Nghị lực của những bệnh nhân phong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làng Bluk Blui (xã Ia Ka, huyện Chư Pah) cách trung tâm TP. Pleiku chừng 40 km. Bluk Blui xưa kia vốn là làng của những người mắc bệnh phong với vẻn vẹn hơn chục nóc nhà nhưng nay vẫn làng ấy, cuộc sống của bà con nơi này đã được mở ra khi họ đã tìm được niềm vui sống và không chịu đầu hàng số phận.

Chúng tôi đến làng Bluk Blui vào một buổi sáng đẹp trời. Dân làng đón chúng tôi bằng những nụ cười tươi rói. Tôi đặc biệt chú ý đến nụ cười của những người bị bệnh phong dù cho trên khuôn mặt họ có những khiếm khuyết lớn do chứng bệnh này gây ra. Có người bị bạc màu da, rụng lông mày, có người bị nổi từng cục u lớn nhưng riêng ánh mắt của họ thì ánh lên một niềm vui rất rõ ràng.

 

Ảnh: C.T.V
Ảnh: C.T.V

Trưởng thôn Bluk Blui là anh Rơ Châm Ruen. Năm nay, anh 34 tuổi và được bầu làm Trưởng thôn năm vừa tròn 30. Dù là một người thuộc thế hệ sau nhưng anh rất hiểu về ngôi làng của mình, hỏi đến đâu anh trả lời đến đấy. Anh kể: Làng Bluk Blui được hình thành từ năm 1963 chỉ với trên 10 hộ bị bệnh phong từ nhiều vùng của Gia Lai và vùng Ngọc Hồi (Kon Tum bây giờ) về sinh sống vì vậy mà làng có người Bahnar, Jrai và cả Xơ Đăng, họ nương tựa vào nhau, im lặng tồn tại cùng mặc cảm về bệnh tật. Vài năm sau, Bluk Blui đón thêm nhiều hộ gia đình bị bệnh phong và cả không bị bệnh phong về cùng sinh sống nên đến nay, làng đã có 142 hộ, trong đó có 37 hộ có người bị bệnh phong.

Nhờ có sự tuyên truyền của Nhà nước nên trong cộng đồng làng Bluk Blui từ lâu đã không còn sự kỳ thị, xa lánh đối với những người bị mắc bệnh phong. Dân làng cùng nhau đoàn kết làm ăn. Những người bị bệnh phong nhẹ, còn khả năng lao động còn được những hộ dân lành lặn thuê làm những công việc nhẹ nhàng như bỏ hom mì, cấy lúa, vặt chồi cà phê, thu hoạch bời lời… “Nhờ đó mà cái đói đã được dân làng xóa bỏ từ lâu. Cái nghèo thì đang trên đà bị đẩy lùi tuy còn nhiều khó khăn, vất vả. Năm 2013, làng có 78 hộ nghèo, đến nay đã giảm được 10 hộ. Ai cũng mong làng không còn hộ nghèo nhưng với những hộ không có đất canh tác, chỉ đi làm thuê, mót mủ cao su hay những hộ bị bệnh phong neo đơn thì việc bỏ rơi cái nghèo là khó”-Trưởng thôn Rơ Châm Ruen trăn trở.

Đến thăm những người bị bệnh phong nặng sống neo đơn trong khu tập thể của làng, chúng tôi mới thấy khâm phục nghị lực của họ. Đa số họ bị khuyết một bộ phận trên cơ thể mà thường là ngón tay, bàn tay và ngón chân, bàn chân nhưng họ vẫn miệt mài làm ra những chiếc gùi, chiếc thúng, nia rất bền và đẹp. Ông Rơ Châm Kơmlo (46 tuổi) bị câm, điếc và bị mất hết 10 ngón chân, bàn tay trái mất hai ngón cuối và những ngón còn lại thì cong queo do chứng bệnh phong gây ra. Tuy vậy, ông lại là một tay đan gùi có tiếng. Gùi ông đan rất đẹp và bền nên có rất nhiều người trong và ngoài làng đến tìm mua. Nguyên liệu tre, mây là do ông tự lên rừng chọn lựa nên chất lượng luôn được đảm bảo. Đây là công việc mang lại niềm vui và thu nhập nên ông rất chăm chỉ. Ông sống một mình trong căn phòng nhỏ nhưng gọn gàng, có ti vi, có nồi cơm điện và cả quạt điện, ông nắn nót cho từng chiếc gùi thêm tròn miệng, chắc chắn và không quên nở nụ cười nhìn khách thay cho một tiếng chào.

Còn ông A Dai-người dân tộc Xơ Đăng thì may mắn hơn vì ông có một gia đình trọn vẹn. Tuy hai vợ chồng đều bị bệnh phong, mất hết bàn chân nhưng các con ông đều lành lặn, khỏe mạnh. Hàng ngày, ngoài việc đi làm thuê, ông cùng vợ vót tre đan gùi rồi mang ra chợ bán. Khi tôi ghé thăm nhà, ông vui vẻ khoe những chiếc gùi to, đẹp vừa được hoàn thành rồi ông nói: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, những người tốt bụng đã đến tặng gạo, mắm muối cho dân làng nhưng dân làng mình không ai muốn ngồi một chỗ trông chờ đâu. Đặc biệt là những người bị bệnh phong như vợ chồng mình, ai còn làm được đều đi làm cả đó”.

Chúng tôi rời làng Bluk Blui khi mặt trời chưa đứng bóng. Màu nắng vàng ươm tháng 10 chiếu rọi vào nụ cười rạng rỡ của Rơ Châm Mun, Rơ Châm Luk-những đứa trẻ lành lặn đang từng ngày lớn lên của làng Bluk Blui.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm