Phóng sự - Ký sự

Người Việt làm thuê ở Malaysia - Kỳ 2: Những cô dâu Việt ở Malaysia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong hơn một thập kỷ qua, khi phụ nữ Malaysia ngày càng lấy chồng muộn hoặc thậm chí thích độc thân, nam giới nước này quay sang nước láng giềng tìm bạn đời, trong đó có phụ nữ Việt Nam.

Xu hướng đàn ông Malaysia tìm vợ Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ đầu những năm 2000 và nở rộ sau đó. Theo thống kê của Hãng thông tấn quốc gia Malaysia Bernama, năm 2001 chỉ có 28 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Malaysia nhưng đến năm 2005 con số này đã lên đến 1.185 trường hợp, tăng hơn 42 lần.

 

Tác giả bài viết (thứ ba từ trái) chụp ảnh chung với bốn cô dâu Việt tại Malaysia cùng thân nhân.
Tác giả bài viết (thứ ba từ trái) chụp ảnh chung với bốn cô dâu Việt tại Malaysia cùng thân nhân.

80% lấy chồng qua môi giới

Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết hiện chưa có con số thống kê chính thức bao nhiêu phụ nữ Việt lấy chồng Malaysia vì nhiều phụ nữ Việt Nam bị lừa hoặc sang đây theo đường du lịch để kết hôn với người Malaysia mà không thông báo với sứ quán hoặc các quan chức nhập cư của nước sở tại. Phần lớn những cuộc hôn nhân này xuất phát từ môi giới hoặc mai mối nên thường có kết cục không hạnh phúc và nảy sinh nhiều hệ lụy pháp lý.

Chiều 2-4, tại quán ăn Việt Nam của chị Ngô Thị Hà ở làng Batu Kapar, một địa điểm tập trung phổ biến của cộng đồng người Việt ở thành phố Klang, chúng tôi bắt gặp rất nhiều phụ nữ Việt Nam rất trẻ đang chăm sóc con nhỏ. Năm cô dâu Việt mà chúng tôi trò chuyện đến từ Thái Nguyên, Thái Bình, Đồng Nai, TP.HCM... đều lấy chồng Malaysia gốc Hoa thông qua sự giới thiệu của những phụ nữ Việt Nam trong cộng đồng. Phần lớn cô dâu Việt này ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái để chồng đi làm kiếm tiền.
 

Chị Ngô Thị Hà (40 tuổi) kết hôn với một người Malaysia gốc Hoa góa vợ, hơn chị 20 tuổi. Chị Hà là một trong những cô dâu Việt may mắn khi được chồng thương yêu và san sẻ công việc. Chồng chị vốn làm việc cho một công ty máy tính, nhưng sau khi lấy chị Hà, ông bỏ hẳn việc để phụ giúp vợ trông nom quán ăn.

Người phụ nữ quê Thái Nguyên này vừa mới sinh một bé gái (đã được 6 tháng tuổi) cho biết hai vợ chồng độc lập về tài chính nhưng sẽ cùng nhau góp một khoản tiền vào ngân hàng để trao lại cho con gái khi 18 tuổi. “Chồng tôi có nói rằng tiền bạc không quan trọng vì nếu tôi bỏ ảnh để về Việt Nam là xem như ảnh tay trắng” - chị Hà nói với đôi mắt lấp lánh hạnh phúc.

Trong khi đó, một phụ nữ Việt lấy chồng Malaysia xin giấu tên tiết lộ với chúng tôi rằng gia đình cô được trả 13.000 ringgit (hơn 66 triệu đồng) cho cuộc hôn nhân với một người Malaysia gốc Hoa. Theo Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam tại Malaysia, 80% phụ nữ Việt Nam lấy chồng Malaysia thông qua mai mối và môi giới, trong đó phần lớn là kết hôn với đàn ông Malaysia gốc Hoa.

Không may mắn như chị Hà, những cuộc hôn nhân “không tình yêu” khác thường có kết cục bất hạnh. Có người bị bán cho những ông chồng già, có người phải ôm con chạy trốn, có người phải sống cam chịu do bất đồng văn hóa, ngôn ngữ khó chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau.

Lý giải về lý do tại sao đàn ông Malaysia gốc Hoa thường chọn vợ Việt, chị Nguyễn Thị Bích Phương, đại diện Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam tại Malaysia, nói: “Đàn ông Malaysia gốc Hoa bên này thích vợ Việt vì con gái Trung Quốc ở đây đặt ra yêu cầu rất cao về mẫu người họ sẽ lấy làm chồng. Những người lấy vợ Việt Nam thường có lương thấp hoặc công việc không ổn định”.

Về số lượng phụ nữ Việt lấy chồng gốc Malay theo đạo Hồi, chị Phương cho biết là rất ít, trừ khi phụ nữ Việt Nam chịu theo đạo Hồi hoặc hai bên đến với nhau bằng tình yêu thực sự. Trong số này có chị Trúc Linh ở Ampang, bang Selangor. Vợ chồng chị gặp nhau cách đây 10 năm khi chị Linh đang là sinh viên một trường du lịch ở Vũng Tàu, còn chồng chị làm việc cho một công ty dầu khí Malaysia tại Vũng Tàu. Sau bốn năm tìm hiểu và yêu nhau, hai người đi đến hôn nhân.

Chị Linh cho biết khi quyết định tiến tới hôn nhân với chồng, bản thân chị phải tự điều chỉnh và thực hiện nhiều thay đổi. Ví dụ như chị buộc phải theo đạo Hồi, không được ăn thịt heo và phải ăn mặc kín đáo. Chị Linh kể phải mất hơn một năm chị mới quen dần với những món ăn Malay dành cho người đạo Hồi.

“Dù khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ, nhưng tôi cho rằng trong bất kỳ cuộc hôn nhân nào, bí quyết để giữ gìn tổ ấm là cả hai vợ chồng cùng phải điều chỉnh, tôn trọng, chia sẻ và yêu thương lẫn nhau” - chị Linh nói.

Các hệ lụy pháp lý

 

Chị Ngô Thị Hà (đứng) phục vụ khách tại quán ăn của gia đình ở làng Batu Kapar, thành phố Klang. Đa số phụ nữ Việt lấy chồng Malaysia gốc Hoa.
Chị Ngô Thị Hà (đứng) phục vụ khách tại quán ăn của gia đình ở làng Batu Kapar, thành phố Klang. Đa số phụ nữ Việt lấy chồng Malaysia gốc Hoa.

Tuy nhiên, sau nhiều năm chung sống, năm ngoái chồng chị Linh bị đột tử, để lại chị và hai con nhỏ, một bé trai 5 tuổi và một bé gái 6 tuổi. Chưa hết đau buồn vì chồng mất, chị lại phải đối diện với những vấn đề pháp lý phức tạp.

“Lúc chồng tôi còn sống, tôi cứ lần lữa mãi mà chưa nộp đơn xin thường trú nhân. Sau khi chồng qua đời, bộ phận phụ trách nhập cư của Malaysia cắt hết quyền nộp đơn xin PR của tôi. Thậm chí họ còn nói tôi may mắn vì hai con có quốc tịch Malaysia, nếu không thì tôi cũng phải "biến" về nước rồi” - chị Linh thở dài.

Chị Linh bây giờ phải làm lại visa tạm trú từng năm một dưới sự bảo trợ của Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam tại Malaysia, với mức phí 1.500 ringgit/năm (khoảng 7,7 triệu đồng).

Chị Trúc Linh còn kể với chúng tôi những hệ lụy pháp lý khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi mà nhiều cô dâu Việt đã gặp phải khi kết hôn với người gốc Malay theo đạo Hồi. “Phụ nữ Việt Nam biết rõ là đàn ông Malay theo đạo Hồi được quyền lấy bốn vợ, thế nhưng họ vẫn chấp nhận làm “vợ hờ” của những người này và sinh ra những đứa con ngoài giá thú. Những đứa con ngoài giá thú này không có quyền lợi như những đứa trẻ khác như đi học và nhận dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí của nhà nước” - chị Linh cho biết.

Ngoài ra, chị Linh cho biết theo đạo Hồi, nếu vợ chủ động đòi ly dị chồng thì người vợ không có quyền phân chia tài sản và giành quyền nuôi dưỡng con cái.

Chị Nguyễn Thị Bích Phương đưa ra những khuyến cáo đối với phụ nữ Việt Nam rằng trước khi quyết định lấy chồng nước ngoài hoặc qua đất nước của chồng sinh sống, điều đầu tiên là cần nắm rõ pháp luật của nước sở tại. Chị nói: “Mình là người nước ngoài, do đó vấn đề pháp lý rất quan trọng. Nếu mình nắm bắt vững thì không ảnh hưởng đến bản thân và biết cách đòi hỏi quyền lợi cho bản thân khi có chuyện không may xảy ra...”.

Chị Phương cũng cho biết đa số phụ nữ Việt Nam lấy chồng Malaysia thường liên hệ với Câu lạc bộ phụ nữ để tư vấn pháp lý. Họ thường hỏi các vấn đề như xin thường trú nhân sau khi kết hôn, được và mất gì sau khi ly hôn, quyền được nuôi con sau khi ly hôn, vấn đề visa sau khi ly hôn hoặc khi chồng mất.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm