Phóng sự - Ký sự

Người giữ linh hồn của chiến thắng Khe Sanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm mươi năm trôi qua, tuổi nhân sinh cũng ở hàng thất thập, song ông vẫn nhớ vẹn nguyên từng gốc cây, từng cơn mưa trên mảnh đất Khe Sanh ngày còn chìm trong đạn bom, khói lửa.

Nhờ người cựu binh cùng cuốn nhật ký “viết trộm” trên chiến trường ngày ấy mà giờ đây chúng ta mới nắm được tường tận trận đánh trên cao điểm 689 - trận quyết định để làm nên chiến thắng Khe Sanh. Và cũng nhờ ông, vinh quang của Tiểu đoàn K3 Tam Đảo đã trở về cùng lịch sử.

 

50 năm qua, ông Hợi vẫn giữ tròn nhiệm vụ văn thư của Tiểu đoàn K3 Tam Đảo.
50 năm qua, ông Hợi vẫn giữ tròn nhiệm vụ văn thư của Tiểu đoàn K3 Tam Đảo.

Những ký ức không thể nào quên

Chúng tôi gặp lại ông Nguyễn Văn Hợi sau tròn 10 năm. Ngôi nhà số 550 đường Trường Chinh (TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) vẫn đơn sơ, nơi ông cần mẫn làm công việc photocopy cho khách mỗi ngày. Mười năm, lưng ông đã còng, bước chân đã chậm, đôi mắt cũng mờ đục hơn.

Chúng tôi nhìn quanh ngôi nhà, như cái cách mà người thân lâu ngày trở lại. Chúng tôi thoáng hỏi về bức tranh bộ đội hành quân giữa rừng cùng tình cảm trìu mến của bà con và du kích địa phương, ông Hợi không giấu được xúc động: “Hoạ sĩ Đỗ Dụ tặng Tỉnh uỷ Nam Định, rồi Tỉnh uỷ tặng lại tôi. Giọng tôi nghẹn lại: “Binh trạm 15!”. Các đồng chí ở Tỉnh uỷ ngạc nhiên: “Đúng là bức tranh vẽ Binh trạm 15. Sao bác biết?”. Tôi không nói gì mà lặng lẽ lấy nhật ký đọc cho các đồng chí ấy nghe: “Ngày 1 tháng 6 năm 1968. Hôm nay là một ngày đáng nhớ bởi đây là ngày hành quân cuối cùng trên trạm giao liên để đến địa điểm chiến đấu. Đường đi hôm nay dốc liên tục, trời lại lúc nắng, lúc mưa, oi bức vô cùng. Mình đi sau đội hình nên phải chạy nhiều, gần đến đích thì phải vượt qua một cái dốc rất cao, may mà lúc này trời có mưa nhỏ nên không khí đỡ oi bức. 12 giờ trưa thì đến, đây là Binh trạm 15”…

Ngày đến Khe Sanh, ông Hợi tròn 20 tuổi. Hồi đó những người được học hết lớp 10 như ông rất ít nên ông được giao phụ trách văn thư của tiểu đoàn. Chiến tranh khốc liệt, việc ghi chép nhật ký là điều cấm; song vốn học giỏi văn, ham viết lách nên mỗi khi viết báo cáo xong là ông lén ghi nhật ký. Ông cẩn thận lưu lại cả những chi tiết nhỏ nhất, bởi ông tính khi hoà bình lập lại, nếu may mắn sống sót, ông sẽ cùng đồng đội ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa. Ông viết: “Những cái tên Tà Cơn, làng Vây, Khe Sanh và bao cái tên khác của miền tây Quảng Trị, cách đây vài tháng thôi còn có vẻ xa lạ, khiến chúng tôi ước ao sớm được đến với nó. Giờ đây ước mơ đó đã thành sự thật. Tôi đã trở thành một chiến sĩ giải phóng quân đang ngày đêm cùng đơn vị vây ép quân Mỹ ở 689. Bom đạn L19, VO10 và B52 đối với chúng tôi bây giờ quen thuộc lắm rồi. Những tối lên chốt cùng đại đội trưởng, nghe tiếng cắt gió của đạn cối, đạn pháo không còn bị hoảng loạn như những ngày đầu. Những lúc như thế, cảm thấy mình lớn lên nhiều”.

 

Hình ảnh ông Hợi trong trận đánh Khe Sanh - bức ảnh chụp lại từ bộ phim tài liệu của Xưởng phim Quân giải phóng (Phim Mặt trận đường 9 - Tập 2 - Vài hình ảnh về chiến thắng Khe Sanh).
Hình ảnh ông Hợi trong trận đánh Khe Sanh - bức ảnh chụp lại từ bộ phim tài liệu của Xưởng phim Quân giải phóng (Phim Mặt trận đường 9 - Tập 2 - Vài hình ảnh về chiến thắng Khe Sanh).

Chiến công oanh liệt

Ông Hợi nhắc lại lịch sử: “Trận đánh ở cao điểm 689 có ý nghĩa rất lớn, nó quyết định việc giải phóng Khe Sanh, sau đó là Hướng Hoá - huyện đầu tiên của cả nước được giải phóng hoàn toàn. Trước đó, Mỹ kéo ta vào lòng chảo Khe Sanh nhằm tiêu diệt như hồi giặc Pháp “dụ” ta vào lòng chảo Điện Biên. Sân bay Tà Cơn cách cao điểm 689 khoảng 2km, được ví như mỏ neo của Khe Sanh nên cả ta và Mỹ đều coi 689 quan trọng như đồi A1 của Điện Biên Phủ. Thường xuyên đồn trú ở đó là đại đội Delta của Mỹ. Bên cạnh còn có 2 căn cứ túc trực, quanh cao điểm 689 là một tiểu đoàn lính Mỹ. Trong trận đánh, 47 anh em chúng tôi phải đương đầu với cả tiểu đội của chúng. Sau những ngày khốc liệt, chúng tôi đánh chiếm được mỏm A. Mỹ đã bốc cả tiểu đoàn hơn nghìn tên đến tăng cường nhưng không thể nào giành giật được với ta. Thua trận Khe Sanh, chúng ném bom napal huỷ diệt cao điểm 689, cứ 90 phút chúng lại giội một trận bom”.

“Trước khi vào trận chiến Khe Sanh, mỗi đại đội có 135 người, sau hơn một tháng, Đại đội 10 của tôi còn 47 người sống sót, Đại đội 11 chỉ còn 29 người. Chính trị viên Lưu Văn Dụ của chúng tôi bị giập nát hai chân nhưng vẫn lết đến bên xác lính Mỹ lục tìm lựu đạn rồi lết về đưa cho đồng chí Lê Duy Cường. Khi đồng chí Cường theo quán tính quay lại nhận lựu đạn thì thấy đồng chí Dụ đã nằm bất động…” - giọng ông nghèn nghẹn, đôi mắt đỏ hoe.

Trong trận đánh đó, một quả đạn cối 61 nổ ngay bên cạnh làm ông bị thương ở đầu và mặt. Sau chiến thắng Khe Sanh và chiến thắng Thành cổ Quảng Trị, ông Hợi rời chiến trường với “di tích” 81% thương tật. Anh thương binh hạng 1/4 về Nam Định làm việc ở nhà máy dệt. Hơn hai mươi năm đầu tắt mặt tối lao động cùng vợ nuôi nấng bốn người con, ký ức chiến trường, nghĩa tình đồng đội vẫn cứ ập ùa. Câu hỏi “bốn mươi bảy anh em cùng vào sinh ra tử với mình bây giờ ra sao? Ai còn sống? Ai đã chết?” cứ trở đi, trở lại trong tâm trí ông.

“Tìm đường” báo công và tri ân đồng đội

Năm 1998, ông Hợi lên đường tìm đồng đội. Ông đến xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, (tỉnh Phú Thọ), người hàng xóm nhà ông Quyền chỉ ngược lên con dốc: “Ông Quyền ngồi đó”. Ông Hợi leo dốc, tiến lại gần; trước mặt ông, người tiểu đội trưởng năm nào đã thành lão nông đen nhẻm, quần xắn móng lợn đang ngồi thu dọn sắn. “Thấy tôi giơ máy ảnh chụp, ông Quyền trừng mắt hỏi: “Anh chụp gì đấy?”. Tôi ngồi xuống nói: “Tôi chụp thằng Nguyễn Hữu Quyền tiểu đội trưởng tiểu đội 8 đấy”. Ông Quyền nhìn tôi một lát rồi reo lên: “Thằng Hợi”. Hai anh em ôm chầm lấy nhau mừng mừng, tủi tủi” - ông Hợi xúc động kể. Sau cuộc gặp đó là 10 năm ông theo trí nhớ lăn lộn khắp 14 tỉnh, thành mới tìm lại được bốn mươi hai đồng đội, còn 5 người nữa đến tận bây giờ vẫn chưa rõ sống chết ra sao.

Trong quãng 10 năm ấy, đơn vị của ông có 7 người tham gia chương trình “Một thời hoa lửa” (năm 2003), nói về cuộc chiến hào hùng và bi tráng tại Thành cổ Quảng Trị (năm 1972). Nhưng, “suốt những ngày diễn ra sự kiện, rất nhiều người nói chiến thắng Khe Sanh, chiến thắng Thành Cổ là của đơn vị này, đơn vị kia; mà tuyệt nhiên không thấy ai nhắc đến chiến công của đơn vị tôi, cũng không ai quan tâm đến cái tên Tiểu đoàn K3 Tam Đảo. Có người còn nói: “Từ trước đến nay, đánh Thành Cổ là việc của các sư đoàn chủ lực”. Nghe những điều đó, chúng tôi đều thấy bị tổn thương”.

Những tổn thương của ông và anh em rồi cũng vơi đi. Nhưng tháng bảy năm nào cảm giác mắc nợ và có lỗi với những người đồng đội đã vị quốc vong thân cũng trào lên cùng nước mắt.

Trăn trở mãi, năm 2007, ông Hợi quyết định vượt qua “áp lực dư luận”, lấy lời thề của Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến để đặt tên cho bài viết “K3 Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn”. Ông gửi bài viết đến Sự kiện và Nhân chứng (nguyệt san của Báo Quân đội Nhân dân). Ngay sau khi nhận được bản thảo ông gửi, các nhà báo của Sự kiện và Nhân chứng đã về Nam Định tìm ông để xác minh. Sau khi xem hết cuốn nhật ký chiến trường được ông giữ gìn như báu vật, các nhà báo mang quân hàm xanh mới dám tin những gì ông viết trong “K3 Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn” hoàn toàn là sự thật. Từ đó, chiến thắng Thành Cổ cũng như trận đánh trên cao điểm 689 làm nên chiến thắng Khe Sanh của Tiểu đoàn K3 đã dần được đưa về cùng lịch sử. Sau đó tiểu đoàn của ông có 5 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thêm nhiều năm nữa đi vận động, tìm nguồn kinh phí; năm 2016 ông Hợi có mặt ở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhận quyết định giải ngân 6,9 tỉ đồng đầu tư xây dựng hệ thống tưởng niệm tại cao điểm 689. Các hạng mục công trình đang được khẩn trương hoàn thành trước lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh.

Ông Hợi lay lay đầu gối: “Mảnh đạn trong gối được lớp mỡ bao bọc, cứ ngỡ nó nằm yên. Nhưng cuối năm ngoái nó trở chứng “di cư” làm tổn thương dây chằng, các bác sĩ quân y phải phẫu thuật gắp nó ra. Cuối tháng sáu, đầu tháng bảy này tôi làm trưởng đoàn, cùng anh em hành hương vào lại chiến trường xưa; cái đầu gối vẫn đang phải nẹp, đi lại cũng khó khăn, nhưng nhất định tôi phải lên cao điểm 689 để báo công và tri ân đồng đội”. Nét mặt ông giãn ra, nụ cười đã không còn phiền muộn.

Ông Nguyễn Văn Hợi nguyên là Trợ lý Quân lực của Bộ Tư lệnh Mặt trận B5. Từ năm 1968 đến năm 1973, ông giữ nhiệm vụ văn thư quân lực của Tiểu đoàn K3 Tam Đảo (Sư đoàn 346, Trung đoàn 246) thuộc Bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị. Tiểu đoàn K3 của ông đã hai lần làm nên vinh quang: Chiến thắng Khe Sanh và giành được 500m2 Thành cổ Quảng Trị sau 81 ngày đêm huyền thoại. Hiện nay ông Hợi là Trưởng ban liên lạc của tiểu đoàn. Cuốn nhật ký “viết trộm” của ông Hợi đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Tâm Am-Vũ Văn Ninh

Có thể bạn quan tâm