Điểm đến Gia Lai

Nghĩa tình làng Châu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người Bahnar thể hiện tính cộng đồng, sự đoàn kết ngay trong những việc nhỏ nhất và đó trở thành một đặc tính dân tộc. Đặc tính ấy đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của người bản địa ở Đông Trường Sơn. Mới đây, trong chuyến công tác đến làng Châu (xã Chư Krey, huyện Kông Chro), chúng tôi đã có cơ hội chứng thực điều này.

Một ngày giữa mùa khô, khi cả gia đình anh Đinh Klich (làng Châu) đang đi làm rẫy thì “bà hỏa” ghé thăm và thiêu rụi căn nhà sàn. Được người làng chạy lên rẫy báo tin dữ, anh Klich rụng rời tay chân, vội chạy về nhà, đau lòng nhìn cảnh tượng trước mắt chỉ còn là đống tro tàn. Không còn gì sót lại sau trận hỏa hoạn.   


 

Người làng Châu giúp gia đình anh Đinh Klich làm nhà mới. Ảnh: H.N
Người làng Châu giúp gia đình anh Đinh Klich làm nhà mới. Ảnh: H.N

Ngay sau đó, một cuộc họp làng nhanh chóng diễn ra. Già làng nói không thể để gia đình Klich sống một ngày mà không có ngôi nhà che nắng che mưa. “Cả làng phải giúp Klich làm nhà mới thôi”-già làng quyết định. Lúc ấy đang giữa vụ thu hoạch, nhà ai cũng bận rộn, nhưng nghe già làng nói điều phải, mọi người đều gật đầu. Theo tục lệ, người Bahnar không làm nhà trên nền đất của ngôi nhà đã bị cháy để tránh điều xui. Vậy là, làng lại phải cho anh Klich mảnh đất khác. Nhưng làm ở đâu thì phải hỏi ý kiến của Klich và được hội đồng già làng, trưởng thôn cũng như chính quyền xã đồng ý.

Chỉ sau 2 tuần kể từ khi nhà cũ bị cháy, một ngôi nhà sàn mới đã được dựng ngay ở bãi đất còn trống của làng, phía trước mặt là dãy núi xanh ngắt vững chãi, chở che như chính tình người làng Châu. Ước tính ngôi nhà trị giá khoảng 30 triệu đồng, chưa kể hàng trăm ngày công của dân làng cùng góp sức. Anh Đinh Văn Khuyên-Bí thư Đoàn xã-cho biết thêm: “Ngay sau khi nhà Klich gặp nạn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh xã… đã nhanh chóng quyên góp quần áo, vật dụng sinh hoạt, bát đũa, nồi niêu xoong chảo đủ dùng cho cả gia đình. Chính quyền xã còn hỗ trợ thêm 3 bao gạo cùng 1 triệu đồng tiền mặt giúp gia đình vượt qua cơn ngặt nghèo trước mắt”.

Tuy nhiên, ngôi nhà sàn này lại quá chật chội cho một gia đình đông con, khiến mọi sinh hoạt diễn ra khá bất tiện. Nhưng để dựng lại một căn nhà mới khang trang hơn thì làng không đủ sức. Trưởng thôn bàn bạc và được già làng đồng ý, bèn trình bày hoàn cảnh của anh Klich với chính quyền xã. Ông Khương Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Chư Krey-chia sẻ: “Gia đình anh Klich thuộc diện hộ nghèo, lại nuôi 4 con nhỏ đang đi học; đất đai không có, phải đi làm thuê nên cuộc sống rất bấp bênh. Để giúp gia đình anh có nhà ở, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, chúng tôi đã xin được nguồn vốn hỗ trợ 50 triệu đồng từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng với 20 triệu đồng do UBND huyện hỗ trợ thêm để xây nhà “Đại đoàn kết”.

Vậy là lần thứ 2 sau gần 3 tháng nhà anh Klich bị cháy, dân làng Châu lại xắn tay áo giúp gia đình người hoạn nạn làm nhà. Mặc dù đầu tháng 6 mưa xuống cũng là thời điểm bắt đầu mùa trồng trỉa mới nhưng các hộ dân trong làng đều cố gắng sắp xếp để mỗi hộ đến giúp anh Klich vài ngày. Ai cũng vui lây với gia đình anh vì nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của các cấp chính quyền. Số tiền được Nhà nước hỗ trợ dùng để mua vật liệu, còn người dân đóng góp ngày công. Ngôi nhà mới vẫn là kiến trúc đặc trưng của nhà sàn Bahnar và rộng rãi hơn nhiều so với nhà cũ.

Anh Klich chạy tới chạy lui phụ giúp những người đang dựng nhà. Anh vui lắm nhưng không biết nói điều đó ra như thế nào. Klich kể rằng, anh sinh ở làng Châu, lớn lên cũng ở ngôi làng xa xôi của xã nghèo này. Suốt mấy chục mùa rẫy, anh vẫn thường chứng kiến tinh thần đoàn kết, đùm bọc mà cộng đồng Bahnar dành cho nhau. Từ việc lớn đến việc nhỏ của làng, của từng gia đình, hễ có việc gì cần giúp đỡ là 10 người như một đồng lòng dốc sức. Tinh thần đoàn kết ấy như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt qua bao thế hệ, như Bí thư Đoàn xã đúc kết: “Không giúp đỡ người khác mới là chuyện lạ ở làng này”.

Nay mai thôi, ngôi nhà của Klich sẽ hoàn thành. Đó sẽ là một ngôi nhà sàn rộng rãi-kiến trúc đặc trưng như một chỉ dấu để nhận biết những ngôi làng Bahnar ở Đông Trường Sơn. Nó còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng của một dân tộc, nơi chủ nhân của nó sẽ cảm nhận đầy đủ sự vững chãi, chở che không chỉ của một mái nhà. Ánh mắt của Đinh Klich và vợ con anh đã nói như vậy.  

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm