Nghị lực của những người phụ nữ đơn thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa làm mẹ-vừa làm cha để trở thành điểm tựa cho các con thơ của mình, họ-những người phụ nữ đơn thân nhỏ bé vẫn luôn có một nghị lực mạnh mẽ trong cuộc sống. Để tới hôm nay, khi mái đầu đã điểm những sợi bạc, họ mỉm cười hạnh phúc khi các con trưởng thành, hạnh phúc trong đủ đầy.

Một mẹ nuôi 5 con thơ

Đó là câu chuyện cảm động của cô Nguyễn Thị Nền (63 tuổi, tổ dân phố 12, thị trấn Chư Sê). Năm 1995, rời quê hương Bắc Giang, vợ chồng cô đưa 5 đứa con vào Gia Lai lập nghiệp. Với bản tính chịu thương, chịu khó của 2 vợ chồng, những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với họ khi tìm được nơi chốn làm ăn. Nhưng đau thương bỗng chốc ùa đến khi người chồng không may qua đời vì tai nạn lao động. Sự ra đi đột ngột ấy đã để lại đau thương và gánh nặng mưu sinh trên đôi vai người phụ nữ nhỏ bé.

Dù tuổi đã cao như cô Nguyễn Thị Nền vẫn hăng say lao động sản xuất. Ảnh: Mai Ka

“Ngày đó khó khăn chồng chất, 5 đứa con tuổi ăn, tuổi học. Đã có lúc tôi muốn gục ngã rồi. Nhưng vì các con, lại một mình đứng dậy mà lo toan. Mất đi chỗ dựa vững chắc trong cuộc đời nhưng tôi nghĩ, mình phải lấy các con làm nghị lực sống và làm việc, để các con không phải thiếu thốn”- cô Nền nhớ lại. Và rồi với suy nghĩ ấy, cô trở nên cứng cỏi hơn, mạnh mẽ hơn. Những chuỗi ngày làm thuê, làm mướn tiếp diễn. Vất vả, mệt nhọc nhưng đổi lại cho các con mình những bữa ăn no đủ. Người mẹ ấy hạnh phúc vô cùng. Với những cố gắng không ngừng nghỉ của mình, tới năm 1998, mẹ con cô cũng mua được vài sào đất trắng làm lúa, trồng ngô…

Năm đứa con dần lớn khôn, ngoan ngoãn và có thể phụ giúp mẹ làm kinh tế ngoài giờ học. Những năm tiếp theo, mẹ con cô đã có thể tích góp mua được thêm đất rẫy, trồng thêm cà phê, xây nhà cửa khang trang. “Sau khi con cái trưởng thành, dựng vợ, gả chồng và cho chúng ít vốn làm ăn, tôi cũng còn giữ lại cho mình 7 sào cà phê và 800 trụ hồ tiêu với thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Gánh nặng trên vai nay đã vơi nhẹ, tôi hạnh phúc khi nhìn các con sống hạnh phúc”- cô Nền mỉm cười chia sẻ.

Bắt đầu lại trên quê hương thứ hai

Đến thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê), hỏi nhà mẹ con cô Lê Thị Chuyên (60 tuổi) hầu như ai cũng biết. Bởi cô là phụ nữ đơn thân, nhưng luôn nỗ lực lao động nuôi các con ăn học nên người cùng với cơ ngơi không phải ai cũng có thể làm được.

Ít ai biết được người phụ nữ nhanh nhẹn với khuôn mặt phúc hậu ấy lại có những vết thương lòng sâu hoắm trong quá khứ. Sau khi có với nhau 3 đứa con, người chồng ruồng bỏ mẹ con cô, theo người phụ nữ khác. Quá đau khổ và không chịu nổi cú sốc tinh thần ấy, cô đã dắt díu 3 con nhỏ rời Thanh Hóa vào Chư Sê (Gia Lai) để làm lại cuộc đời vào năm 1996. 22 năm trôi qua và cũng chừng ấy năm, cô “một vai hai gánh”, vừa làm mẹ, vừa làm cha, nuôi các con trưởng thành. “Ngày ấy, tôi cũng chỉ nghĩ rằng, tìm một vùng đất khác để có thể làm ăn nuôi con và quên đi những tổn thương trong quá khứ. Vậy rồi đất mến người, mẹ con tôi chọn nơi đây để gắn bó, để nương tựa vào nhau mà sống”- cô Chuyên ngậm ngùi kể.

Cô Lê Thị Chuyên với tiệm áo cưới của mình. Ảnh: Mai Ka

Rồi từ đó, dù công việc phụ hồ nặng nhọc, đào hố cà phê ướt vã mồ hôi hay quay máy tưới bỏng rát đôi tay… nhưng vì bữa ăn và tương lai các con, cô đã không quản ngại cực nhọc, nắng mưa để làm. Ban ngày đi làm thuê cho người ta để kiếm tiền, ban đêm cô thắp đèn một mình lên rẫy của nhà mình để làm cỏ, đào hố, tỉa cành... Ngày ấy, mỗi ngày cô chỉ ngủ được khoảng 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Vất vả là vậy nhưng người phụ nữ này không bao giờ có ý định bỏ cuộc. Nhìn các con lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc và học hành giỏi giang, cô lại có thêm động lực để cố gắng, để gạt bỏ đi những mệt mỏi, buồn tủi và trống vắng trong lòng. Khi các con lớn khôn cũng là khi cô Chuyên vơi bớt được những nhọc nhằn. Hiện 3 người con của cô đều học hành đến nơi đến chốn và có công việc ổn định. Ngoài việc kinh doanh cửa hàng áo cưới, cô còn làm thêm 5 sào cà phê xen hồ tiêu. Thu nhập bình quân hàng năm của cô đạt trên 300 triệu đồng/năm.

Trải qua hơn 20 năm làm mẹ đơn thân, những người phụ nữ như cô Nền, cô Chuyên dường như đã quen với những sóng gió cuộc đời. Vì con cái, họ đã vượt qua tất cả bằng bản lĩnh, nghị lực của mình. Giờ đây, khi đã ở tuổi xế chiều, họ tạo niềm vui cho mình bằng cách tham gia công tác xã hội tại địa phương và vui vầy với tiếng cười của con cháu.

Mai Ka

Có thể bạn quan tâm