chỉ cần một sai sót nhỏ là phải bỏ cả quả dưa.
Hiện nay, cùng với việc khắc dưa thủ công thì việc khắc dưa bằng tia laser cũng rất thịnh hành. Nếu như khắc thủ công, một quả dưa khi được hoàn thành cũng phải mất ít nhất từ 30 phút đến một tiếng, tùy vào độ khó dễ còn khắc bằng tia laser chỉ mất chưa đầy 5 phút. Tuy nhiên, khi khắc bằng tia laser dưa sẽ không để được lâu vì các tia nóng chiếu vào sẽ làm chín quả dưa.
Nghề kết hoa lan
Trong những năm gần đây, thú chơi hoa lan nghệ thuật ngày càng trở nên phổ biến. Người yêu lan đã dần chuyển từ việc thưởng thức lan trong bình hay cắm theo lối truyền thống sang các tác phẩm hoa lan nghệ thuật trên gỗ lũa, tạo nên một xu hướng mới đầy độc đáo. Điều này đòi hỏi những người thợ cắm lan phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng.
Để hoàn thiện một tác phẩm hoa lan đến tay khách hàng, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc cố định thân lan lên khung thép tạo dáng, đến các bước kết hợp hoa, phụ kiện sao cho hài hòa. Tiền công của thợ cắm lan thường phụ thuộc vào kỹ thuật và độ phức tạp của từng sản phẩm.
Đối với công việc “lên bình” (cắm lan vào bình sứ), mức thù lao dao động khoảng 20.000-25.000 đồng/cành tùy vào mỗi cơ sở. Sau một vài năm học việc, thợ cắm lan có thể đảm nhận việc “lên bình” độc lập. Công việc tuy không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, vì chỉ cần làm gãy một cành lan là tổn thất có thể lên đến vài trăm nghìn đồng.
Trong khi đó, công việc “lên lũa” (cắm hoa lan trên gỗ lũa) lại yêu cầu tay nghề cao và óc sáng tạo. Do đó, tiền công cho các tác phẩm nghệ thuật này thường cao hơn. Một cành hoa lan được tính công khoảng 35.000-40.000 đồng, hoặc tiền công cho một tác phẩm hoàn chỉnh có thể lên đến 5-7 triệu đồng, thậm chí cao hơn tùy vào độ phức tạp.
Anh Nguyễn Văn Hòa, một người thợ lành nghề đến từ Thái Nguyên chia sẻ rằng nhóm của anh thường làm việc tại các cơ sở kinh doanh hoa lan từ đầu tháng Chạp cho đến sát Tết. Với tay nghề cao, các thợ cắm lan có thể kiếm được từ 3-6 triệu đồng/ngày. Công việc này không chỉ đòi hỏi tay nghề, mà còn cần óc nghệ thuật và tinh thần sáng tạo.
Mới đây, anh Hòa vừa hoàn thành một tác phẩm hoa lan nghệ thuật trên gỗ lũa có giá 60 triệu đồng. Bản thân anh Hòa đã nhận về cho mình 6 triệu đồng tiền công. Để hoàn thành một tác phẩm như vậy, anh Hòa đã phải dành gần 24 giờ làm việc không ngừng nghỉ. Theo anh, cắm hoa lan trên gỗ lũa đòi hỏi phải lên ý tưởng hài hòa giữa gỗ lũa, hoa lan và các phụ kiện trang trí sao cho tất cả các chi tiết đều làm nổi bật vẻ đẹp tổng thể của tác phẩm.
Dù vất vả với những đêm dài thức trắng, nhưng với những người thợ kết hoa lan, mỗi tác phẩm nghệ thuật được hoàn thành đều mang lại niềm tự hào và sự mãn nguyện.
Theo Phong Anh (cand.com.vn)