Nghề xe ôm tìm "đất sống" mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước sự phát triển của đời sống xã hội cũng như sự cạnh tranh của nhiều phương tiện, nghề xe ôm ngày càng vắng khách. Những tưởng cái nghề cay cực, lắm nhọc nhằn này sẽ biến mất trong đời sống đô thị. Song, cũng với phương tiện “kiếm cơm” là chiếc xe máy quen thuộc, nhiều người vẫn bươn chải tìm cách mưu sinh.  
 

 Thay vì chỉ chở khách như trước đây, nhiều người chạy xe ôm còn nhận chở thêm hàng hóa để mưu sinh. Ảnh: Đức Thụy
Thay vì chỉ chở khách như trước đây, nhiều người chạy xe ôm còn nhận chở thêm hàng hóa để mưu sinh. Ảnh: Đức Thụy

Ngồi cười buồn bên cạnh dòng xe cộ ầm ào qua lại trước Khách sạn Hùng Vương (TP. Pleiku), ông Nguyễn Phi Quốc-một tài xế xe ôm “lão làng” với thâm niên gần 30 năm cho hay: “Nghề này giờ ế lắm. Cả ngày hôm qua tui chỉ chạy được có 20.000 đồng. Giờ người ta xuống bến xe, đi 2-3 người kêu taxi chỉ tốn có vài chục ngàn đồng, đi xe ôm thì cũng chừng đó tiền, mà mình chở 3 còn bị Công an phạt nữa. Nghề xe ôm chẳng khác nào đi câu, cũng may rủi thôi”. Theo ông Quốc, từ ngày Pleiku có xe buýt, có taxi giá rẻ, cuộc sống của những người “nhặt tiền rơi ngoài đường” này ngày càng eo hẹp.

Do đó, để có thể trang trải cho cuộc sống, từ nhiều năm nay ngoài chở khách, ông Quốc còn nhận giao đồ lạc-xoong, phụ tùng xe ô tô… của các cửa hiệu đến các garage. Chủ các xe đào, máy ủi chẳng may bị hư dọc đường hoặc các công trình ở huyện giờ cũng chỉ cần gọi một cú điện thoại cho cửa hàng quen là đã có ngay cánh xe ôm chở đồ đến giao tận nơi. Có những lúc người và xe bươn tận Kon Tum hay các công trình xa xôi trong tỉnh. “Ngày nhiều nhất cũng được vài trăm ngàn đồng. Nhưng cũng lâu lâu thôi, như trúng mùa câu vậy đó”-ông Quốc trải lòng.

Trong khi đó, anh xe ôm có cái tên rất dịu dàng Nguyễn Ánh Hồng (tổ 13, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cũng tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng một công việc khá nhẹ nhàng, đó là nhận thu tiền dịch vụ mạng internet của Công ty cổ phần Viễn thông FPT. Anh Hồng kể, với nghề đưa đón khách trước kia, có ngày anh cũng kiếm được chừng 200 ngàn đồng, đủ nuôi một gia đình với 2 đứa con đang tuổi ăn học. Hơn 5 năm trước, thấy nghề chạy xe ôm bắt đầu ế ẩm dần, anh tìm thêm được việc thu cước internet. Nhiệm vụ của anh là thu cước ngoài giờ hành chính đối với những khách hàng là công chức, viên chức ở 2 phường Hội Thương và Hoa Lư (TP. Pleiku), thu nhập ăn theo sản phẩm, tính ra mỗi tháng trừ xăng xe anh cũng được trên 4 triệu đồng/tháng.

Còn với anh Võ Văn Thanh (tổ 12, phường Hội Thương, TP. Pleiku), người đã có hơn 20 năm mưu sinh ở cổng Trung tâm Thương mại Pleiku, nghề chạy xe ôm tuy có bấp bênh nhưng nhờ sự nhanh nhạy anh vẫn “sống tốt”. Ngoài chở khách, anh còn nhận chở hàng hóa từ chợ ra các bến xe và ngược lại. Anh Thanh cho biết: “Mình nhận chở tất cả các mặt hàng, từ quần áo đến giày dép các loại. Có chỗ mình còn giao hàng và nhận tiền giùm các chủ sạp luôn”. Việc nhiều nên anh còn có cả 1 “nhân viên” phụ việc mới làm xuể. “Nhân viên” này chuyên chuyển hàng bằng xe đẩy từ sạp ra cổng chợ, còn anh chở ra bến. Nhờ “đắt sô” cộng với sự chăm chỉ, thu nhập của anh cũng tròm trèm 300-500 ngàn đồng/ngày, Tết thì có thể hơn, đủ trang trải chi phí cho một gia đình nhỏ với 2 đứa con. Những khi không quá nhiều việc, anh còn nhận giao toa hàng từ các huyện gửi cho các chủ sạp trong chợ. Dù rất bận rộn, nhưng anh Thanh luôn đặt “chữ tín” lên hàng đầu, vì với anh, không nhận việc thì thôi, “đã nhận là phải làm tới nơi tới chốn”.

 Lam Nguyên

Có thể bạn quan tâm