Báo xuân

Nghi lễ cúng đình ở Tây Sơn Thượng đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trải qua bao biến cố lịch sử, hơn 300 năm qua, những người con vùng đất An Khê vẫn gìn giữ nghi lễ cúng đình truyền thống. Hầu hết các đình làng, miếu, am, dinh trên địa bàn thị xã đều có ban nghi lễ lo việc hương khói, cúng kính. Đây là nét văn hóa đặc sắc thể hiện đời sống tín ngưỡng của người Việt vùng An Khê, được bảo tồn từ bao đời nay.

Độc đáo lễ cúng Quý Xuân

Hàng năm, tại An Khê đình và An Khê trường thuộc Khu Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo đều diễn ra 4 ngày lễ lớn, trong đó lễ cúng Quý Xuân là một trong những lễ trọng của nhân dân vùng An Khê. Đây là nghi lễ bày tỏ lòng biết ơn của thế hệ con cháu đối với bậc tiền nhân đã có công lập làng xã, đồng thời cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống nhân dân ấm no hạnh phúc. Lễ cúng Quý Xuân diễn ra trong 2 ngày (mùng 9 và 10-2 Âm lịch) với những nghi lễ chính: nghinh Sắc thần vào An Khê đình và An Khê trường; cúng lễ, tế thần; dâng hương tại nhà tiền nhơn và cúng Quý Xuân. Người thực hiện các bước tế lễ này là các vị bô lão trong Ban nhạc lễ và Ban nghi lễ.

Nghi lễ rước Sắc thần từ An Khê đình về An Khê trường. Ảnh: A.P



Đến hẹn lại lên, sáng mùng 9-2 Âm lịch, đại diện chính quyền địa phương, các vị cao niên trong Ban nghi lễ, nhạc lễ và đông đảo nhân dân trong vùng đã tề tựu về An Khê trường để chuẩn bị tổ chức nghi lễ nghinh Sắc thần hay còn gọi là nghênh thần. Đúng 0 giờ ngày 10-2 Âm lịch, thời khắc chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới, nghi lễ tế thần bắt đầu. Dưới sự điều hành của Hương lễ, các vị chức sắc trong Ban nhạc lễ, nghi lễ cẩn trọng thực hiện từng động tác dâng hương, rót rượu, dâng trà... Giữa không gian linh thiêng, tôn kính, tiếng nhạc lễ hòa quyện với hương trầm thơm ngào ngạt, bằng tấm lòng thành kính, các vị chức sắc lần lượt dâng lên trời đất, thần linh và các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn đất đai, xây dựng làng xã những lễ vật do dân làng đóng góp. Đó là thành quả sau một năm làm lụng như hoa quả, xôi chè… và không thể thiếu heo nguyên sinh (heo đã làm sạch nhưng chưa nấu chín). Ngoài chuẩn bị lễ vật, người dân cũng chuẩn bị thực phẩm để bà con quanh vùng đi dự lễ hưởng lộc sau buổi lễ.

Bày tỏ sự hàm ơn, ông Trần Châu (84 tuổi, tổ dân phố14, phướng Tây Sơn, thị xã An Khê) chia sẻ: “Mỗi dịp cúng Quý Xuân, tôi đều về thắp nén nhang, tỏ lòng tôn kính, biết ơn các bậc tiền nhân, thần linh có công khai phá, lập làng, lập xã. Dưới sự che chở, phù hộ của các ngài, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

Sáng sớm 10-2, không khí trở nên nhộn nhịp, rộn ràng hơn khi người dân tới dự xem lễ đón Sắc thần từ An Khê đình trở lại An Khê trường. Tại An Khê trường, các vị chức sắc tiến hành lễ đón Sắc thần, lễ dâng hương tại nhà tiền nhân và lễ cúng Quý Xuân theo nghi lễ truyền thống. Đây được xem là ngày lễ trọng trong lễ cúng Quý Xuân.

Lễ cúng Quý Xuân khởi phát tại Tổ đình, sau đó các vạn An Xuyên, An Tân, An Tập, An Phong, Miếu sở và các am, dinh… lần lượt tổ chức cúng Quý Xuân theo nghi lễ truyền thống, kéo dài đến hết tháng 2 Âm lịch.

Cầu quốc thái dân an

Theo ghi nhận của các tài liệu lịch sử, khoảng đầu thế kỷ thứ XVII, vùng đất An Khê-Tây Sơn Thượng đạo đã có sự hiện diện của người Việt đến khai khẩn đất hoang và dần dần lập nên những làng, xã mà trong đó lâu đời nhất có thể kể đến là vùng Tây Sơn Nhất (phường Tây Sơn) và Tây Sơn Nhị (xã Cửu An). Trong quá trình hình thành các cộng đồng dân cư cùng những trang ấp trù phú thì đời sống tinh thần, tín ngưỡng của dân trong vùng cũng dần định hình, phát triển và lưu giữ đến ngày nay.

Ban nghi lễ đọc văn tế tại lễ giỗ Vua Quang Trung theo nghi thức truyền thống. Ảnh: A.P

Gắn với tín ngưỡng dân gian mang đậm yếu tố tâm linh của người Việt vùng An Khê-Tây Sơn Thượng đạo là hệ thống thiết chế tương ứng phổ biến như đình, miếu, am, dinh… Ngày nay, An Khê là nơi còn gìn giữ nhiều đình, chùa, miếu mạo. Điều này chứng tỏ cư dân vùng An Khê rất coi trọng tín ngưỡng tâm linh. Hàng năm, theo cổ lệ được lưu truyền, hầu hết các đình, miếu, am, dinh đều có Ban nghi lễ mà người đứng đầu là Phụng tế (Chánh bái) chăm lo cúng kính theo định kỳ. Tiêu biểu trong việc gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị tín ngưỡng dân gian ở vùng đất An Khê có thể nói đến An Khê đình, An Khê trường, do dân làng vùng Tây Sơn Nhất lập lên. Hàng năm, tại đây diễn ra 4 ngày lễ lớn đó là: lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (mùng 4 Tết), lễ Khai sơn (ngày 10 tháng Giêng), lễ cúng Quý Xuân (ngày 10-2 Âm lịch) và ngày giỗ Vua Quang Trung (ngày 28-7 Âm lịch). Tuy khác nhau về hình thức tổ chức nhưng đây đều là dịp chính quyền và nhân dân trong vùng quy tụ về để cùng nhau tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn xây dựng làng, xã; đồng thời cầu mong cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, người dân An Khê vẫn gìn giữ nghi lễ cúng đình truyền thống cho thế hệ con cháu.


Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê: “Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đã chung tay góp sức bảo tồn, duy trì tổ chức; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc tổ chức để quy mô các lễ hội ngày càng mở rộng, từ đó giáo dục về lòng tự hào dân tộc. Đồng thời, thông qua các lễ hội, chúng tôi cũng muốn quảng bá hình ảnh, nét văn hóa truyền thống của vùng đất Tây Sơn Thượng đạo tới bạn bè, du khách trong và ngoài tỉnh; từng bước xây dựng An Khê thành điểm du lịch văn hóa lý tưởng”.


 AN PHÁT

Có thể bạn quan tâm