"Ngôi nhà an toàn" cho trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có những thứ tưởng chừng vô hại nhưng lại trở thành mối đe dọa đối với trẻ em và trên thực tế đã có nhiều vụ tai nạn thương tích xảy ra cho trẻ ngay tại nơi sinh sống. Để góp phần phòng-chống tai nạn thương tích ở trẻ em, năm 2016, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” tại huyện Mang Yang.

Nhắc lại câu chuyện cậu bé Võ Hiền Dương (11 tuổi, ở thôn Bôn Pim, xã Đak Jơ Ta) bị đuối nước hồi cuối năm 2015, nhiều người dân sống trong thôn vẫn không khỏi xót xa. Nhà Dương ở gần sông Ayun. Cũng như bao buổi sáng, Dương dắt trâu đi thả ở gần nhà và cho trâu xuống sông Ayun để uống nước. Nhưng chẳng may, trong lúc cho trâu uống nước, Dương bị trượt chân xuống hố sâu ngay bên cạnh-hậu quả của việc khai thác cát. Phải mất nhiều giờ đồng hồ, xác em mới được tìm thấy.

 

Cần quan tâm tạo môi trường sống an toàn cho trẻ. Ảnh. Đ.Y
Cần quan tâm tạo môi trường sống an toàn cho trẻ. Ảnh. Đ.Y

Thực tế, những năm gần đây, tình trạng đuối nước, nhất là trong những ngày hè đã trở thành vấn đề nhức nhối mà toàn xã hội phải quan tâm. Đó là chưa kể, nhiều bậc phụ huynh vì lơ là, bất cẩn khiến cho con trẻ bị thương tích ngay chính trong ngôi nhà của gia đình. Chị Hồng Thị Liên (làng Hra, xã Đak Djrăng) kể: Những ngày hè, trường mầm non không nhận trông giữ trẻ nên hai vợ chồng phải thay nhau ở nhà trông cô con gái 5 tuổi. Có lần, vì không cẩn thận, chị để phích nước nóng ngay cạnh tủ ti vi, cháu mải chơi làm vỡ phích nước, cũng may là nước trong phích còn ít nên cháu chỉ bị bỏng nhẹ. Với chị Liên, sau “bài học” nhớ đời ấy, chị luôn nhắc nhở bản thân phải để mắt đến con nhiều hơn và chú ý đến những vật dụng xung quanh nhà. Bởi có những thứ tưởng vô hại nhưng lại tiềm ẩn những nguy cơ khiến trẻ bị thương tích.
 

Ông Nguyễn Hữu Mặc-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Mang Yang: “Đa phần các ngôi nhà ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ như: các bể chứa nước không có nắp đậy, các ổ điện để quá thấp, cổng không có then cài, sân không có tường rào… Đó là chưa kể, nhiều bậc phụ huynh còn chủ quan khi cho trẻ chơi ở gần ao, hồ; để thuốc men ngay tầm tay trẻ hay cho trẻ chơi ở gần khu vực bếp gas… Để hạn chế tai nạn, thương tích ở trẻ thì các bậc cha mẹ cần phải quan tâm nhiều hơn đến con cái mình và tạo một môi trường sống an toàn cho trẻ. Đồng thời, các cấp, các ngành cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo ra những sân chơi bổ ích”.

Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Mang Yang, hiện nay số trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn là 7.856 trẻ em. Để góp phần giảm thiểu tai nạn, thương tích cho trẻ, giai đoạn 2016-2020, huyện đang xây dựng chương trình bảo vệ trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Cụ thể là giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống dưới 17/100 ngàn trẻ em. Đặc biệt, Phòng đang triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” tại 2 xã: Lơ Pang và Đak Djrăng. Theo ông Nguyễn Hữu Mặc-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Mang Yang, việc triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn, thương tích ở trẻ trên địa bàn. Phạm vi áp dụng đối với “Ngôi nhà an toàn” là ngôi nhà thường xuyên có sự sinh sống, có hoạt động của trẻ em. “Ngôi nhà an toàn” phải đảm bảo các nhóm tiêu chí: đảm bảo an toàn xung quanh ngôi nhà (có cửa, cổng, hàng rào chắc chắn; đường đi vào nhà và sân quanh nhà phải phù hợp, không trơn trượt; giếng nước, bể nước phải có nắp đậy…); đảm bảo an toàn các phòng trong ngôi nhà (cánh cửa phòng phải có dụng cụ chặn khe cửa để trẻ không bị kẹt tay khi đóng, mở…); đảm bảo an toàn về điện; an toàn cầu thang và lan can; an toàn các đồ dùng gia đình và một số quy định khác. Hơn hết, để đạt “Ngôi nhà an toàn” thì ngôi nhà ấy phải đảm bảo trong năm không có trẻ em bị tai nạn thương tích tại nhà…

Ngoài xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, trong giai đoạn 2016-2020, huyện tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình: “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” hay mô hình phòng- chống tai nạn giao thông đường bộ và phòng-chống đuối nước ở trẻ em. Hy vọng, với sự vào cuộc của toàn xã hội cộng với vai trò của nhà trường, gia đình được phát huy, trẻ em sẽ có một môi trường sống an toàn, không bị tai nạn, thương tích.

Anh Huy-Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm