Thời sự - Bình luận

Nghịch lý tăng ca

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thời gian gần đây câu chuyện mong được tăng ca của công nhân (CN) ở nhiều doanh nghiệp (DN) tại các tỉnh, thành phía Nam lại trở thành thời sự nóng.

Sau 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, nhiều DN từng bước khôi phục sản xuất, song đơn hàng không có nhiều, DN phải cho CN nghỉ chờ việc hoặc làm việc cầm chừng. Từ đó thu nhập sụt giảm, CN mong được tăng ca để có thêm thu nhập, trang trải cho các nhu cầu cuộc sống.

Do tăng ca luôn gắn với thu nhập, đời sống CN nên từ khi Bộ Luật Lao động (BLLĐ) đi vào đời sống đến nay, vấn đề tăng ca như thủy triều lên xuống đối với việc làm - đời sống CN. Là quốc gia văn minh, có pháp luật lao động tiến bộ, những quy định của BLLĐ Việt Nam phù hợp thông lệ quốc tế. Pháp luật lao động quy định rất rõ về thời giờ làm việc, trong đó quy định tăng ca phải được sự đồng ý của người lao động (NLĐ), thời gian làm thêm có thể trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong một năm.

Trên thực tế hàng chục năm qua, quy định về thời giờ làm việc thường gây nhiều tranh cãi mỗi khi góp ý xây dựng hay sửa đổi BLLĐ do mỗi góc nhìn khác nhau, ứng xử về chuyện làm thêm giờ cũng khác nhau. Có nơi CN muốn được tăng ca thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) không có nhu cầu tổ chức cho CN làm thêm; chưa kể đối tác khách hàng của DN cũng yêu cầu nghiêm ngặt về chế độ làm việc nên CN muốn làm thêm giờ nhiều hơn quy định cũng không được. Có nơi NSDLĐ ép buộc CN làm thêm quá thời giờ quy định của pháp luật với lý do cho kịp tiến độ hợp đồng với khách hàng, khiến nhiều CN kiệt sức, từ đó xảy ra nhiều cuộc đình công phản đối tăng ca.

Trong góp ý sửa đổi BLLĐ, nhiều ý kiến đề nghị giảm tuổi hưu của lao động nữ ngành dệt may, da giày vì cường độ lao động cao, đến khoảng 45 tuổi là sức khỏe hao mòn, khó làm việc đến tuổi 55 để hưởng lương hưu. Thế nhưng, đối với CN trong nhiều trường hợp, điều họ cần là việc làm ổn định và thu nhập đủ sống. Điển hình như vào giữa năm 2017, hơn 100 CN Công ty TNHH Eclat Fabrics (100% vốn nước ngoài, đóng tại Bà Rịa - Vũng Tàu) ngừng việc tập thể để yêu cầu được tăng ca, do lương cơ bản không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của CN.

Nay sau đại dịch, CN khó khăn muốn được tăng ca cũng là điều dễ hiểu. Dù đây là điều không vui nhưng CN không có sự lựa chọn khác vì CN cần việc làm, thu nhập, thời gian rảnh rang nhiều quá mà phải ngồi không chờ việc. Cần thông cảm cho hoàn cảnh của CN và tìm lối ra, cách giải quyết nhu cầu chính đáng này của CN trên cơ sở xem xét thấu đáo nhiều góc độ. Nếu cứng nhắc về quy định thì có những trường hợp NSDLĐ và NLĐ đều bị ảnh hưởng doanh thu, việc làm; nếu buông lỏng quản lý thì quyền lợi của NLĐ bị bớt xén, sức khỏe hao mòn cùng những hệ lụy khác đến đời sống hiện tại và tương lai của họ.

Nghịch lý từ chuyện muốn tăng ca và không muốn tăng ca cũng là sự bất cập và thái quá, xuất phát từ đời sống - việc làm của CN. Do đó, cần xem xét, thiết kế và điều chỉnh các quy định một cách linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế của địa phương và DN, phù hợp tình hình việc làm, đời sống của NLĐ.

Có thể bạn quan tâm