Phóng sự - Ký sự

Người quản tượng cuối cùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đối với người quản tượng già Ksor Chăm, vùng Chư Mố (huyện Ia Pa, Gia Lai) quê ông xưa kia không chỉ sinh ra những cô gái đẹp mà còn là một vùng quê đầy tự hào với nghề nuôi và thuần dưỡng voi.   
Ký ức làng voi
Người quản tượng già trên 70 tuổi Ksor Chăm ở buôn Pleipa Kdranh, xã Chư Mố, huyện Ia Pa đã không ít lần được theo ông nội mình ngất ngưởng trên bành voi Thoong Khăm đi uống rượu hết làng này sang làng khác trong sự thán phục của các quan thầy người Pháp. Ông không thể nhớ cả vùng Chư Mố lúc đó có bao nhiêu con voi, “chỉ biết là nhiều lắm !”. Riêng nhà ông đã có tới 3 con voi đực: Thoong Khăm, Thoong Xa và Đak Xom. Nhưng hầu hết đàn voi của buôn làng đều đã chết vì bom đạn Mỹ thời chiến tranh, số ít còn lại cũng ngã xuống vì bệnh tật, thiếu thức ăn. Những người quản tượng vì thế cũng bỏ đi nơi khác, số ít chuyển sang làm ruộng, rẫy. Nghề nuôi voi ở Chư Mố vì thế bị mai một dần…
Ông Ksor Chăm, người quản tượng cuối cùng ở Gia Lai. Ảnh: Đức Phương
Ông Ksor Chăm, người quản tượng cuối cùng ở Gia Lai. Ảnh: Đức Phương
Người có nhiều duyên nợ với voi nhất ở Chư Mố bây giờ có lẽ chỉ còn lại mình ông Ksor Chăm. Năm 1973, ông Ksor Chăm bỏ ra 1,5 triệu đồng cùng người làng sang buôn Đôn (Đak Lak) mua về một con voi đực tầm 3 tuổi để thuần dưỡng. Ông nhờ thầy cúng làm lễ đặt tên cho nó, tiệc rượu linh đình mời cả làng đến chứng kiến “để cho con voi nhận mặt làm quen, sau này gặp nhau nó không làm hại đến ai”-ông Ksor Chăm diễn giải.
Lễ đặt tên cho voi, ông Chăm đặt một quả trứng gà dưới đất, gọi lên một loạt cái tên để khi voi ưng cái tên nào đó nó sẽ giẫm nát quả trứng còn không ưng thì thôi. Quả trứng bị giẫm nát, voi ưng tên Bạk Xom-một cái tên mang hơi hướng Lào, cũng có nghĩa như một hoài niệm đẹp về tổ tiên của nghề nuôi voi là của người Lào xưa.
“Với người Tây Nguyên, voi không chỉ đắc dụng trong công việc nặng nhọc như kéo gỗ làm nhà, vận chuyển nông sản… mà còn chứng tỏ được vị thế của chủ voi trước cộng đồng, thể hiện sự giàu có, địa vị bề trên”-Ksor Chăm nói. Nhưng để huấn luyện một con voi hoang dã không hề đơn giản, thậm chí có khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Ông Chăm phải lên TP. Pleiku tìm mua loại xích sắt to bằng cổ tay người lớn từ các đại lý phế liệu về hàn gắn lại thành một dây xích dài chừng 30 m, rồi lựa thế xích vào một chân sau của voi, một đầu buộc vào gốc cây to trong rừng (bán kính 30 mét cũng là không gian kiếm ăn hàng ngày của voi-N.V). Sau đó, ông trở lại Buôn Đôn thuê một con voi thuần dưỡng lớn hơn do một người quản tượng khác điều khiển đi sát phía sau giám sát, còn mình thì ngồi trên cổ voi để huấn luyện nó.
Ông dùng chiếc kuh-là một cái gậy làm bằng thân cây le già rắn chắc, phía trước có bịt mũi sắt nhọn và có một móc sắt chìa ra để ngoắc vào huyệt nơi tai voi rồi điều khiển. Muốn voi đi sang phía nào thì dùng chiếc kuh ngoắc vào huyệt ở tai kéo voi đi sang bên đó. Khi voi bướng bỉnh không nghe thì dùng đầu nhọn của chiếc kuh đâm mạnh vào huyệt ở trên đầu, phía sau tai voi, còn con voi lớn đã thuần dưỡng rồi thì dùng vòi quật mạnh vào thân Bạk Xom như răn đe, bắt phải tuân theo… “Nói thì vậy chứ công việc huấn luyện voi thật không đơn giản. Vì con voi không thích người lạ đến gần. Phải mất gần hai tháng tôi ngày nào cũng phải ăn ngủ gần chỗ con voi, để cho ăn, trông chừng và để con voi quen hơi của chủ nó mới chịu cho mình leo lưng nó để huấn luyện”.
Nghề quản tượng cũng rất kén người và có lắm điều phải kiêng kỵ, nhất là không được uống rượu và ăn thịt chó, vì con voi rất ghét chó, khi con chó đến gần là nó rống lên dọa nạt và dùng vòi quật chết hoặc xua đuổi. Kể cả khi voi đã thuần dưỡng rồi, chủ voi uống rượu say thì không được đến gần vì sẽ làm con voi sợ. Đã có không dưới 2 lần ông Ksor Chăm phải nhờ người làng lần theo dấu chân voi vào rừng tìm kiếm nó về vì những lý do như thế.
Trong dịp lễ Tết, nhất là khi mừng nhà mới, chủ voi tổ chức tiệc rượu linh đình mời khách, phải cho voi ăn ngon để tạ ơn nó đã giúp kéo gỗ làm nhà. Trường hợp voi bị chết, chủ voi làm lễ cúng, mời cả dòng họ, cả làng đến uống rượu; làm mộ cho voi ở sâu trong rừng, cách xa khu nhà mả của làng, khắc bia bằng cây rừng có hình voi. Khu vực này nghiễm nhiên trở thành vùng đất thiêng, không ai dám làm ruộng rẫy ở nơi đây...  
Năm 1992, ông Chăm lại sang Đak Lak mua tiếp con voi cái Yă Tao về nuôi. Cả hai con voi của nhà ông đã giúp thồ hàng, kéo các vật nặng cho người dân khắp vùng. Dạo chưa có cầu Bến Mộng, cả hai con voi này đã giúp kéo các trụ điện to qua sông Ba để đưa điện về thắp sáng cả vùng 4 xã đông sông Ba thuộc huyện Ia Pa. Còn trước kia nữa, không ít lần ông Ksor Chăm đã cùng voi Bạk Xom góp sức thồ hàng cho bộ đội ta trong chiến tranh đánh Mỹ xâm lược.  
Của để dành
Bây giờ thì voi đực Bạk Xom đã chết vì bệnh, khắp cả vùng Chư Mố chỉ còn lại một con voi cái Yăh Tao đã trên 40 tuổi. Những cánh rừng-không gian kiếm ăn của voi-cũng đã lùi xa buôn làng, co về phía các ngọn núi cao. Người quản tượng Ksor Chăm cũng đã già yếu đi nhiều. Hai năm nay, ông đã không còn đủ sức để rong ruổi theo con voi vào rừng kiếm cái ăn cho nó nữa.
Công việc quản tượng giờ được ông truyền lại cho người con rể Ksor Alơh. Hàng ngày, ông Ksor Alơh gùi gạo, muối vào rừng sâu thay cha vợ mình rong ruổi theo con voi để kiếm cái ăn cho nó và cũng để nó kiếm cây thuốc tự chữa bệnh; có khi cả tháng ông mới về nhà một lần. Còn ông Ksor Chăm, thi thoảng nhớ voi lại khăn gói vào rừng tìm voi…
Gần đây, đã có nhiều người đến gạ mua con voi với giá cao, thậm chí có người còn đánh ngay một chiếc ô tô Santafe đời mới trị giá gần tỉ bạc đến nhà ông đòi đổi ngang con voi, nhưng ông Ksor Chăm một mực chối từ. Vì với ông “Voi không chỉ là một tài sản lớn mà là con vật linh thiêng, là niềm kiêu hãnh của dòng họ, buôn làng và hơn hết nghề nuôi, thuần dưỡng voi là bản sắc văn hóa của cha ông truyền lại, phải giữ gìn cho con cháu mai sau”-quản tượng già Ksor Chăm bày tỏ nỗi lòng.
…Chia tay ông Ksor Chăm trong buổi chiều cuối năm se lạnh, lòng tôi không khỏi day dứt về một làng voi đang bị mai một. Trong bối cảnh đàn voi nhà ở Tây Nguyên đang vơi dần vì bệnh tật, còn ở Gia Lai người ta đã bán đi những con voi nhà cuối cùng. Còn ông có lẽ là người duy nhất còn nuôi giữ được một con voi như niềm kiêu hãnh của vùng đất vốn rất đỗi tự hào về nhiều voi.
Đức Phương

Có thể bạn quan tâm