Thời sự - Bình luận

Nghịch lý đường và xe

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Giao thông vận tải được xem là điều kiện quan trọng để phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, do đó đòi hỏi hệ thống giao thông, nhất là giao thông đường bộ cũng phải có những bước tiến tương ứng. Nếu so với ba bốn mươi năm trước thì hệ thống giao thông đường bộ của chúng ta đã tiến một bước dài. Tính đến nay, cả nước có trên 292 ngàn km đường bộ, khoảng 800 km đường cao tốc; phương tiện giao thông đường bộ có trên 50 triệu xe máy, trên 3 triệu xe ô tô...
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 824 ngàn phương tiện các loại, trong đó có hơn 45 ngàn ô tô, hơn 778 ngàn xe máy.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 824 ngàn phương tiện các loại. Ảnh: Quang Tấn
Đó là những con số không nhỏ nhưng nếu so với tốc độ phát triển của cả nước và nhất là một số đô thị lớn thì thấy rõ sự bất cập giữa cơ sở hạ tầng và phương tiện. Thành phố Hồ Chí Minh có 3.897 tuyến đường với tổng chiều dài 3.600 km nhưng đến 70% số này có bề mặt nhỏ hơn 7 m. Trong khi đó, thành phố này có đến hơn 467 ngàn ô tô và hơn 4,7 triệu xe máy, chưa tính số phương tiện của các tỉnh thành khác đến lưu thông thường xuyên. Đường và xe mất cân đối nên chuyện ùn tắc giao thông xảy ra như cơm bữa. Với TP. Hà Nội, tình hình cũng không khá hơn. Hà Nội có 1.714 km đường giao thông, 275 cầu, 16 hầm đi bộ nhưng có đến 3,7 triệu xe máy, gần 400 ngàn ô tô, chưa kể khoảng 50 ngàn phương tiện vãng lai thường xuyên trên địa bàn.
Gia Lai là tỉnh miền núi song những năm gần đây nền kinh tế-xã hội của địa phương đã được cải thiện đáng kể. Theo thống kê mới nhất, toàn tỉnh có 12.160 km đường bộ, trong đó có 723 km quốc lộ, 372 km tỉnh lộ, 1.900 km huyện lộ, 7.705 km đường nông thôn... Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 824 ngàn phương tiện các loại, trong đó có hơn 45 ngàn ô tô, hơn 778 ngàn xe máy.
Cả nước nói chung và các đô thị nói riêng đã phát triển song hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến tình trạng ùn tắc, kẹt xe xảy ra thường xuyên. Mặc dù chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp song vẫn không thể giải quyết triệt để vấn nạn này, thậm chí có nơi như TP. Hồ Chí Minh vào giờ cao điểm xảy ra kẹt xe đến vài giờ. Đường hẹp, xe cộ nhiều nên ngay như TP. Pleiku mà vẫn phải triển khai quy định đậu đỗ xe ô tô theo ngày chẵn, lẻ trên nhiều tuyến đường như: Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thái Học, Lê Hồng Phong, Trần Quang Khải, Nguyễn Du…
Sử dụng ô tô tham gia giao thông là một tín hiệu vui, thể hiện đời sống vật chất của người dân đã được nâng lên. Song với cơ sở hạ tầng giao thông như hiện nay thì đây lại là một nghịch lý giữa xe và đường. Đó là hệ quả của tốc độ phát triển đô thị quá nhanh và chúng ta chưa có phương án lâu dài ngay từ đầu. Ở các nước phát triển, nếu xây dựng một con đường mới thì họ đã tính đến việc mở rộng mặt đường sau hai, ba mươi năm bằng cách bố trí quỹ đất dự trữ hai bên đường, không cho xây dựng nhà ở sát mốc lộ giới. Thường quỹ đất này tính từ tim đường trở vào đến năm bảy chục mét, thậm chí hàng trăm mét, người ta còn trồng cây thành rừng hai bên đường. Còn trong nội đô, trước các khu nhà ở đều bố trí khoảng đất trống trồng cỏ, trồng hoa và chủ nhân có thể đậu đỗ xe ô tô phía trước mà không ảnh hưởng đến giao thông.
Số lượng đường bộ không tăng hoặc tăng rất thấp nhưng lượng xe cộ lại tăng nhanh. Bài toán về giao thông dường như chưa có lời giải nào thuyết phục nên cứ vẫn là một nghịch lý.
Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm