Phóng sự - Ký sự

Người trải qua ba cuộc chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù đã bước sang tuổi 85 nhưng ông Nguyễn Văn Thạnh (thôn Grang I, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) vẫn không thể nào quên được từng cuộc chiến mà mình đã trải qua. Những tháng ngày kháng Nhật, chống Pháp rồi đến diệt Mỹ cứ lần lượt đi qua đời ông, khó khăn vô vàn nhưng ông vẫn một lòng sắt son với cách mạng.
 

.
Ông Nguyễn Văn Thạnh. Ảnh: Phương Linh

Ông Thạnh sống cùng vợ trong một ngôi nhà nhỏ, hai bên cổng có hàng cau xanh rờn dẫn lối. Đón chúng tôi ở thềm hè, vừa nghe nhắc tới chiến tranh, ông Thạnh buông thõng người ngồi xuống, giọt lệ chực trào ra nơi khóe mắt, ông nói: “Tôi trải qua ba cuộc chiến chứ đâu phải chỉ hai. Không hiểu sao may mắn vẫn sống đến giờ này...”.

Bằng chất giọng Huế quê hương, ông Thạnh kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện chắp nối về cuộc đời cách mạng của mình. Quê ông ở huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên-Huế). Nhà ông ngày đó nghèo lắm nên từ năm 14 tuổi, ông Thạnh đã phải đi chăn bò cho nhà lý trưởng. Thời gian ấy, cao trào kháng Nhật đang được phát động mạnh mẽ, tiến tới tổng khởi nghĩa, lực lượng Việt Minh vẫn thường về đóng quân ở các nhà dân. Cậu bé Thạnh khi ấy hay giúp các bà, các mẹ nấu cơm cho bộ đội, tình cảm với cách mạng cũng bắt đều nhen nhóm từ đó. Một ngày nọ, ông trốn gia đình ra Bắc, xin đi làm vận tải gạo lên chiến trường, tìm cách để được đi theo kháng chiến. Về sau, quá trình chiến đấu gian khổ, đơn vị ông đóng quân bị vỡ cơ sở, anh em mỗi người mỗi ngả.

Những ngày cả nước đánh Pháp, ông Thạnh trở về quê hương. Khoảng năm 1948, ông tham gia đánh giặc ở mặt trận Bình-Trị-Thiên, đơn vị của ông lúc đó thuộc đại đội 33 (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế). Những ngày tháng chống Pháp với ông vô cùng gian khổ. “Lúc đó, vũ khí chưa có, lực lượng mỏng lại không có kinh nghiệm chiến đấu nên khó lại thêm khó”-ông Thạnh nhớ lại. Nhưng rồi ông lại quả quyết: “Đói mấy cũng được, rách mấy cũng được. Chết thì thôi chứ tôi phải đánh tới cùng”. Cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi, ông lại lên đường, vào chiến đấu chống Mỹ ở mặt trận Đak Tô-Tân Cảnh (Kon Tum). Khoảng những năm 1965, các chiến địa bỏng rát vì đạn bom, đơn vị của ông lùi sâu vào trong rừng, suốt 3 tháng liền phải ăn lõi cây cầm cự vì thiếu lương thực. Thế rồi, vẫn bằng một niềm tin mãnh liệt vào Đảng, vào cách mạng, dù cho Mỹ có phương tiện chiến đấu hiện đại gấp nhiều lần song vẫn không khuất phục được ý chí đánh thắng giặc của người lính này. Hòa bình lập lại, ông chuyển công tác về Tiểu đoàn 30 (Quân khu 4), rồi Trợ lý chính sách cho Tổng cục Chính trị. Sau đó, ông trở về quê hương rồi theo con vào Tây Nguyên sinh sống đến bây giờ.

 

Huân chương duy nhất ông giữ lại được cho đến bây giờ. Ảnh:Phương Linh

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, mỗi lần nhắc đến đồng đội, ông Thạnh lại không ngăn được cảm xúc, giọng ông run lên, ngập ngừng, ngắt quãng, đôi mắt ngấn lệ. Nhiều đồng đội của ông chịu cảnh đói khát, lại phải chiến đấu với bệnh sốt rét, rồi đạn bom khốc liệt nên đã vĩnh viễn nằm lại. Ông nói: “Đồng đội tôi mất nhiều quá, không hiểu sao tôi lại may mắn sống đến bây giờ. Có lẽ do khổ cực từ nhỏ nên tôi mới vượt qua được hết những năm tháng ấy”. Ông cũng đã từng trở lại thăm chiến trường Đak Tô-Tân Cảnh năm nào, nhìn nơi đây nhiều đổi khác song ông vẫn không giấu được nỗi buồn khi không có đồng đội cùng chứng kiến. Trong những mảnh ký ức còn lại, người đồng đội tên Dậu-hiện đang công tác tại Quân khu 9 là người ông nhắc đến nhiều nhất. “Cậu ấy với tôi cùng được kết nạp Đảng một ngày, sau lại cùng nhau làm lính công binh. Cả đơn vị ai cũng quý cậu ấy vì rất tốt bụng, sẵn sàng hy sinh vì bạn bè, có điều không chịu lấy vợ. Trước vẫn thường liên lạc nhưng nhiều năm nay cũng thưa dần, giờ không biết cậu ấy thế nào”- ông Thạnh bồi hồi nhớ lại.

Mặc dù trải qua bao ngày tháng mưa bom, bão đạn, điều chúng tôi thấy rõ nhất qua câu chuyện chắp nối của ông Thạnh chính là tình yêu mãnh liệt đối với cách mạng. Từ một cậu bé nhà nghèo đi chăn bò thuê, ông Thạnh tìm đường đến với cách mạng, tự dấn thân mình vào chỗ nguy hiểm, nơi cái chết luôn kề cận. Ông quả quyết: “Tôi chỉ theo một con đường thôi, đường cách mạng. Có chết thì thôi chứ quyết không bỏ”. Tinh thần ấy không phải đến bây giờ ông mới nhắc đến, mà đã được ông khẳng định trong câu thơ viết gửi cho vợ khi còn đang ở chiến trường: “Bao giờ thống nhất non sông/Bắc Nam một khối hãy trông anh về”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm