Thời sự - Bình luận

Nghĩ từ tấm thảm Ba Tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cầu tiến là điều cần có trong cuộc sống, công việc để mỗi người luôn nỗ lực thực hiện mọi thứ một cách tốt nhất, mang lại hiệu quả cao nhất. Nhưng, một khi đến mức đuổi theo sự hoàn hảo thì chúng ta đã vô tình đánh mất bản thân cũng như niềm vui trong cuộc sống.

1. Bạn tôi kể, chị đã rất kiềm chế để không bật ra câu hỏi với con như bao ông bố bà mẹ khác, rằng vì sao con chỉ được 8,5 điểm môn Tiếng Việt trong đợt kiểm tra giữa học kỳ; lớp có nhiều bạn đạt điểm 10 hay không, bạn thân của con được mấy điểm?

Thực tế, có những đứa trẻ phải chịu la mắng, đòn roi vì thua điểm bạn hàng xóm, bạn cùng lớp. Chúng luôn lo sợ không đạt được thành tích cao nhất, dẫn đến suy sụp tinh thần khi mọi thứ không như ý. Nhưng bạn tôi không vậy. Chị dạy con chỉ nên so sánh mình với chính bản thân mình chứ không nên hơn thua với bất cứ ai. Hãy là phiên bản tốt hơn mỗi ngày, như vậy là đủ. Thêm một điều chị luôn tâm niệm, đó là không đuổi theo sự hoàn hảo. Điểm 10 tròn trĩnh, hấp dẫn, luôn “được lòng” các bậc phụ huynh, nhưng lại vô hình trung gây ra áp lực nặng nề cho con trẻ. Chỉ cần con nỗ lực hết mình thì kết quả nào cũng là xuất sắc.

Trên mỗi tấm thảm Ba Tư, người thợ luôn cố tình để lại một lỗi dệt thủ công. Vì họ quan niệm, chỉ Thượng Đế mới có thể tạo ra những thứ hoàn hảo (ảnh internet)
Trên mỗi tấm thảm Ba Tư, người thợ luôn cố tình để lại một lỗi dệt thủ công. Vì họ quan niệm, chỉ Thượng Đế mới có thể tạo ra những thứ hoàn hảo. Ành nguồn internet


2. Những ai quan tâm văn hóa Ba Tư thì ít nhiều đều biết đến thảm Ba Tư-niềm kiêu hãnh của đất nước Iran. Từ 2.500 năm trước, người Iran đã dệt nên những tấm thảm vô cùng tinh xảo và giá trị. Đến nay, đây là mặt hàng được xuất khẩu nhiều thứ 2 ở đất nước này, sau dầu mỏ. Giá của chúng đắt đỏ đến khó tin bởi mỗi tấm thảm đều được làm từ nguyên liệu tự nhiên, màu nhuộm tự nhiên. Thêm vào đó, chúng được dệt hoàn toàn thủ công, không tấm nào giống tấm nào, là sự sáng tạo duy nhất của người thợ. Có tấm dệt hàng năm trời mới hoàn thiện.

Chính vì người thợ Ba Tư luôn đặt trọn vào đó tâm huyết và sự kỳ công, chăm chút nên thật đáng kinh ngạc khi biết rằng họ luôn cố tình để lại 1 lỗi dệt trên tất cả các tấm thảm. Bởi họ quan niệm: Chỉ có Thượng đế mới có thể tạo nên những thứ hoàn hảo, còn con người thì dù có cố gắng, tỉ mỉ đến đâu cũng không thể hoàn hảo hay trọn vẹn được. Thì ra, thảm Ba Tư trở nên đắt đỏ còn bởi chính triết lý ấy.

3. Người viết bài này đã từng bước vào những ngôi nhà ngăn nắp, sạch như lau, tưởng chừng một hạt bụi cũng không có chỗ trú ngụ. Nhưng, không hiểu sao sự sạch sẽ quá mức ấy thay vì mang lại tâm trạng thoải mái lại khiến người ta lo lắng, sợ vô tình dây bẩn, sợ sự xáo trộn làm chủ nhà cau mặt. Hoặc có những cô gái vốn đã rất xinh đẹp nhưng vẫn luôn ám ảnh vì sự khiếm khuyết nho nhỏ nào đó của bản thân, quyết đi phẫu thuật thẩm mỹ để không thua chị kém em. Một vài người khác thì không thể tha thứ cho một sai lầm nào đó của bản thân trong quá khứ, dẫn đến luôn dằn vặt, lãng phí hiện tại. Tất cả cũng chỉ vì chủ nghĩa hoàn hảo, muốn vươn đến sự hoàn mỹ tới mức chẳng có gì đáng chê trách.

Có lần, tôi ghé thăm cơ ngơi của một nhà sưu tập ấm trà ở TP. Pleiku. Thấy anh để các loại ấm chén có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/chiếc la liệt trên bàn, tôi bày tỏ sự e ngại rằng chúng có thể bị lũ trẻ táy máy lỡ tay làm rơi vỡ. Ngờ đâu, anh trả lời ung dung: “Có hình, có hoại”. Nghĩa là, đã là vật chất, có hình có dáng thì sẽ có lúc hư hại. Đó là điều hết sức bình thường. Làm sao có thể giữ mọi thứ ở mãi một trạng thái tốt đẹp như ta mong muốn?

Không có gì là hoàn hảo, đó là bản chất, là quy luật cuộc sống. Khi hiểu ra và chấp nhận quy luật ấy, chúng ta sẽ biết cách đón đợi những điều bất như ý, kể cả thất bại một cách chủ động. Hơn thế, chúng ta cho mình có quyền không hoàn hảo, có quyền buông xuống những gánh nặng do nỗ lực quá sức để dành thời gian yêu thương chính mình, bao dung với những người xung quanh.

 

LAM NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm