Thời sự - Bình luận

Nghị quyết 98 nhìn từ những 'hình hài' mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tất cả những gì đã hoàn thành để trở thành kết quả phục vụ người dân thì đó chính là khi “nghị quyết đi vào cuộc sống”, là phiếu tín nhiệm xứng đáng nhất mà người dân đánh giá chức trách của chính quyền.

Cuối tuần qua, đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ có buổi làm việc với TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98) và chủ trì hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ lần thứ tư.

Cùng ngày, hầm chui tại giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình) cũng chính thức thông xe sau hơn 1 năm thi công. Hạng mục quan trọng này thuộc dự án đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa kết nối trực tiếp đến nhà ga T3 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khi hoàn thành toàn tuyến sẽ giảm tải cho đường Cộng Hòa, Trường Chinh, góp phần hạn chế ùn tắc ở cửa ngõ sân bay.

Tròn 1 năm Nghị quyết 98 có hiệu lực trong tiến trình TPHCM vận dụng các cơ chế đặc thù để tháo gỡ nhiều vướng mắc cho thành phố. Trong đó, chỉ dấu đột phá rõ rệt nhất là “2 trong 1”, bao gồm cả cơ chế và hạ tầng, tháo gỡ cơ chế để phát triển hạ tầng giao thông.

Những “công cụ” mới bao gồm: TPHCM được làm dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên đường hiện hữu; thực hiện dự án BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm bằng tiền; được khai thác quỹ đất và hình thành các dự án độc lập quy hoạch theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) của tuyến metro số 1, metro số 2 và một số nút giao, khu đất tiềm năng của đường Vành đai 3 TPHCM.

Chỉ riêng những dự án nhóm A được tách ra làm dự án đầu tư và dự án giải phóng mặt bằng độc lập như đường Vành đai 3 TPHCM đã rút ngắn thời gian triển khai thực hiện được nửa năm so với những quy trình trước đây. Mới nhất, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư đường cao tốc Mộc Bài - TPHCM, dự án mang tính liên vùng đầu tiên áp dụng Nghị quyết 98 trong việc đón dòng vốn từ xã hội đầu tư cho hạ tầng giao thông đô thị.

Ngay trong cơ chế đặc thù thì việc xác định các lĩnh vực trọng tâm gắn với nhu cầu xã hội - đời sống - dân sinh đã xác lập thời gian, tiến độ, kết quả của từng công trình, để chỉ trong 1 năm qua, nhiều dự án treo đã được tháo bỏ, các dự án cũ tái hoạt động và hoàn thiện, đưa vào sử dụng; số dự án mới được hình thành đa phần đảm bảo phù hợp với quy hoạch tương lai, tận dụng được ưu thế của nghị quyết mới dù gặp không ít khó khăn, thách thức.

Những việc thành phố đã và đang làm không chỉ là công đoạn “dọn dẹp” mà còn sắp xếp, phân bổ và tái cấu trúc trong tổng thể quy hoạch mới phù hợp với điều kiện, tình hình, tốc độ phát triển mới của thế giới, khu vực và quốc gia. Hơn nữa, tận dụng tính mở của cơ chế mới không chỉ nhằm khơi thông “luồng” giao thông mà còn là các thể chế - chính sách mới đi kèm các thiết chế mang tính thí điểm cho TPHCM.

Ví dụ như tập trung xây dựng hạ tầng công nghiệp với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Khu công nghiệp Dược, Khu Công nghệ cao mở rộng; xây dựng hạ tầng dịch vụ với mạng lưới bệnh viện điều trị chuyên sâu, cao cấp, vệ tinh; xây dựng hạ tầng phục vụ cho đề án Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM…

Từ Nghị quyết 98 đến Nghị định 84/2024/NĐ-CP ngày 10-7-2024 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM là bước đi cụ thể hóa việc phân cấp, ủy quyền cho TPHCM, thể hiện động thái ủng hộ mạnh mẽ, thiết thực của Trung ương. Một trong những hiệu lực “ngay và luôn” của Nghị định 84 chính là TPHCM được quyền cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh thay vì phụ thuộc Bộ Y tế.

Việc phân cấp này sẽ tạo nhiều thuận lợi, mở ra nhiều triển vọng cho thành phố tăng tính chủ động trong cung ứng thuốc. Một khi thành phố đã hình thành 3 cụm y tế chuyên sâu thì đi kèm đó phải đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời thuốc, phát triển nguồn nhân lực y tế chuyên sâu. Sự ràng buộc có tính tất yếu ấy khi đã được khơi thông càng có tính dẫn dắt, thúc đẩy phát triển đồng bộ, mang lại hiệu quả phục vụ người dân ở mức tốt nhất có thể.

Tất cả những gì đã hoàn thành để trở thành kết quả phục vụ người dân thì đó chính là khi “nghị quyết đi vào cuộc sống”, là phiếu tín nhiệm xứng đáng nhất mà người dân đánh giá chức trách của chính quyền.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM

(Dẫn nguồn SGGPO)

Có thể bạn quan tâm