Phóng sự - Ký sự

Người cha đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bố tôi là một người bị khuyết tật trí tuệ nhưng với chúng tôi, ông luôn là người cha đặc biệt, rất đáng để tự hào
Gia đình tôi xảy ra cuộc tranh luận về việc bố tôi có nên xuất hiện trong lễ ăn hỏi của tôi hay chúng tôi nên tiếp tục nói dối bên thông gia là bố tôi đang dạy học ở miền núi thì bị ốm phải nằm viện, không kịp về dự đám cưới...
Nỗi lo không "môn đăng hộ đối"
Ông nội tôi phân tích: "Gia đình bên đó là gia đình trí thức, coi trọng môn đăng hộ đối. Ông là đại tá nên họ nể trọng, có thể thay mặt bố cháu. Ăn hỏi xong, cháu đi đăng ký kết hôn. Đến hôm cưới, mọi sự đã an bài, bố cháu xuất hiện một lúc cũng được. Lúc đó, họ không thể từ hôn được".
Bà nội tôi cũng hưởng ứng: "Vì hạnh phúc của con gái, anh Thanh chịu thiệt thòi một chút vậy".
Bố tôi cười hềnh hệch, không có ý phản đối. Tôi nhìn bố. Một tình yêu thương vô hạn trào dâng, tôi nói: "Dạ, con muốn cả bố mẹ và ông bà đều được giới thiệu công khai trong lễ ăn hỏi. Chúng con sẽ ở với nhau cả đời. Nếu bên đó vì thấy bố con khác biệt mà từ hôn thì con cũng không muốn lấy người như vậy".
Trong ký ức của tôi, ngay từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã thường xuyên bắt gặp những ánh mắt soi mói của mọi người khi bố dắt chúng tôi ra đường hay cả gia đình đi chơi cùng nhau. Bố bị xã hội coi là "khuyết tật trí tuệ" vì bố không thể đi học, nói chuyện thông thường như hầu hết mọi người, cũng không đi làm mà ở nhà "chơi với chúng tôi". Một tay bố còn bị liệt, cơ thể yếu nên ông bà nội và mẹ không để bố bế chúng tôi. Ông bà nghĩ ra cách để chúng tôi ngồi trong xe nôi để bố tôi đẩy đi chơi ngay cả khi chúng tôi đã 2-3 tuổi. Mẹ tôi cùng quê với bà nội, nhà nghèo, đông em nhưng rất đẹp, trẻ hơn bố tôi 10 tuổi. Vì vậy, khi mẹ vừa tròn 18 tuổi, bà nội đã đến hỏi mẹ tôi cho bố.
Bà nội hay kể rằng: "Hôm đó đến nhà gặp ông bà ngoại anh Thanh, tôi có nói: Kinh tế gia đình tôi khá giả, chồng tôi là đại tá, nhà ở ngay mặt chợ, rộng gần 80 m2, đã xây 3 tầng khang trang. Con bé lấy con trai tôi, về không phải làm gì, chỉ việc đẻ. Tôi sẽ nuôi luôn 2 đứa em gái nó. Chúng nó lên trông con cho anh chị và bán hàng tạp hóa tại nhà tôi, tiền lãi được phép cất đi. Con trai tôi hơi chậm một tí nhưng dễ bảo, không bao giờ đánh đập vợ con".
Ông bà ngoại tôi quá mệt mỏi với việc mưu sinh nên đã đồng ý. Thế là mẹ tôi về làm dâu và đúng như lời hứa của bà nội, mẹ chỉ ở nhà sinh con, lúc đầu là tôi, rồi đến hai em gái và em trai tôi.

Ông Đỗ Đức Thanh (thứ hai từ trái qua) cùng gia đình đi chơi Tết, Đỗ Khánh Linh đứng ở ngoài cùng bên phải
Ông Đỗ Đức Thanh (thứ hai từ trái qua) cùng gia đình đi chơi Tết, Đỗ Khánh Linh đứng ở ngoài cùng bên phải
Những đứa con của bố
Bố tôi là người hay kể chuyện. Ông kể về mọi thứ ông gặp trên đường khi đưa chúng tôi đi học, về mấy bà bán hàng trước cửa nhà. Câu chuyện của ông rất đơn giản, hồn nhiên, nhiều khi nghe phải hỏi lại vài lần mới hiểu nhưng với những đứa trẻ như chúng tôi, chúng rất thú vị. Vì bố không biết đọc nên chính tôi là người đọc truyện cho bố và các em nghe. Ông hào hứng cổ vũ. Nhờ đó, khả năng đọc và kể chuyện của tôi tốt ngay từ nhỏ.
Ông thường bảo: "Các con gái bố xinh như những nàng công chúa trong truyện cổ tích, các con có muốn được sướng như họ không?".
- "Có ạ".
- "Các công chúa muốn nổi tiếng phải vượt qua nhiều khó khăn. Phải tốt bụng và học giỏi thì mọi người mới yêu quý. Thế nên phải ngoan và học giỏi".
Khi chúng tôi xem tivi thấy phong cảnh nhiều nước đẹp, rất muốn được đến đó tham quan, bố bảo: "Các con phải tập thể dục để có sức khỏe mới kiếm được nhiều tiền và sức khỏe để đi du lịch".
Chúng tôi gật đầu. Ngày nào bố cũng nói với chúng tôi như vậy, ngày nào cũng nghe nhưng chúng tôi vẫn thấy vui. Sau này, tôi biết đó là những câu nói mà bác gái tôi dạy cho bố học thuộc lòng.
Mấy chị em tôi càng lớn càng xinh đẹp. Một lần, tôi vô tình nghe thấy một số người hàng xóm bàn tán: "Thằng Thanh bị vợ "cắm sừng" nên mới có con đẹp và thông minh như vậy. Chứ một đứa tay yếu và ngốc như vậy làm sao có được con tiên?".
Nghe vậy, tôi rất tức nhưng cũng hơi nghi ngờ vì tôi cảm nhận mẹ không có nhiều tình cảm với bố. Trước mặt ông bà nội, mẹ gọi bố tôi là anh nhưng sau lưng, luôn nói trống không và sai vặt bố tôi như một đứa trẻ. Sự nghi ngờ của tôi và mọi người lên đỉnh điểm khi em trai út của tôi sinh ra có mái tóc xoăn khác biệt. Ông bà nội đã phải đưa cả bốn chúng tôi đi xét nghiệm ADN. Rất may, kết quả xét nghiệm chứng minh cả bốn chúng tôi đều là con của bố.

Ông Đỗ Đức Thanh (trái) đến tận nhà trao quà cho người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Ông Đỗ Đức Thanh (trái) đến tận nhà trao quà cho người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Không thể nói dối về người bố tuyệt vời
Năm ngoái, tôi đã gặp rồi yêu Trung. Tôi phải suy nghĩ rất nhiều trước khi nhận lời yêu anh vì gia đình anh thuộc tầng lớp trí thức, rất tự hào về dòng tộc nên sợ sẽ không chấp nhận tôi làm dâu. Tôi đã cố giấu thông tin về bố tôi cho đến cận ngày ăn hỏi. Vì khao khát mong bố tôi sẽ xuất hiện trong buổi lễ, tôi quyết định nói cho gia đình anh biết bố tôi bị khuyết tật trí tuệ, không phải là giáo viên công tác ở miền núi như câu chuyện của tôi trước đây. Gia đình anh rất sốc khi nghe tin này. Còn tôi, suốt 3 đêm liền sau đó, tôi không sao ngủ được, thấp thỏm chờ điện thoại, tin nhắn phản hồi của anh. Đêm qua, tôi dậy thắp hương và khấn lạy trời Phật ban cho sự bình an. Sáng hôm nay, từ rất sớm, tôi lại đến gõ cửa nhà Trung trong sự ngạc nhiên của cả gia đình. Tôi nói đầy cảm xúc:
- "Trước đây, con chỉ kể cho hai bác và anh Trung nghe bố con là người khuyết tật trí tuệ và chỉ ở nhà, chưa từng đi học mà con chưa kể rằng: Bố con tuyệt vời hơn thế rất nhiều. Bố không có bằng đại học, cao học để chứng minh sự thông minh của mình nhưng bố lại dạy dỗ chúng con thành những người học giỏi nhất lớp bằng cách dành thời gian xem chúng con học, trò chuyện, cổ vũ chúng con ngay cả trong những việc nhỏ. Bố luôn biết cảm ơn và tôn trọng mọi người, luôn chân thật với suy nghĩ và cảm xúc của mình. Chính vì bố con là người tuyệt vời như vậy nên con không thể tiếp tục nói dối về ông. Con chỉ mong lấy được một người chồng yêu thương, tôn trọng mình và suốt cuộc đời này có thể cùng nhau phụng dưỡng bố mẹ hai bên, dù hoàn cảnh có thế nào. Nếu hai bác và Trung không thể đón nhận được bố con thì con thực sự rất tiếc phải từ hôn".
Nói đến đây, nước mắt tôi tuôn trào. Tôi lau nước mắt và xin phép cáo lui. Trung không níu kéo tôi. Về tới nhà, cổng nhà tôi đã mở sẵn và trong sự ngạc nhiên, Trung bước ra đón tôi. Tôi cười mà nước mắt chực tuôn. Trung véo má tôi:
- "Nín đi. Chỉ còn 3 ngày nữa ăn hỏi mà cô dâu mắt sưng thế này là không xinh đâu. Mẹ bảo: "Anh phước hạnh lắm mới có được cô vợ hiếu thảo như vậy". Bố mẹ anh rất tự hào được làm thông gia với bố em".
Hành trang vào đời của chúng tôi được bố trao cho là tình yêu thương vô bờ bến, bằng sự hiểu biết, sự lắng nghe và khích lệ sẽ luôn được chúng tôi mang theo. Bố tôi là một người bị khuyết tật trí tuệ nhưng với chúng tôi, ông luôn là người cha đặc biệt, rất đáng để tự hào.
(*) Ghi lại câu chuyện của Đỗ Khánh Linh (22 tuổi) về người cha là ông Đỗ Đức Thanh (46 tuổi), hiện sống ở quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ảnh gia đình do nhân vật cung cấp.
Bố tôi không biết chữ nhưng lại là người kèm chúng tôi học nhiều nhất. Ông bà nội tôi không quen ngồi kèm các cháu, còn mẹ tôi bận rộn với việc mang thai và chăm các con. Việc dạy học và chơi đùa, tâm sự với chúng tôi là do bố đảm nhận. Bố rất thích ngồi bên cạnh xem chúng tôi học bài. Khi thấy chúng tôi làm bài nhanh, ông vỗ tay khen “Làm bài nhanh quá!”. Khi thấy chúng tôi ngồi vặn vẹo, mặt mũi đăm chiêu, ông biết là bài khó nên sẽ đi lấy nước hoặc sữa cho chúng tôi uống...
Theo NGUYỄN MINH CHÂU (*) (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm