Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Người bạn đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1978, tôi cùng gia đình chuyển từ miền Bắc đến Gia Lai-Kon Tum và được xếp vào học lớp 10A2, Trường cấp III Pleiku (nay là Trường THPT Lê Lợi). 

Lúc ấy, cả vùng phía Tây tỉnh chỉ có 1 trường cấp III này. Vào học được mấy ngày, lớp tôi có thêm một bạn nữ mà sau này tôi mới biết là con của một người lính Biên phòng.

Trường cấp III Pleiku (nay là Trường THPT Lê Lợi). Ảnh: Internet

Trường cấp III Pleiku (nay là Trường THPT Lê Lợi). Ảnh: Internet

Trong những năm đầu đất nước thống nhất, học sinh từ Bắc chuyển vào Nam thường là con của cha mẹ đi tập kết hoặc học sinh miền Nam từ đất Bắc trở về. Riêng bạn tôi-Nông Thị Hải Yến thì không nằm trong số đó. Yến là người Tày, gốc Cao Bằng, sinh sống tại Thái Nguyên. Vì cùng là người từ Thái Nguyên vào Tây Nguyên nên chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn thân. Ngoài tình đồng hương, tôi và Yến còn có điểm tương đồng: Tôi từ huyện ra Pleiku trọ học, còn Yến vào Pleiku với bố nhưng bố thường đi công tác, không mấy khi ở nhà.

Vì bố thường xuyên đi công tác nên Yến hay rủ tôi về nơi bạn ở. Đó là một doanh trại quân đội, đóng ở khu vực sau này là Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Mỗi khi về cùng Yến, tôi thường thấy các chú phục vụ đã để sẵn mâm cơm, được úp lồng bàn cẩn thận. Lúc ấy, Yến cũng không nói với tôi là bố của bạn làm gì. Mãi về sau tôi mới biết, nơi ấy sau giải phóng là cơ quan của Tiểu đoàn An ninh nhân dân vũ trang biên phòng tỉnh Gia Lai, từ khi hợp nhất tỉnh Gia Lai-Kon Tum là Công an nhân dân vũ trang tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Địa điểm này vốn là khu cư xá sĩ quan và khu cảnh sát dã chiến của Việt Nam cộng hòa trước năm 1975.

Con đường ngắn nhất từ trường về nơi Yến ở là ra cổng trường, rẽ phải, đi theo đường Lê Lợi, rồi rẽ trái vào đường Hải Thượng Lãn Ông (song song với đường Nguyễn Du, nay ở khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết), vào Trần Hưng Đạo. Trong ký ức của tôi, đoạn đường này rất đẹp. Hai bên đường rợp bóng thông nên được che mát quanh năm.

Năm học lớp 10 qua đi, mùa thu năm 1979, khi chúng tôi trở lại trường để học lớp 11 thì tôi không còn thấy Yến nữa. Trong tình hình thông tin lúc ấy, tôi không biết bạn tôi đã đi đâu, cũng không biết ai để hỏi thăm.

Tưởng là sẽ không bao giờ gặp lại bạn nữa, nhưng vào một ngày đẹp trời năm 2009, tôi nhận được một cuộc điện thoại: “Kim Vân ơi, nhớ mình không, Hải Yến đây”. Tôi nhận ra giọng bạn, nhưng lại không tin ở tai mình, nên dồn dập hỏi: “Hải Yến ư? Thật không? Có đúng là Hải Yến 10A2 không? Sao bạn tìm ra tôi?”.

Khi gặp lại nhau tôi mới biết, bố của Yến-chú Nông Văn Sơn lúc ấy là Phó Chính ủy Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Lúc này, Công an nhân dân vũ trang tỉnh gồm có: Ban chỉ huy, 4 ban trực thuộc cơ quan chỉ huy và 7 đồn Biên phòng (tính từ Bắc vào Nam là các Đồn 401, 402, 671, 672, 25, 23, 21) và 1 đại đội cơ động. Có lẽ vì địa bàn rộng, tình hình biên giới phức tạp, xa dân cư, rừng rậm, núi cao, sông suối chia cắt… nên chẳng mấy khi tôi gặp được chú Sơn.

Sau này, Yến nói với tôi: Lúc ấy, bố mẹ định an cư ở Gia Lai nên đưa bạn vào trước cho kịp năm học. Bố mẹ bạn cũng tính, rồi sẽ mua nhà và đưa cả gia đình vào Pleiku sinh sống. Thế rồi, bố Yến cũng đã mua một ngôi nhà ở gần ngã ba Hoa Lư. Nhưng do chiến tranh biên giới, bố bạn nhận nhiệm vụ làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia nên ngôi nhà đã mua thì cho lại chủ cũ (không kịp lấy lại tiền). Còn Yến thì trở về Thái Nguyên với mẹ ngay mùa hè năm ấy.

Từ tháng 1-1979, Mặt trận Dân tộc đoàn kết cứu nước Campuchia được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam đã đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot và thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Campuchia. Ngày 18-2-1979, Hiệp ước hòa bình hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Campuchia được ký kết nhằm ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Ngày 1-4-1979, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang ra quyết định thành lập đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, trong đó, giao cho Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Gia Lai-Kon Tum thành lập 1 khung trung đoàn bộ và 1 tiểu đoàn hoàn chỉnh trước ngày 20-5-1979. Trung đoàn lấy phiên hiệu là Trung đoàn 20.

Thực hiện quyết định trên, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã điều động 80 cán bộ, chiến sĩ sang Trung đoàn 20, trong đó có 6 đồng chí được bổ nhiệm vào Trung đoàn bộ. Chú Sơn được bổ nhiệm làm Chính ủy Trung đoàn. Ngày 24-6-1979, Trung đoàn 20 lên đường sang làm nghĩa vụ quốc tế ở tỉnh Preah Vihear, Campuchia.

Chuyến đi thực tế ở các đồn Biên phòng vừa qua của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh giúp tôi hiểu thêm về những vất vả, gian lao của những người lính Biên phòng và gợi tôi nhớ về sự “mất tích” của Yến năm ấy, rồi càng thêm thương vợ con của những người lính làm nhiệm vụ canh giữ biên cương!

Có thể bạn quan tâm