Rừng vẫn tiếp tục teo tóp vì tình trạng lấn chiếm, xà xẻo đất rừng để lấy đất sản xuất, kinh doanh
Năm 2019, tỉnh Gia Lai đã lên kế hoạch thanh tra đối với 7 đơn vị quản lý rừng ở tỉnh này. Buộc phải thanh tra nhiều đơn vị như vậy khi các tổ chức được giao rừng để quản lý, bảo vệ nhưng lại liên tục để mất rừng. Trong vòng hơn 10 năm, tỉnh này đã mất khoảng 76.000 ha rừng. Chỉ mỗi Ban Quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ được giao quản lý, bảo vệ gần 15.000 ha đất rừng song chỉ trong vòng 8 năm đã để mất gần 9.000 ha, chiếm gần 2/3 diện tích đất rừng được giao.
Diện tích rừng ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đang bị lấn chiếm Ảnh: HOÀNG THANH
Tương tự như vậy với Công ty Lâm nghiệp Cư M’Lan ở huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Công ty này được tỉnh Đắk Lắk giao quản lý, bảo vệ hơn 14.700 ha đất rừng vào năm 2009, nhưng đến nay đã để mất hơn 10.500 ha, trong đó có hơn 1.500 ha rừng phòng hộ.
Hầu hết rừng ở các tỉnh nói trên được giao cho các công ty lâm nghiệp, ban quản lý bảo vệ rừng để bảo vệ thì đều bị mất. Tổ chức nào để mất ít thì vài trăm hecta, nhiều thì đến hàng chục ngàn hecta. Diện tích rừng Tây Nguyên bị mất giờ đây lên đến con số hàng trăm ngàn hecta. Hết đốn hạ, phát dọn thì bây giờ những kẻ phá hoại lại giở thêm các chiêu trò mới như bóc vỏ, ken cây, đầu độc để cây rừng bị chết rồi lấn chiếm đất.
Đã có không ít vụ tranh chấp từ việc lấn chiếm đất rừng dẫn đến đổ máu, tù tội, thậm chí phải đánh đổi bằng tính mạng như vụ tranh chấp giữa người dân xã Quảng Đức, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông với Công ty Long Sơn vào ngày 23-10-2016. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có lệnh đóng cửa rừng Tây Nguyên. Thế nhưng, tình trạng lấn chiếm đất rừng vẫn không dừng lại.
Theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất rừng. Trong đó, có tình trạng người dân di cư tự do lấn chiếm rừng để lấy đất sản xuất.
Liệu nhu cầu ấy có lớn đến mức phải lấn chiếm hàng trăm ngàn hecta rừng?
Dân số của Tây Nguyên năm 1976 là khoảng 1,2 triệu người, còn hiện nay là khoảng 6 triệu người, tăng gần 5 lần. Mức tăng này không vượt trội so với các vùng khác nhưng rừng ở đây thì mất nhiều nhất.
Đã có những ông trùm phá hoại rừng để chiếm đất bị bắt cho thấy việc lấn chiếm này trước hết là vì tư lợi của một số người. Trong khi đó, nói như lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, nhiều cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở chưa quan tâm, thực hiện đầy đủ trách nhiệm; chưa chỉ đạo quyết liệt trong quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp; chưa xử lý nghiêm một bộ phận cán bộ thiếu trách nhiệm, thậm chí tiêu cực, tiếp tay cho những người phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Vậy thì việc để mất đất rừng là điều khó tránh!
Buồn hơn, diện tích rừng bị mất nhiều nhưng diện tích thu hồi để trồng lại rừng thì rất ít. Qua giám sát về tình hình thu hồi đất rừng bị lấn chiếm, bà Ayun H’bút, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai, cho hay tỉnh này chỉ mới thu hồi để trồng rừng được hơn 10.700 ha trong tổng số 76.000 ha rừng bị mất, chiếm hơn 14%. Trong các nguyên nhân có lý do một số đơn vị chủ rừng chưa thực sự quan tâm, tích cực thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm.
Cứ đà này, sợ rằng đến một ngày danh xưng "đại ngàn" ở Tây Nguyên chỉ còn trong quá vãng!
Nhật Linh (Người Lao động)