Điệu dân ca mượt mà phát ra từ lồng ngực của người thương binh già Võ Duy Khánh làm mê đắm lòng người. Chân trái teo tóp do bị thương bởi vướng mìn của Mỹ nhịp theo tiếng đàn, mắt mơ màng như đang ru hồn vào mộng, gần bước sang tuổi bảy mươi, ông vẫn cần mẫn truyền niềm say mê dân ca cho thế hệ trẻ…
Hát dân ca trong lửa đạn
Ngày thơ bé, ông Võ Duy Khánh đắm chìm trong chiếc nôi âm nhạc nơi làng quê. Hai người cậu ruột của ông sử dụng thành thạo vĩ cầm (đàn violon), măng cầm (đàn mandolin) và hát dân ca, tân nhạc khá hay. Thuở ấy, làng Bàn Thạch, xã Phổ Cường (Đức Phổ, Quảng Ngãi) có nhiều người yêu thích dân ca khu 5. Những làn điệu xuân nữ, cổ bản, hò Quảng, sàng xê, vè Quảng… ngân vang nơi xóm làng hay trên ruộng đồng làm vơi đi bao nhọc nhằn.
Ông Khánh gảy đàn mandolin và hát dân ca. |
Đêm thanh gió mát, hai người cậu và thanh niên trong làng gảy đàn trước sân nhà thu hút đông đảo người dân đến chung vui, giao lưu ca hát. Lên 8 tuổi, ông mê mẩn những nốt nhạc đầu tiên qua cây măng cầm của người cậu và chỉ vài năm sau thì sử dụng thành thạo với những âm thanh quyến rũ người nghe. Giọng ca của ông trong trẻo như tiếng chim hót giữa ban mai được bao người ngợi khen.
Chiến tranh chống Mỹ ngày càng khốc liệt, đạn bom gây bao đau thương, tang tóc nơi xóm làng. Những người cậu của ông Khánh và nhiều thanh niên trong làng thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Những làn điệu dân ca động viên tinh thần, cổ vũ nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng quê hương. Tiếp bước cha anh, ông Khánh tham gia du kích xã Phổ Cường rồi được chuyển sang đội văn nghệ để đem tiếng đàn, lời ca góp vui cho đời, xoa dịu nỗi đau chiến tranh.
Ông tiếp xúc, học hỏi kỹ năng ca hát và sáng tác từ những nghệ sĩ của Đoàn văn công giải phóng Quảng Ngãi. Những tháng ngày nơi núi rừng đã giúp ông hiểu hơn và thêm yêu những làn điệu dân ca quê mình. Ông bắt đầu sáng tác những vở kịch dân ca ngợi ca truyền thống bất khuất của quê hương, động viên nhân dân vững tâm, tin tưởng sẽ đến ngày toàn thắng.
Sau đó, ông được điều chuyển về đội văn nghệ huyện Đức Phổ với căn cứ nơi núi rừng giáp ranh giữa huyện Đức Phổ và huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi. Tiếp đến, ông được chuyển sang giữ chức Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền (thuộc Ban Tuyên truyền Huyện ủy Đức Phổ), mang lời ca, tiếng đàn phục vụ chiến sĩ và đồng bào.
Cuộc sống hiểm nguy và gian khó nơi núi rừng không làm nhụt ý chí của ông cùng đồng đội. Họ hăng say sáng tác, luyện tập ca hát giữa tiếng gầm rú của máy bay, những đợt bom rơi, pháo dập của quân thù. Với sự bảo vệ của bộ đội, nhiều đêm, ông cùng đồng đội xuống đồng bằng, vào gần đồn địch để biểu diễn phục vụ đồng bào và kêu gọi những người lính Việt Nam Cộng hòa quay về với nhân dân.
“Khi biết chúng tôi đến biểu diễn, gia đình binh lính Việt Nam Cộng hòa đến xem đông lắm nên phía bên kia không dám bắn pháo vào nơi đó. Sau mỗi tiết mục, họ vỗ tay tán thưởng khá vui vẻ. Nhiều khi, mấy người lính trong đồn dùng ống sắt rỗng làm loa khen chúng tôi diễn hay và hỏi: “Sao không diễn nữa?” khi chúng tôi thu dọn đồ đạc ra về” - ông nhớ lại.
Sau một đêm biểu diễn ở xã ven biển Phổ Quang trở về đơn vị, ông Khánh đi đầu tiên và vướng mìn, ông bị thương nặng với tỉ lệ thương tật 41%. Trên giường bệnh, ông vẫn gắng gượng luyện tập để giọng ca ngày càng trầm ấm, lay động tâm hồn người nghe. Xuất viện với chân trái tập tễnh những bước đi khó nhọc, ông được chuyển về đội văn nghệ huyện Đức Phổ, nơi ông từng gắn bó trước đó.
Cả đội chỉ có hơn 10 người nhưng họ phải sáng tác, dàn dựng và biểu diễn, luôn có những tiết mục mới để đáp ứng tính thời sự theo yêu cầu của cấp trên. Những làn điệu dân ca ngân vang cổ vũ tinh thần quân và dân Đức Phổ, làm nhụt ý chí của đối phương.
Những câu hát: “…Mẹ anh hùng con lại sá chi/Bé mười ba tuổi cũng đi diệt thù… Cờ bay trên đỉnh Núi Dâu/Tay không buộc Mỹ cúi đầu rút lui…” làm nức lòng người Đức Phổ, thôi thúc họ vùng lên giải phóng quê hương. “Lúc ấy, chúng tôi phục vụ hăng say lắm, không tính toán gì cả, chỉ mong tới ngày toàn thắng để chung tay xây dựng lại quê hương. Giờ ngẫm lại vẫn thấy mình may mắn vì vẫn còn sống trên cõi đời này, được sống trong cảnh thanh bình khi nhiều đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh…” - ông tâm sự.
“Truyền lửa” dân ca cho thế hệ trẻ
Đất nước yên bình, ông tiếp tục gắn bó với ngành văn hóa cùng những làn điệu dân ca mượt mà sâu lắng. Những người trẻ tuổi yêu thích dân ca thường tìm đến ông để được chỉ bảo từng lời ca, cách ngắt nhịp, nhấn nhá theo những nốt nhạc. Ông đạp xe tìm đến những bậc cao niên sưu tầm, ghi chép những bài dân ca cổ đang tản mát giữa chốn nhân gian. Đêm khuya vắng ông lại cặm cụi sáng tác để phục vụ công chúng, dù chẳng được nhận tiền bản quyền, “miễn là có nhiều người hát và yêu thích dân ca là vui lắm rồi”.
Cuộc sống khó khăn, ông phải nghỉ việc khi đang giữ chức Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Phổ để cùng vợ lo “cơm áo” cho 5 con thơ. Dẫu vậy, ông vẫn tiếp tục sưu tầm, sáng tác và hướng dẫn kỹ năng ca hát miễn phí cho những người yêu thích làn điệu dân ca. “Dân ca khu 5 chỉ cần luyện tập trong thời gian ngắn là biết hát, nhưng muốn hát hay thì phải có năng khiếu và cần mẫn luyện tập trong thời gian dài. Giờ đời sống văn hóa phong phú hơn trước, thế hệ trẻ không còn say mê dân ca như trước. Vậy nên tôi sẵn sàng hướng dẫn miễn phí để các em yêu thích, chung sức giữ gìn những làn điệu dân ca mang nét đặc trưng của quê hương…” - ông bày tỏ.
Nhiều bài hát ông sáng tác, hướng dẫn tập luyện được những nhà chuyên môn đánh giá xuất sắc và đoạt giải cao. Trong đó phải kể đến tác phẩm Đặng Thùy Trâm - Chị còn sống mãi (ngợi ca về người anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm) đoạt giải A tại hội thi thông tin lưu động khu vực các tỉnh phía Nam. Hàng trăm tác phẩm của ông gồm các thể loại: Kịch dân ca, kịch nói, tiểu phẩm dân ca, thơ, tân nhạc… luôn mang hơi thở cuộc sống, những vấn đề “nóng” của đất nước và quê hương...
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ông viết tác phẩm “Nghĩa tình đồng đội” ca ngợi sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ và nỗi đau của người thân nơi dương thế. Những lời ca về nỗi lòng người mẹ liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt của con nghe nhói lòng: “… Từng dòng nước mắt tuôn trào tuôn, tuôn trào tuôn/Ngóng trông con từng giây phút/Vẫn không biết con nơi nào/Thân xác con chôn vùi, nơi nào hỡi con?/Con đang ở nơi nào?...”.
“Tôi đã gắn bó và được anh Khánh chỉ bảo hát dân ca đã hơn 30 năm qua. Anh rất nặng lòng với những làn điệu dân ca cho dù cuộc sống gia đình vẫn còn nhiều khó khăn. Những sáng tác của anh luôn mang tính thời sự nên đạt được nhiều giải cao. Vì thế, nhiều đơn vị đến nhờ anh sáng tác và hướng dẫn tập luyện để tham dự các hội diễn, hội thi do các cấp tổ chức” - ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Phổ - cho biết.
Khi có người nhờ viết tác phẩm và dàn dựng vở diễn, ông Khánh lại cặm cụi sáng tác bên chiếc máy vi tính cũ kỹ rồi mang đến tận nơi chỉ dẫn từng lời ca, tiếng nhạc. Khoản tiền thù lao ông nhận được chỉ “đưa ít hay nhiều cũng được, miễn các em thích hát dân ca là vui rồi”.
“Gần 20 năm qua, tôi thường được các cơ quan, đơn vị mời vào đội văn nghệ khi họ tham gia các hội thi, hội diễn nên được chú Võ Duy Khánh hướng dẫn tận tình cách hát dân ca. Chú ân cần chỉ bảo cặn kẽ từng động tác diễn xuất nên các tiết mục do chú sáng tác và dàn dựng thường được giải cao. Lớp trẻ chúng tôi luôn quý trọng chú ấy vì thời buổi bây giờ hiếm có người như vậy lắm” - anh Lê Hoàng Nhân (ở xã Phổ Nhơn, Đức Phổ, Quảng Ngãi) tâm sự.
Ông Khánh sử dụng khá thành thạo nhiều loại nhạc cụ: Guitar, đàn nhị, măng cầm… Ông vui vẻ ôm đàn, say sưa hát khi có người nghe. Niềm đam mê dân ca của ông truyền sang cả người vợ chân quê quanh năm dãi dầu mưa nắng. Giữa giấc ngủ mơ màng, ông bật dậy bước đến bên chiếc máy vi tính, bà lặng lẽ pha cho ông ly trà nóng rồi trở về giường nằm thao thức chờ trời sáng.
“Vợ tôi không biết sáng tác và cũng chẳng biết hát, nhưng khi tôi hát cho nghe thì bả cũng biết khen hay hoặc góp ý những chỗ chưa đạt để tôi chỉnh sửa hoàn thiện hơn. Vậy là hạnh phúc lắm rồi” - ông bộc bạch. “Phải có năng khiếu mới viết được chú à! Khi thấy ổng cặm cụi bên máy vi tính thì tôi vui lắm, ráng sức làm mọi việc để ổng yên tâm mà viết” - bà Trần Thị Tiền - vợ ông - hạnh phúc nói.
Hữu Nhân/laodong