Thời sự - Bình luận

Ngoại giao văn hóa "đi tắt" để "đón đầu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai có rất nhiều chương trình hấp dẫn, trong đó có chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản” 2022 và lễ tiếp nhận, trồng cây hoa anh đào tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Đây là lần đầu tiên hoạt động giao lưu văn hóa Việt-Nhật được tổ chức tại Gia Lai mở ra lối “đi tắt” để “đón đầu” các cơ hội hợp tác, phát triển trong tương lai.

“Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản” 2022 là chương trình được nhiều người đón đợi, diễn ra tối 22-5 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Chương trình gồm các tiết mục nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ của tỉnh Gia Lai và của Nhật Bản biểu diễn, giúp đôi bên có dịp hiểu biết lẫn nhau thông qua những nét văn hóa nghệ thuật hấp dẫn, độc đáo. Đây là cơ hội để khán giả thưởng thức nghệ thuật cồng chiêng, đắm mình trong những làn điệu dân ca Jrai, Bahnar sâu lắng, lại vừa hiểu thêm về tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản qua tiết mục múa kiếm hay giọng hát opera nổi tiếng của Nhật Bản-ca sĩ Riku Matsubara. Sau khi ông Shimonishi Kiyoshi-Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng trao tặng cây hoa anh đào cho đại diện tỉnh Gia Lai, ngay trong sáng 23-5, UBND TP. Pleiku sẽ tổ chức trồng 4 cây hoa tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh như một động thái thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 dân tộc.

Tiết mục biểu diễn cồng chiêng của tỉnh Gia Lai tại chương trình giao lưu văn hoá “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản” 2022 tối 22-5 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên
Tiết mục biểu diễn cồng chiêng của tỉnh Gia Lai tại chương trình giao lưu văn hóa “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản” 2022 tối 22-5 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên


Từ xưa đến nay, ngoại giao văn hóa trong quan hệ quốc tế được xem như “quyền lực mềm” để củng cố “sức mạnh cứng”. Theo Wikipedia, đây là một loại ngoại giao nhằm “trao đổi ý tưởng, thông tin, nghệ thuật và các khía cạnh khác của văn hóa giữa các quốc gia và dân tộc, từ đó bồi dưỡng sự hiểu biết lẫn nhau”. Bản chất ngoại giao văn hóa là tiết lộ tâm hồn của một dân tộc, đổi lại nó tạo ra ảnh hưởng tích cực lên các lĩnh vực khác. Phát biểu tại hội nghị “Triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030” hồi cuối năm 2021, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam chia sẻ: “Ngoại giao văn hóa cực kỳ quan trọng và xuất hiện tự nhiên từ thời xa xưa. Cho đến nay, ngoại giao văn hóa đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác đối ngoại, nâng cao hình ảnh đất nước ta”. Ông cũng nhận định: “Trong ngoại giao văn hóa có ngoại giao kinh tế và trong ngoại giao kinh tế có ngoại giao văn hóa. Hai lĩnh vực này song hành cùng nhau. Khi kết hợp sức mạnh tổng hợp này thì công tác ngoại giao của ta ở nước ngoài phát huy rất tốt”.

Quay trở lại chương trình “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản” 2022, mỗi bên đều có những biểu tượng văn hóa được định hình và quảng bá rộng rãi ra thế giới. Nếu hoa anh đào biểu trưng cho vẻ đẹp tinh thần, sức mạnh của văn hóa và con người xứ sở “Mặt trời mọc” thì Gia Lai có Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Lựa chọn giá trị đặc sắc để giới thiệu, sự kiện tôn vinh các giá trị văn hóa mỗi bên cũng như thể hiện sự cởi mở, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau. Thêm vào đó, từ chuỗi hoạt động tại Tuần lễ các sự kiện chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh, Gia Lai có dịp “tiếp thị” với Nhật Bản về những thành tựu, giá trị mà mình đang sở hữu, làm cơ sở để triển khai các hoạt động giao lưu, hợp tác cùng phát triển trong thời gian tới.

Ngoại giao văn hóa là xu hướng tất yếu, nhất là trong thời kỳ hội nhập toàn cầu. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch “Triển khai thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Mục tiêu đặt ra là nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh cũng như nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành về vị trí, tầm quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa; xác định ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ trên các trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, qua đó thực hiện hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa trên trường quốc tế giúp các địa phương, đối tác nước ngoài hiểu rõ hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần phát triển hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị nhằm nâng cao vị thế của tỉnh nhà cũng như vị thế đất nước.

Các giải pháp cụ thể cũng được đưa ra, đặc biệt là quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh, con người địa phương, đất nước, góp phần định hình thông điệp quốc gia, toát lên hình ảnh tỉnh Gia Lai là một địa phương văn minh, an toàn, tươi đẹp; văn hóa độc đáo, giàu truyền thống; phát triển năng động; con người thân thiện, mến khách; điểm đến đáng tin cậy để sinh sống, học tập, du lịch, đầu tư. Mặt khác, khai thác và phát huy giá trị các loại hình danh hiệu đã được thế giới công nhận như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng...; tiếp tục xây dựng, vận động công nhận mới các danh hiệu quốc tế khác.

Các giải pháp trên đều nhằm củng cố và phát huy nội lực để chủ động “bước ra thế giới”, từ đó thêm hiểu mình, hiểu người, thúc đẩy quan hệ hữu hảo cùng phát triển. Nói về mối quan hệ giữa thực lực và ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”. Lời dạy ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

 

 PHƯƠNG DUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm