Thời sự - Bình luận

Nguồn nhân lực cho kinh tế số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thử đặt ra một mô hình giả định có tính lý tưởng để ứng phó với môi trường sống đang bị đe dọa bởi các mầm bệnh dịch: đó là thông qua Tổ chức Trao đổi thông tin y tế (HIE - Health Information Exchange) - nơi quản lý các nguồn cung cấp dữ liệu, phân tích y tế, các nhà cung cấp thuộc Tổ chức Chăm sóc trách nhiệm (ACO - Accountable Care Organization) với các gói chăm sóc y tế, sức khỏe dự phòng, khách hàng - người bệnh (trả tiền) và dược sĩ sẽ được kết nối mạng.

Các bệnh viện, cơ quan y tế theo dõi “cung đường” kết nối này để nắm bắt các biểu hiện dịch tễ ở vùng nguy cơ, hay khu bùng phát dịch bệnh, xác định nguồn lây lan để từ đó nhanh chóng định vị các biện pháp cách ly, giãn cách, phong tỏa.

Từ năm 2011, việc tích trữ nguồn dữ liệu theo thời gian thực (real-time), sử dụng chúng một cách sáng tạo và hữu hiệu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đã giúp nước Mỹ vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả khám chữa bệnh, vừa tiết kiệm đến 300 tỷ USD/năm. Dữ liệu lớn đã trở thành nguồn tri thức lớn, là nguồn gốc của mọi yêu cầu đổi mới, sáng tạo.

Không ai khác ngoài con người sở hữu tri thức; nắm bắt, phân tích và sử dụng nguồn dữ liệu; vận dụng, kết nối các dữ liệu và quy trình kỹ thuật công nghệ để đi tới sáng tạo, tạo ra thành phẩm. Vì vậy, để khởi động cuộc chuyển đổi số đúng cách, phát triển kinh tế số nền tảng, bài bản, vận hành thông suốt, khoa học, hiệu quả, chúng ta cần đội ngũ con người thực sự làm chủ cuộc cách mạng 4.0 này.

Thực tế, Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, vẫn tồn tại 2 nhận thức chưa chuẩn xác về bản chất của chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Đó là, hiểu chuyển đổi số là tin học hóa hoạt động hiện tại với các phần mềm để quản lý công việc theo quy trình hiện tại và/hoặc giao dịch theo quy trình trực tiếp được chuyển đổi thành trực tuyến; đưa công nghệ vào ứng dụng chính là chuyển đổi số.

Cả 2 cách hiểu đơn giản này đã dẫn đến quá trình chuyển đổi số tập trung gần như hoàn toàn vào việc đầu tư phần cứng (vốn rất đắt tiền và dễ lạc hậu), đầu tư phần mềm theo quy trình có sẵn hiện nay. Hậu quả là các hoạt động mang tính đổi mới, sáng tạo, thay đổi mô hình quản lý/kinh doanh mới chưa được xem là điều kiện cốt lõi của chuyển đổi số.

Trong khi, bản chất, chuẩn xác của chuyển đổi số là tái định hình cách kết hợp con người, dữ liệu và quy trình để tạo ra giá trị. Tầm nhìn và chiến lược đang dẫn dắt chuyển đổi số - như nhiều khuyến nghị của các chuyên gia và nhà khoa học.

Ở tầm chiến lược quốc gia và thành phố, giống như ở hầu hết các nước, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng số và cách thức chuyển đổi số gắn với các ngành ưu tiên công nghệ. Trong từng bước đi chiến thuật, chắc chắn phải lập thành các cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số (như Thái Lan có Ủy ban về dữ liệu lớn, Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây để chỉ đạo 20 bộ chuyển đổi số; Malaysia thành lập bộ phận trao đổi phân tích dữ liệu ASEAN…), hỗ trợ chuyển đổi số tập trung vào doanh nghiệp sản xuất (với “thể trạng” của Việt Nam thì từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội để tiến tới thực hiện chuyển đổi số).

Và để làm chủ nguồn dữ liệu thông tin - tri thức, các “chủ nhân” phải thật sự hiểu và nắm bắt nó chuẩn xác. Trước mắt, cần tiến hành ngay các khóa chuyên sâu dành cho đội ngũ chuyên gia kỹ thuật phụ trách chuyển đổi số của các sở ngành, quận huyện. Đánh giá nhu cầu nhân lực ở cấp chuyên gia của khu vực công, có chính sách đào tạo các chuyên gia hiện hành của khu vực công ở nước ngoài hoặc cập nhật kiến thức chuyên môn chuyên sâu ở nước ngoài hoặc trong nước (công nghệ, quản lý…).

Về dài hạn, chúng ta cần nhanh chóng xây dựng và ban hành chiến lược phát triển nhân lực số của thành phố có tính khả thi cao với lộ trình, kinh phí cụ thể. Mà một trong số ấy là tìm mọi cách hữu hiệu nhất để quy tụ tài nguyên - chuyên gia trí thức tại chỗ cùng với tháo gỡ các điểm nghẽn để kết nối - hợp tác với nguồn lực nhân sự nước ngoài đa dạng, linh hoạt cơ chế “bán thời gian”, “từ xa” hoặc theo từng mục tiêu/dự án nhất định.

Một “vĩ thanh” cho cách thức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (không chỉ phục vụ mục tiêu chuyển đổi số, kinh tế số) cho những ngành trọng điểm của thành phố, là ngoài chính sách đãi ngộ, quan trọng hơn chính là hệ sinh thái làm việc, biên độ sáng tạo, theo đuổi mục tiêu và cách bảo vệ, trọng dụng người tài, người có tri thức - kỹ năng chuyên môn cao.

Hỗ trợ (phát hiện) nhân tài; thu hút nhân tài; bồi dưỡng nhân tài và giữ được nhân tài (4 tiêu chí của Báo cáo đánh giá mức độ cạnh tranh về nhân tài trên toàn cầu - Global talent competitiveness index) là điều kiện cần và đủ để tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, nhân lực số nói riêng cho TPHCM trong giai đoạn phát triển sắp tới.

Theo TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm