(GLO)- Trở về sau chiến tranh với những thương tật trên cơ thể nhưng thương binh Nguyễn Xuân Thủy (thôn Mỹ Thạnh 2, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) vẫn vượt qua mọi khó khăn, tích cực cống hiến cho công tác xã hội ở địa phương.
Năm 1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Nguyễn Xuân Thủy lên đường nhập ngũ. Đến năm 1982, ông về công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Sê rồi giữ chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Sê từ năm 1988. Năm 2002, khi vừa nghỉ hưu, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Sê. Đến năm 2006, ông Thủy rời Hội Cựu chiến binh huyện và được bầu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê.
Ông Thủy thường xuyên đi thăm hỏi các gia đình nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: M.K |
Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Thủy cố gắng làm lụng để nuôi 2 người con bị di chứng chất độc da cam khôn lớn. “Di chứng da cam dai dẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ bố mẹ sang con, sang cả cháu… Có những đứa bé vừa mới chào đời đã mang trên mình dị dạng bẩm sinh, có nạn nhân đã chết, có người vẫn tồn tại cho đến hôm nay nhưng quằn quại trong nỗi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Những ông bố, bà mẹ đầu bạc trắng vẫn miệt mài chăm bẵm cho những đứa con bị dị tật… Chính điều này đã khiến tôi luôn day dứt, trăn trở. Bởi vậy, tôi tham gia Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của huyện để góp sức chăm lo cho cuộc sống của những người kém may mắn như tôi và các con tôi”-ông Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.
Toàn huyện Chư Sê hiện có 485 gia đình với trên 600 người là nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 70 gia đình có từ 2 đến 4 nạn nhân; nạn nhân là người hoạt động kháng chiến có 348 người. Phần lớn gia đình nạn nhân chất độc da cam khó khăn về đời sống và nhà ở. Làm theo lời dặn của Bác: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, nhân dân, cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”, trong những năm qua, đối với nạn nhân là người hoạt động kháng chiến, cá nhân ông Thủy và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê luôn tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho họ. Ngoài ra, ông còn thường xuyên đi thăm, giúp đỡ gia đình những nạn nhân da cam. Hàng năm, ông tích cực đi vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp cho quỹ chăm sóc nạn nhân chất độc da cam của Hội. Riêng trong 2 năm (2015-2016), Quỹ “Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam” của huyện Chư Sê đã vận động được gần 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, để giúp đỡ gia đình nạn nhân chất độc da cam có thêm việc làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống, Hội đã triển khai chương trình hỗ trợ vay vốn. Từ năm 2015 đến nay, đã có 36 gia đình nạn nhân chất độc da cam được hỗ trợ vay vốn sản xuất, chăn nuôi, trong đó có 19 gia đình được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi bò. Đến cuối năm 2016, có 7 gia đình nạn nhân chất độc da cam thoát nghèo bền vững. Hội cũng đã hỗ trợ 155 triệu đồng làm mới 3 căn nhà cấp IV cho gia đình nạn nhân chất độc da cam.
Nhắc đến ông Nguyễn Xuân Thủy, cán bộ, đảng viên và người dân huyện Chư Sê luôn dành những lời ngợi khen về một tấm gương thương binh vượt khó, gương mẫu, luôn tận tụy với công tác xã hội ở địa phương. “Ông Thủy là người sống rất tình cảm, luôn tìm mọi cách tốt nhất để hỗ trợ và giúp đỡ những gia đình khó khăn. Nhà tôi có tới 5 người bị nhiễm chất độc da cam nên luôn được ông Thủy quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ”-bà Võ Thị Xô (tổ dân phố 10, thị trấn Chư Sê) cho biết.
Mai Ka