Người dân Ia Sao vay tiền làm công trình vệ sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, từ tháng 4-2019, 35 hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Ia Sao (huyện Ia Grai) đã mạnh dạn vay vốn làm nhà vệ sinh, nhà tắm đạt chuẩn. Điều này phản ánh quyết tâm nâng cao tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới của người dân xã này.

Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, quyền Chủ tịch UBND xã Ia Sao-cho biết: Ia Sao là đơn vị dẫn đầu của huyện Ia Grai khi đạt chuẩn nông thôn mới từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, trong 19 tiêu chí thì tiêu chí 17 về môi trường chỉ đạt ở mức thấp. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn và nhận thức còn hạn chế. “Xác định rõ nguyên nhân, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, thôn, làng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi tập quán, nhận thức của người dân; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người uy tín trong việc đi đầu làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ các hộ dân chưa có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh được vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng/hộ để thực hiện”-ông Dũng chia sẻ.


 

Công trình nhà vệ sinh đạt chuẩn của gia đình ông Puih Ríu (làng Ó, xã Ia Sao). Ảnh: H.T

Từ tháng 4 đến nay, 35 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của 8/12 thôn, làng trong xã đã mạnh dạn vay vốn để làm nhà tiêu, nhà tắm đạt chuẩn. Ông Rơ Châm Eng (làng Tốt) cho hay: “Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác trong làng vẫn giữ thói quen sinh hoạt không có nhà vệ sinh, nhà tắm. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như sức khỏe, tôi đã bàn bạc cùng gia đình quyết định xây nhà vệ sinh, nhà tắm sau khi được hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng. Trong thời hạn 5 năm, gia đình mình chịu khó làm ăn dành dụm thì trả được nợ thôi”.

Còn ông Puih Ríu (làng Ó) cũng không khỏi vui mừng khi hoàn thiện công trình nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh với kinh phí gần 30 triệu đồng (gia đình góp thêm tiền đầu tư bồn năng lượng mặt trời). “Khi được vay vốn, gia đình tôi đã mạnh dạn xây nhà tiêu 2 ngăn khép kín đưa vào sử dụng, vệ sinh sạch sẽ, không còn mùi hôi và ô nhiễm môi trường như trước nữa”-ông Ríu phấn khởi nói.

Trao đổi với P.V, ông Dũng cho biết thêm: Với số tiền 20 triệu đồng vay vốn ưu đãi, nhiều hộ đã vận động thêm kinh phí, ngày công từ người thân, họ hàng để thực hiện. Nhờ đó, hộ nào cũng làm được nhà vệ sinh đạt yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay, khi nhiều hộ khác tiếp tục đăng ký vay vốn để làm nhà tiêu hợp vệ sinh thì phía ngân hàng thông báo không còn nguồn vốn, ít nhiều làm chậm tiến độ thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường của xã.

Xung quanh vấn đề này, ông Lê Tấn Thiện-Tổ trưởng Tổ kế hoạch nghiệp vụ vay (Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Grai) thông tin: Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai đến tất cả xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Từ đầu năm đến nay, huyện có 343 lượt hộ dân vay vốn ưu đãi với dư nợ hơn 6,8 tỷ đồng để xây dựng các công trình nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhu cầu vay vốn của người dân Ia Sao là chính đáng nhưng hiện kế hoạch vốn của Ngân hàng lúc này chưa chủ động được.

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, để thay đổi hành vi vệ sinh của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số là cả một quá trình, cần rất nhiều thời gian. “Vì vậy, với sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân, xã rất mong sự quan tâm của các cấp, các ngành ngân hàng về nguồn vốn để tiếp tục hỗ trợ cho bà con, qua đó xóa bỏ thói quen, tập quán lạc hậu, góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới”-ông Dũng nói.

Hà Tây

Có thể bạn quan tâm