Thời sự - Bình luận

Nghịch lý… thừa tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rất nhiều chính sách để hỗ trợ người lao động thuê nhà, mua nhà - thế nhưng đều chung một nghịch lý là có tiền mà không tiêu được hoặc không tiêu hết.

Nhu cầu về nhà ở của người lao động cao nhưng khó tiếp cận được chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Ảnh Đình Hải

Đầu tiên là câu chuyện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị trả lại hơn 2.800 tỉ đồng về ngân sách trung ương. Đây là khoản tiền nằm trong gói 6.600 tỉ đồng hỗ trợ công nhân thuê nhà trọ được thực hiện theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Kết quả giải ngân là hơn 3.759 tỉ đồng với hơn 5,2 triệu lượt lao động được hỗ trợ. Vậy là còn “thừa” hơn 2.800 tỉ đồng.

Khoản tiền hỗ trợ mỗi trường hợp tuy không cao, chỉ ở mức 500.000 đồng và 1 triệu đồng nhưng lại là số tiền rất thiết thực để trang trải cuộc sống sau những khó khăn bởi dịch COVID-19.

Cho đến nay, phải khẳng định là nhu cầu được hỗ trợ về thuê nhà vẫn còn, đặc biệt với lao động nghèo nhưng tiền thì không tiêu hết. Đó là một nghịch lý.

Thứ hai là gói tín dụng 120.000 tỉ đồng ưu đãi cho chủ đầu tư xây nhà ở xã hội và cá nhân đủ điều kiện có nhu cầu mua nhà ở xã hội.

Nhưng trái ngược với sự hồ hởi đón nhận ban đầu, thông tin tại Hội nghị về nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 19.5 lại vẫn cho thấy nghịch lý: Nhu cầu có, tiền có nhưng lại…chưa tiêu được. Hay nói cách khác là tiền vẫn nằm ở ngân hàng chờ, còn người cần tiền thì không tới vay.

Lý do được chỉ ra: nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế; quỹ đất dành cho nhà ở xã hội chưa sẵn sàng; ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thực sự hấp dẫn; việc xác định giá bán nhà chưa thuận lợi đang ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở xã hội, tiến độ giải ngân vốn.

Nhưng quan trọng nhất là hai lý do: Lãi suất dù đã ưu đãi thấp hơn thị trường nhưng mức 8,2%/năm vẫn là quá cao, chưa kể thời hạn chỉ trong 5 năm, nếu chưa trả hết nợ, người vay phải thương lượng với ngân hàng về lãi suất. Điều này quá rủi ro bởi người thu nhập thấp không thể trả nợ trong vòng 5 năm với mức lãi suất như vậy.

Còn với doanh nghiệp, điểm nghẽn là thủ tục pháp lý và những điều kiện để triển khai dự án.

Chính sách tốt, đúng nhu cầu bức thiết của người lao động nhưng khi thực hiện lại gặp khó cho thấy vấn đề tiếp cận chính sách đang có quá nhiều trở ngại. Trong đó trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài, khó khăn hơn cả nhà ở thương mại, tạo rào cản cho cả chủ đầu tư lẫn người lao động.

Tháo bỏ rào cản, tạo cơ hội và điều kiện đồng thời có cơ chế minh bạch và công bằng mới bớt được nghịch lý: người nghèo cần tiền, mà tiền vẫn ở trong ngân hàng hoặc “quay xe” trả lại Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm