Phóng sự - Ký sự

'Nghìn lẻ một đêm' du ký: Chào Ba Tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi đến sân bay quốc tế Mashhad - thánh địa Hồi giáo và là thành phố lớn thứ hai của Iran - khoảng 4 giờ sáng, mừng vì đến được xứ sở Ba Tư huyền thoại, nhưng cũng đầy hồi hộp vì không chắc được nhập cảnh.
 
Một góc thành phố Masshad với vùng cao nguyên Khorasan bao quanh. Ảnh: Lam Phong
Khi đề cập hành trình Iran, nhiều đồng nghiệp chân thành khuyên tôi đừng dại đến xứ Ba Tư thời điểm này bởi những xung đột căng thẳng trên eo biển Hormuz đang diễn ra kịch tính khiến chuyến đi “lành ít dữ nhiều”. Thêm lý do khiến báo chí ngại vào Iran bởi ngoài việc xét duyệt thị thực khắt khe hơn khách thông thường, điểm quan trọng là hộ chiếu có dấu nhập cảnh Iran sẽ gặp bất lợi khi xin thị thực các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ.
Đường vào Iran
Vì hộ chiếu VN có thể được cấp thị thực tại sân bay đến nên từ cửa ngõ Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, tôi bay đến Mashhad - thánh địa dòng Hồi giáo Shiites, nơi có đền thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới Imam Reza (thuộc đông bắc Iran, giáp biên giới với Afghanistan).
Dân số Mashhad chỉ khoảng 3 triệu người nhưng đón đến hơn 20 triệu lượt du khách hằng năm, phần đông là tín đồ hành hương về thánh địa Imam Reza, nơi đặt mộ phần Reza, lãnh tụ - thiên sứ (Imam) thứ 8 trong 12 vị thiên sứ của dòng Shiites.
Đang bị Mỹ cấm vận, Iran thực sự là điểm đến đầy bí ẩn. Mỗi ngày có một chuyến bay của Hãng Fly Dubai vào Mashhad. Ngay khi máy bay hạ cánh, có thể cảm nhận sự đìu hiu của một cảng hàng không quốc tế ở TP lớn thứ hai Iran. Khu vực xin thị thực cửa im ỉm đóng, có lẽ vì quá sớm, gọi mãi mới thấy một nhân viên ló đầu ra ô cửa nhỏ, cầm lấy hộ chiếu, rồi biến mất không một lời nhắn nhủ.
Nhìn quanh, khách bản địa đã ra về gần hết, chỉ còn lại vài nhân viên an ninh ngồi gật gù. Nửa tiếng sau, hai nhân viên an ninh mặc thường phục đến chỗ tôi, khoát tay mời vào phòng, đóng cửa lại và bắt đầu phỏng vấn, điều tra thông tin cá nhân cùng lý do đến Mashhad. Điều hồi hộp không phải những câu hỏi, mà mỗi khi tôi trả lời xong một câu, hai nhân viên liên tục trao đổi với nhau bằng tiếng Iran dài dằng dặc, tạo nên âm thanh rì rầm trong căn phòng trần thấp, hệt như cuộc điều tra xét hỏi đậm mùi… hình sự. Hơn nửa tiếng cho phần phỏng vấn, cùng vài thao tác ký tá trên xấp giấy xin thị thực. Tôi được yêu cầu ra khỏi phòng và tiếp tục chờ.
Mất hơn một giờ nữa, tình hình có vẻ bớt căng thẳng hơn khi tôi được điều qua quầy đóng phí nhập cảnh với các khoản bảo hiểm, cùng linh tinh phí hết 155 euro. Tay nộp tiền mà tôi như mở cờ trong bụng, bởi đã chắc vé vào xứ sở Ba Tư kỳ bí.
Gần ba giờ đồng hồ cho mọi thủ tục, tôi ra khỏi sân bay, lên taxi thẳng tiến về trung tâm TP. Thoát được cái nóng 420C ngột ngạt, gay gắt ở Dubai, thời tiết Mashhad chỉ ở 22 - 25 độ, đường rộng thênh thang, hoa cỏ xanh mướt. Những hình dung ban đầu về “đất dữ” Iran chuyển dần sang thinh thích và chớm yêu từ ngay những phút đầu tiếp cận.
 
Đông đảo phụ nữ Mashhad xuống đường biểu tình
Biểu tình và nước hoa hồng
Ngày đến Mashhad, những trục đường chính quanh khu trung tâm gần đền Hồi giáo Imam Reza dày đặc chốt cảnh sát và rào chắn cấm đường để dân chúng biểu tình. Nội dung cuộc biểu tình được tài xế Ali cho biết là phản đối chiến tranh có nguy cơ xảy ra với Mỹ và các nước phương Tây. Ali bảo xong cuốc taxi đưa tôi về khách sạn, anh cũng sẽ về nhà, đưa vợ con xuống đường biểu tình, cũng không quên căn dặn tôi nếu không bận rộn gì nên tranh thủ xuống đường biểu tình cùng cư dân TP.
Trái với vắng vẻ buổi sớm, từ hơn 9 giờ sáng, người từ các ngả đường đổ dần về khu vực biểu tình. Hàng quán trên trục đường Emam Reza cửa đóng kín mít, mọi việc kinh doanh trên con phố sầm uất nhất Mashhad này tạm gián đoạn, lực lượng an ninh có vũ trang cắm chốt khắp nơi. Không khí càng trở nên hừng hực khi đoàn người rần rần hô vang khẩu hiệu chống các chính sách của Mỹ bằng tiếng Ba Tư (Persian): “Marg bar Āmrikā” (Cái chết cho (chính sách) Mỹ). Khẩu hiệu này ra đời từ cuộc cách mạng Iran 1979, lãnh đạo đầu tiên của Cộng hòa Hồi giáo Iran, Ayatollah Khomeini đã khởi xướng và phổ biến khẩu hiệu này để người dân sử dụng trong các cuộc biểu tình mang tính chính trị.
Mr.Việt Cộng

Ali, anh tài xế nhanh miệng sau vài câu chào hỏi xã giao, khi biết tôi đến từ VN, càng thân thiện ra mặt. Càng ở Mashhad những ngày sau tôi mới hiểu rõ nguyên cớ, bởi dân Iran hầu hết đều biết VN, biết đến cuộc chiến chống Mỹ. Thậm chí anh nhân viên tên Nami phục vụ ở khách sạn Darvishi nơi tôi lưu trú trên đường Emam Reza, mỗi lần gặp nhau bữa sáng đều tay bắt mặt mừng, gọi tên tôi do anh tự đặt là... Mr. Việt Cộng.

Theo dòng người biểu tình, Madmoud, một thương buôn ở chợ Reza, chia sẻ: “Là dân làm ăn, chúng tôi chỉ muốn yên ổn, tôi xuống đường hôm nay để hưởng ứng việc phản đối các chính sách áp đặt lên Iran. Tôi hy vọng chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra trên quê hương mình”.
Ngoài tiếng hô vang khẩu hiệu chống chính sách Mỹ nghe có vẻ đầy nguy hiểm, thực tế đoàn người biểu tình lại rất ôn hòa, họ đi theo từng gia đình, từng nhóm trên đại lộ Emam Reza, tay cầm cờ hoặc hình ảnh lãnh tụ tối cao Khamenei, diễu hành và tham gia các hoạt động bên lề như đóng góp các quỹ từ thiện dành cho học sinh được đặt khắp trục đường biểu tình.
Ở quãng giữa trục đường Emam Reza, tôi gặp được Farrokh, anh cho biết mình không tham gia biểu tình mà chỉ muốn giúp người biểu tình hạ nhiệt bằng nước hoa hồng, giảm bớt căng thẳng không để xảy ra các tình trạng quá khích. Iran là xứ sở nổi tiếng với hoa hồng, chiết xuất từ hương hoa khi pha với nước, tạo thành mùi hương dịu, rất sảng khoái, thanh thản. Nhìn Farrokh vai đeo bình nước hoa hồng lớn, tay cầm vòi xịt phun sương vào đoàn người biểu tình, miệng luôn cười và gật đầu chào, thực sự gây ngạc nhiên với ngay cả người bản địa.
Miền đất dữ Iran theo hình dung ban đầu với những hà khắc của luật lệ Hồi giáo, của tư tưởng truyền thống, đã thay đổi hoàn toàn trong suy nghĩ của tôi ngay ngày đầu ở Iran. Ở đó những con người dễ mến, thân thiện, ôn hòa. Khi đi đường gặp người hướng đối diện, họ thường hỏi tôi từ đâu đến, và thường sau đó là những cái bắt tay thật chặt khi biết tôi là người VN. (còn tiếp)
Tam, tứ đại đồng đường
Cộng hòa Hồi giáo Iran (Ba Tư) nằm phía Tây Á (giáp Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Afghanistan, Pakistan, Turkmenistan...). Dân số hơn 80 triệu, diện tích hơn 1,6 triệu km2 (gấp hơn 5 lần VN). Iran sở hữu 22 di sản thế giới được UNESCO công nhận, là nước cung cấp khí đốt lớn nhất, có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ tư thế giới.
Khoảng cách giàu và nghèo ở Iran rất lớn. Lương giáo viên trung bình chỉ khoảng 4 triệu rial (7 triệu đồng) vừa đủ cho mức chi tiêu trong tháng. Tuy vậy, nhóm trung lưu ở Tehran có thể chi khoảng 1 triệu rial cho mỗi bữa ăn dành cho hai người ở các nhà hàng sang trọng.
Phần đông gia đình ở Iran sống theo chế độ tam, tứ đại đồng đường. Những gia đình lớn còn gồm cả cô dì, chú bác sống gắn bó qua nhiều thế hệ và đang đối mặt với những mâu thuẫn giữa cổ truyền - tôn giáo - hiện đại.
Ở Iran, chưa lập gia đình mà sống một mình là điều bất thường (trừ khi đi học hoặc vì lý do công việc phải đến nơi khác). Được sống tự do một mình là ước mơ của nhiều người trẻ Iran, nhưng nếu đàn ông sống một mình sẽ bị xem là người đáng thương, còn phụ nữ sống một mình là người đáng ngờ, là gái hư.
Lam Phong (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm