Người dân quay lưng với nước sạch?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều hộ dân buôn Hoang 1 và Hoang 2 (xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) vẫn đang hàng ngày dùng nước sông Bờ để ăn uống và sinh hoạt. Trong khi đó, các công trình nước sạch trong buôn thì lại không mấy người sử dụng.

Đã bao đời nay, bà con dân tộc Jrai sống ven sông Bờ đã quen với việc sử dụng nước sông làm nước sinh hoạt. Chiều chiều, hàng trăm người dân mang theo can, chai hoặc mọi dụng cụ có thể trưng dụng để lấy nước lại rồng rắn đổ về hướng bờ sông. Họ thường đào những cái hố nhỏ bên bờ sông để nước ngấm qua cát rồi chờ cho bùn đất lắng xuống mới múc vào can đem về nhà sử dụng trực tiếp. Những “giếng làng” chi chít dọc theo bờ sông thành nơi cung cấp nước cho dân làng. Bà Nay Tló (buôn Hoang 1) cho biết: “Mỗi ngày gia đình mình sử dụng 20-25 lít nước sông để ăn uống chưa kể nước sinh hoạt. Cứ sau 2 ngày thì mình lại xuống sông lấy nước một lần. Hố này sụp thì mình lại lấy ở hố khác, không sợ hết nước đâu”.

 

Các em nhỏ đi lấy nước sông về sử dụng. Ảnh: N.N
Các em nhỏ đi lấy nước sông về sử dụng. Ảnh: N.N

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, ở khu vực đầu nguồn sông Bờ, người dân canh tác nông nghiệp đã sử dụng ngày một nhiều hơn các loại thuốc bảo vệ thực vật. Các chai lọ đựng thuốc không được tập kết đúng chỗ cũng như việc thuốc ngấm vào đất khiến cho việc dùng nước sông để ăn uống của bà con trong buôn Hoang 1 và 2 có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người dân vẫn vô tư sử dụng nguồn nước sông này. Bà Ksor Hnhen (buôn Hoang 1) thờ ơ:” Mình dùng nước sông bao nhiêu năm nay rồi có sao đâu. Nước sạch của Nhà nước có vị chua, uống không ngon. Mình định đào giếng nhưng giá đắt quá nên dùng nước sông thôi”.

Việc sử dụng nước sông Bờ làm nước sinh hoạt sẽ là mối đe dọa lớn đối với bà con trong buôn khi nước không đảm bảo vệ sinh. Nguồn nước chưa qua kiểm định có thể nhiễm các chất độc như: chì, mangan, phèn, các hợp chất hữu cơ, vi sinh vật và đặc biệt là có thể bị nhiễm độc của các loại thuốc bảo vệ thực vật gây ra. Khi người dân sử dụng có thể gây tác hại không nhỏ đối với sức khỏe. Trong khi đó, công trình nước sạch cung cấp nước đến tận nhà lại bị người dân hờ hững không sử dụng đến. Ngay cả những hộ dân không dùng nước sông, họ cũng tìm nguồn nước thứ ba. Anh Ló (buôn Hoang 2) cho hay: “Gia đình tôi phải mua nước lọc để uống chứ nước sạch của Nhà nước uống không được vì có mùi cao su lại có vị chua nữa. Còn nước sông thì không đảm bảo sức khỏe nên dùng để tắm rửa, giặt giũ thôi”.

Mặc dù UBND xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con sử dụng nước sạch để bảo vệ sức khỏe nhưng chưa có hiệu quả. Ông  Ksor  Xuân-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao cho biết: “Từ xa xưa bà con đã có thói quen sử dụng nước sông Bờ để ăn uống, sinh hoạt. Thực tế thì nước sông Bờ ngọt hơn nước giếng. Nhưng nhiều năm trở lại đây, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân làm rẫy trên đầu nguồn đã gây ô nhiễm nặng cho dòng sông. Ủy ban Nhân dân xã cũng đã vận động, tuyên truyền bà con sử dụng nước sạch để bảo vệ sức khỏe nhưng rất khó để thay đổi tập tục của bà con”. Trong khi đó, ông Lê Minh Trí-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ayun Pa cho rằng: “Khi có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước thì chúng tôi sẽ mời Chi cục Bảo vệ Môi trường đến lấy mẫu để xét nghiệm chứ hiện giờ chỉ nhìn trực quan thì cũng khó đánh giá lắm”.

Nước sinh hoạt là một trong những yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nguồn nước từ sông Bờ nếu tiếp tục được sử dụng sẽ là mối đe dọa đối với bà con sống ven sông. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền, vận động và cải thiện nguồn nước sinh hoạt giúp bà con trên địa bàn có nguồn nước đạt chất lượng thay thế nguồn nước từ sông Bờ.

Nguyễn Nhật

Có thể bạn quan tâm