Phóng sự - Ký sự

Người trẻ lên non - Kỳ 1: Nông nghiệp dưới tán rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều người trẻ rời thành phố phồn hoa, ồn ào, tìm về với thiên nhiên để làm chủ chính mình. Họ mang theo những khát khao xây dựng giấc mơ trên con đường riêng, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương và tạo sinh kế cho người dân.
Anh Dũng (thứ 2 phải qua) chia sẻ về mô hình cà phê vườn rừng.

Anh Dũng (thứ 2 phải qua) chia sẻ về mô hình cà phê vườn rừng.

Tuổi trẻ có máu lửa nhưng thời gian có hạn. Để trả lời câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí có phù hợp làm nông nghiệp không, chàng trai vùng sâu tỉnh Đắk Lắk bỏ ngang sự nghiệp đang trên đà thăng tiến tại một công ty lớn, về quê hương và bắt đầu với cây cà phê...

Thuận tự nhiên

Một sớm mùa khô, khi cái lạnh còn luồn trong gió, nhóm bạn gọi điện rủ tôi đi trải nghiệm cà phê vườn rừng. Nghe tên kích thích sự tò mò, tôi mang theo nhiều câu hỏi trên chặng đường hơn 50km từ TP Buôn Ma Thuột đến nông trại bền vững iForest của anh Nguyễn Tuấn Dũng (SN 1992, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk).

Trước mắt chúng tôi là khu vườn ẩn mình dưới tán cây mát rượi, hàng cà phê xanh mơn mởn xen lẫn các loại cây trồng và thảm thực vật phong phú. Mọi người thắc mắc cà phê vườn rừng là gì? Anh Dũng chia sẻ: “Tôi trồng xen cà phê với các loại cây trong vườn. Mô phỏng một khu rừng thu nhỏ đa dạng về tầng tán, sinh học, nguồn thu trong vườn. Sản phẩm an lành không can thiệp hóa chất, cây trồng tạo ra giá trị. Tuỳ thời điểm, từng loại cây cho thu hoạch sản phẩm khác nhau”.

Anh Dũng ôm một “lô” đồ nghề gần chục món đặt trên chiếc bàn ở giữa khu vườn. Dưới bàn tay điêu luyện của anh bạn có gần chục năm trong ngành pha chế cho ra bình cà phê màu nâu đen nguyên chất. Hương toả ra, tôi cảm nhận chút hương sôcôla và caramen...Anh Dũng cho biết, 70-80% tiền hương vị được quyết định từ khâu canh tác, nên nông trại iForest rất chú trọng khâu này để đưa ra chất lượng sản phẩm tốt.

Dưới bầu không khí trong lành, câu chuyện bén duyên với cà phê vườn rừng của anh Dũng dần được hé mở. Sinh ra lớn lên ở vùng đất này. Sau khi học Sài Gòn và làm việc ở Nhật Bản, trong anh luôn thường trực suy nghĩ trở về quê hương.

“Sau 2 năm làm việc ở Nhật, tôi tiếp tục được sếp cử đi nước này. Đó là cơ hội thăng tiến của bản thân. Chính lúc này, tôi bắt đầu băn khoăn, câu hỏi có phù hợp quay về làm nông nghiệp không. Tuổi trẻ có máu lửa nhưng thời gian có hạn. Nếu không quay trở về thử thì không trả lời được câu hỏi ấy. Tôi quyết định nộp đơn nghỉ việc”, anh Dũng nói.

Sau đó, anh Dũng xin vào nông trại của người Nhật Bản trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột trải nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ và nhận ra mình phù hợp với lĩnh vực này. Khi lựa chọn quay về, anh tự hỏi làm gì bây giờ, nông nghiệp nhiều thứ, trồng rau chưa hẳn. Trước đây khi ở Nhật Bản, anh chứng kiến vào mùa đông người ta trồng rau, cây ở trong nhà, ở mảnh đất này quanh năm có thể canh tác, tuỳ loại cây theo thời vụ để có thu hoạch.

Năm 2013, anh quen một người trong ngành cà phê, được trải nghiệm, ngửi mùi, uống tại chỗ. “Lúc này thấy cà phê tuyệt vời, khác hẳn ngày bé mình làm”, anh Dũng thốt lên. Anh bỏ ra 250 nghìn đồng mua 200gram cà phê, thời điểm đó và thấy chất lượng rất xứng đáng. “Ngày nhỏ, tôi thường theo bố mẹ lên rẫy thu hoạch cà phê. Đây không phải là thức uống tôi thích nhưng nó không chỉ là thức uống đậm đắng mà thiên về trải nghiệm như 1 ly rượu vang”, anh bộc bạch.

Anh bắt đầu gieo duyên dần với cà phê, kết bạn các anh chị trong ngành để tìm hiểu. Khi dịch COVID-19 bùng phát, mọi người chú trọng sức khỏe và nhìn ra nhiều vấn đề. Anh Dũng đã hiện thực hóa ý tưởng mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên của mình ngay trong rẫy cà phê gia đình.

Anh Dũng (phải) giới thiệu các loại cây.

Anh Dũng (phải) giới thiệu các loại cây.

Bước ra khỏi văn phòng quay về làm nông nghiệp như trang giấy trắng. Ở đây, người dân canh tác thông thường sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật để cây cà phê phát triển tốt, cho năng suất cao. Nhưng về lâu, phương thức canh tác này khiến giảm độ PH đất, giết vi sinh vật gây nên hệ lụy mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cà phê. Anh Dũng cùng bạn đồng sáng lập nông trại iForest chung ý tưởng, chung niềm tin về sản phẩm sạch. Hai anh em bàn bạc nên chuyển đổi ngay hay tiệm cận, tiệm cận sẽ kéo dài 5-6 năm. Khi xác định làm nông nghiệp sạch, hai anh em đã có sự chuẩn bị kinh tế, kỹ thuật, có lộ trình nên quyết định chuyển đổi ngay.

Bên anh đưa ra sản phẩm và kể câu chuyện truyền thông trong suốt quá trình làm, đến sản phẩm cuối cùng mới kể câu chuyện bán. Theo anh Dũng, lộ trình trong những năm tới sẽ hoàn thiện chính mình trước, vừa phải đảm bảo về chất lượng, năng suất, để ổn định tạo sinh kế cho mình. Sau đó, cùng với bà con phát triển mô hình này.

Anh Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Cty TNHH iForest chia sẻ, cây cà phê trồng dưới tán rừng, chất lượng hạt mới là thứ đem lại sự khác biệt. Nó tạo ra một lợi thế cạnh tranh tốt về giá cả. Làm cà phê theo hướng này được 5 năm, lần đầu tiên, anh tham gia thi cà phê đặc sản. Mang 700kg cà phê mùa vụ năm 2022 đến cuộc thi, sản phẩm của anh đạt 82.5 điểm, lọt top 15 cuộc thi cà phê đặc sản.

Khu vườn đa tầng tán

Trong 4 khu vườn với hơn 6 héc-ta của gia đình, thay vì mở rộng diện tích canh tác theo chiều ngang, anh Dũng phát triển phân tầng cho cây theo chiều cao. Anh kế thừa những cây rừng có sẵn trong vườn như bình linh, me rừng...Theo lộ trình anh đã trồng thêm sầu riêng, bơ, tiêu, chuối, cỏ vetiver,... tăng độ che bóng và mô phỏng cà phê vườn rừng.

Những hạt cà phê được phơi trong nhà kính.

Những hạt cà phê được phơi trong nhà kính.

Khi trồng cây xen kẽ, anh xác định một số loại cây như cỏ vetiver rễ rất sâu lấy nước từ tầng đất sâu bổ trợ cho cây trồng chính. Cây già được anh chặt làm phân bón. Chuối bổ sung lượng kali nhiều, anh khống chế 1 bụi 3 cây, nhiều hơn chặt bỏ, dùng thân chuối ứng dụng vi sinh ủ xịt bón lá. Theo anh Dũng, trồng chuối vừa có trái thu, kéo chim chóc về, bổ trợ lượng thiên địch. Cây sầu riêng có châu chấu, cào cào ăn lá, có chim làm thiên địch. Vườn cà phê trở thành môi trường sống của nhiều loại côn trùng, đặc biệt là kiến vàng, anh không diệt hoàn toàn, vì loài này bổ trợ cho cây có múi.

“Chú trọng chất lượng sẽ chịu giảm một phần năng suất trong thời gian đầu. Sau đó theo lộ trình đưa về giai đoạn ổn định. Song song trong giai đoạn đa dạng những nguồn thu nuôi sống nông trại như là trồng các loại cây. Hướng đi này không chỉ thu cà phê mà còn thu các loại cây theo từng giai đoạn. Mặc dù là cây trồng chủ lực nhưng lại có tính cộng sinh trong cái phức hợp giống như tán rừng thu nhỏ”, anh Dũng chia sẻ.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm