Báo xuân

Ngôi làng đặc biệt ở Ia Vê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

Từ thay đổi tư duy sản xuất

Chúng tôi đến làng O Ngol lúc mặt trời ngó đỉnh đầu, cái nắng bắt đầu ập xuống. Giờ này, người lớn đã lên rẫy, trẻ nhỏ đến trường nên đường làng khá vắng vẻ. Dưới gốc cây xà cừ già trong khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng và nhà rông, già làng Rơ Mah Chun đang tỉ mẩn tạo hoa văn trên chiếc gùi đan dở. Từng làm Bí thư Đảng ủy xã nên già Chun đã có nhiều đóng góp quan trọng cũng như chứng kiến mọi đổi thay từ nhận thức đến hành động của dân làng. Già Chun cho biết: “Hơn 85% dân số trong làng là người Jrai. Cũng như bao ngôi làng Jrai khác, người dân trước đây có tư duy canh tác lạc hậu, ngại thay đổi nên 315 ha đất sản xuất chưa được khai thác hiệu quả”.

Những trục đường ở làng O Ngol luôn sạch sẽ và rực rỡ sắc hoa. Ảnh: Anh Huy



Hiểu rõ những “rào cản” tâm lý ấy, với trách nhiệm của người đảng viên và “thủ lĩnh tinh thần” của làng, già Chun đã vận dụng nhiều cách khác nhau để truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức đến từng hộ dân. “Chủ trương đúng, phù hợp với lòng dân nhưng để dân hiểu, dân tin cần có thời gian, sự kiên trì và cả tính linh hoạt của Chi bộ, Ban Nhân dân, cán bộ, đảng viên. Nói thôi chưa đủ, cán bộ, đảng viên phải “đi trước, làm trước”-già làng tuổi 80 chia sẻ. Ban đầu là vài sào đất, rồi tăng lên vài héc ta, cứ thế, các hộ học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau và chỉ sau vài năm, tất cả diện tích trồng lúa, trồng mì kém hiệu quả đều được chuyển đổi sang cây trồng mới. Đến nay, 116 hộ dân trong làng đang canh tác 125 ha cà phê, 7 ha hồ tiêu, 14 ha cao su, 10 ha điều và 20 ha cây ngắn ngày; chăn nuôi 175 con bò, dê và 300 con heo, gần 1.400 con gia cầm.

Thay đổi chưa khi nào là dễ dàng và “trái ngọt” chỉ dành cho những ai đủ niềm tin, sự kiên nhẫn. Chị Rơ Mah Bây bộc bạch: “Trồng mì, trồng lúa rẫy cho thu nhập thấp nhưng không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, dân mình quen làm thế rồi. Còn trồng cà phê, hồ tiêu thì nhiều năm mới cho thu hoạch, cũng chưa ai biết làm nên phải chờ cán bộ làm trước”. Cuộc sống của gia đình chị Bây đã bước sang trang mới khi 1,5 ha cà phê và 500 trụ hồ tiêu cho thu hoạch. Đàn bò 6 con của gia đình cũng sinh sản đều.

Ngoài chuyển hết đất sản xuất sang trồng 1.300 cây cà phê và 200 trụ hồ tiêu, chị Rơ Lan Anur-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ còn tham gia mô hình sản xuất lúa vụ mùa theo quy trình gieo sạ, sử dụng giống lúa ngắn ngày chất lượng cao do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai trên diện tích 3 sào. Chị phấn khởi chia sẻ: “Mình được hướng dẫn đầy đủ các bước trong quy trình và chỉ sau 3 tháng, lúa đã cho thu hoạch, năng suất đạt 6 tạ/sào, trong khi trước đó chỉ đạt 1,5-2 tạ/sào”. Mặt khác, gia đình chị cũng nuôi 10 con bò, 27 con dê và gà, vịt để tăng thu nhập. “Mình tìm hiểu qua vài người quen thấy nuôi dê sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao nên mua 4 con về nuôi thử. Sau 3 năm, đàn dê tăng lên 40 con. Mình bán đi 13 con được gần 30 triệu đồng, giữ lại 27 con tiếp tục nuôi tăng đàn. Nuôi bò, nuôi dê còn có nguồn phân đem ủ với vỏ cà phê để bón cho cây trồng”-chị Anur cho hay.

Thay nếp nghĩ, đổi cách làm đã làm thay đổi cuộc sống của dân làng O Ngol. Hiện khoảng 60% hộ dân trong làng có mức thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng trở lên/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm.

Chung tay xây dựng làng xanh-sạch-đẹp

Từng đi qua nhiều ngôi làng Jrai, song với O Ngol, chúng tôi vô cùng ấn tượng. Các tuyến đường làng đều sạch cỏ, sạch rác; tất cả nhà dân đều có hàng rào và phía trước trồng nhiều loại hoa. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Siu Huỳnh cho biết: “Các hộ dân trong làng coi việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm như việc đánh răng, rửa mặt mỗi ngày”. Tuy nhiên, để tạo được sự chuyển biến ấy, Chi bộ, Ban Nhân dân thôn đã kiên trì, bền bỉ trong công tác tuyên truyền, vận động suốt nhiều năm. Thời gian đầu, phần đông hộ dân đều viện lý do cho việc không di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc ra khỏi gầm nhà sàn vì thiếu tiền, sợ mất trộm; không làm nhà vệ sinh vì sợ ô nhiễm nguồn nước... Nhưng với phương châm “Cán bộ, đảng viên, người uy tín đi trước, làm trước”, người dân đã thấy lợi, thấy đẹp nên đồng lòng làm theo.

Già làng Rơ Mah Chun (bìa trái) vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế. Ảnh: Anh Huy



Chị Bây vui vẻ nói: “Làm chuồng nuôi nhốt gia súc có nhiều cái lợi lắm. Gia súc không phá vườn, phá cây thì không có mâu thuẫn, xích mích; đường làng cũng không bị ô nhiễm, bà con lại có nguồn phân bón cho cây trồng, giảm chi phí đầu tư”. Không chỉ thay đổi tập quán trong chăn nuôi mà nhiều hủ tục, thói quen không còn phù hợp cũng được dân làng chung tay đẩy lùi để xây dựng nếp sống mới. Trong làng không còn tình trạng thách cưới, phạt vạ; không tổ chức ma chay, cưới hỏi dài ngày gây tốn kém; không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết. 100% hộ chăn nuôi đều làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm; 100% hộ dân có nhà vệ sinh và đào hố rác sau nhà; 100% hộ duy trì “hàng rào xanh”, “con đường hoa”. “Mình triển khai chung về việc trồng hoa trước nhà, còn trồng hoa gì, chăm sóc ra sao là do các gia đình chủ động. Việc giữ gìn vệ sinh cũng vậy, trong khuôn viên nhà nào thì nhà đó phải thường xuyên quét dọn. Đối với những tuyến đường chung, đường xuống khu vực giọt nước của làng hay mương thoát nước hai bên đường, cứ 1-2 tháng, dân làng tập trung dọn dẹp 1 lần”-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng O Ngol thông tin.

“Nghĩ khác, làm khác” song tinh thần cố kết cộng đồng, tương trợ lẫn nhau vẫn được người Jrai ở làng O Ngol gìn giữ, phát huy. Chỉ cần có người đau bệnh, cả làng quan tâm, thăm hỏi. Các hộ giúp nhau bằng hình thức vần đổi công trong ngày mùa và sẵn sàng góp công, góp của, hiến đất để làm đường, kéo điện thắp sáng... “O Ngol là làng căn cứ cách mạng, người dân luôn đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Tình hình an ninh trật tự trong làng luôn được giữ vững. Hơn 10 năm qua, O Ngol luôn đạt danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh; làng cũng đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2018”-ông Nguyễn Xuân Phùng-Chủ tịch UBND xã Ia Vê-cho hay.

 

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm