Nguy cơ mất bóng kơ nia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mất hàng trăm năm mới có một cây kơ nia cổ thụ, không chỉ tỏa “bóng tròn che lưng mẹ”, bóng kơ nia đã che mát tâm hồn cho bao thế hệ người Tây Nguyên. Thế nhưng, ngay trên vùng đất Krông Pa được cho là nhiều “cây Tây Nguyên” nhất vùng Đông Nam của tỉnh, kơ nia đang dần vắng bóng vì bị triệt hạ bởi bàn tay con người.

“Kơ nia là một loại cây cô độc. Cho đến một ngày, có một người đến và hình như trong một lúc, một giây phút xuất thần, đánh thức nó dậy, từ trăm ngàn cây cỏ vô danh trở thành bất tử, trở thành biểu tượng của một thời chia cắt và thương nhớ Bắc-Nam. Người nghệ sĩ đã đánh thức dậy, đã “sinh ra” cho chúng ta cây kơ nia là Ngọc Anh”-nhà văn Nguyên Ngọc đã dành những lời cảm ơn ấy đối với nhà thơ Ngọc Anh-tác giả bài thơ “Bóng cây kơ nia” nổi tiếng, đã khiến cho một loài cây không hẳn vô danh như cách nói của nhà văn, trở thành biểu tượng của Tây Nguyên.   

Thương nhớ kơ nia

 

Nhiều kơ nia cổ thụ bị đốn hạ khiến kơ nia vắng bóng hẳn ở nhiều vùng đất. Ảnh: Đức Mạo

Thỉnh thoảng trên đường công tác vẫn bắt gặp đâu đó một cây kơ nia mọc chơ vơ bên đường hoặc cô độc giữa một đám rẫy. Và, bao giờ cũng thế, sẽ có người reo lên “kơ nia” một cách thích thú lẫn trìu mến. Không chỉ là biểu tượng của Tây Nguyên, kơ nia đã có trong trái tim của hàng triệu người, dù có người chưa biết dáng hình kơ nia cao thấp thế nào.

Tìm về nơi từng “đếm kơ nia không xuể”, rong ruổi dọc các xã Đất Bằng, Ia Mláh đỏ mắt cũng không thấy một bóng kơ nia nào ven đường. Đến nhà già làng Ma Jing-buôn Proong khi ngày đã chuyển màu chiều. Già Jing trầm ngâm khi nghe hỏi về loài cây quá đỗi thân quen với người Tây Nguyên này: “Kơ nia à, sau giải phóng năm 75, vùng này nhiều lắm, lớn chừng nào cũng có, có cây 2-3 người ôm không hết. Nhưng bây giờ thì hết rồi”. Mí Tuan ngồi lắng nghe câu chuyện hồi lâu cũng góp vào: “Rẫy nhà mình trước có một cây to lắm, nhưng năm 2002, thuê máy móc về cày xới rẫy, nó làm vướng nên nhà mình cưa mất rồi. Giờ chẳng rẫy nhà nào còn nữa”.

Câu chuyện đột nhiên rơi vào im lặng. Mí Tuan và già Jing trao đổi gì đó bằng ngôn ngữ của riêng họ, rồi sôi nổi hẳn: “Hồi nhỏ mình đi chăn bò thường nhặt quả kơ nia ăn, mát lắm. Hột của nó ăn bùi gần giống đậu phộng. Con nai con mang cũng rất thích ăn quả này”-mí Tuan kể. Theo mí Tuan, trước đây khi bà con phát rừng làm rẫy thường để lại những cây kơ nia để lấy bóng mát. Các cây khác thường làm ảnh hưởng đến cây trồng nhưng riêng kơ nia vô hại. Những bà mẹ địu con trên lưng trong những tháng ngày lao động trên nương, khi mỏi, thường đặt con dưới bóng mát kơ nia. Hoặc giữa buổi trưa nắng, chỉ cần ngơi nghỉ chốc lát dưới bóng loài cây này cũng tan đi mỏi mệt. Bao nhiêu em bé đã lớn lên dưới bóng mát kơ nia. Hình bóng kơ nia gắn với hình ảnh thương yêu của bao nhiêu bà mẹ Tây Nguyên vô danh. Có lẽ thế, mà gần như vô thức, kơ nia trở nên thân thuộc, sẵn trong tiềm thức sâu xa của mỗi đứa con sinh ra và lớn lên giữa Tây Nguyên đại ngàn.

“Hồi chiến tranh ác liệt, trong những lúc hành quân, lúc mệt quá chúng tôi có lúc nghỉ tạm dưới những bóng kơ nia. Ngày ấy kơ nia còn nhiều, rải đều khắp nơi. Loài cây này sống khỏe, bom đạn giày xéo thế mà không hề hấn gì”-già Jing bồi hồi nhớ lại. Không chỉ là cây bóng mát, kơ nia đã soi bóng xuống hai cuộc chiến tranh tàn khốc và anh dũng của vùng Đất Bằng, Ia Mláh và nhiều vùng đất khác. Trong những ngày tháng chiến đấu cam go mất còn với kẻ thù, hẳn đã có những người như già Jing có lúc ngồi tựa đầu dưới bóng mát cổ thụ trăm năm, để nhớ thương một khúc dân ca vẳng lại từ ký ức, những ngày còn nằm trên lưng mẹ. Chỉ thế cũng đủ tiếp thêm sức mạnh trong tinh thần những chiến sĩ.

Nhưng kơ nia đã vắng hẳn ở vùng này. Không chỉ Ia Mláh, Đất Bằng mà ở nhiều xã gần quốc lộ như Chư Gu, Chư R’Căm, Ia Rsai… khó để tìm thấy một dáng đứng kơ nia.

“Biểu tượng Tây Nguyên” thành củi đốt

 

Trở thành biểu tượng của Tây Nguyên nên kơ nia được trồng ở nhiều nơi: trụ sở Tỉnh ủy, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, Lăng Bác Hồ, Đền Hùng, Học viện Chính trị-Hành chính  quốc gia Hồ Chí Minh... Tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết, mới đây Ban quản lý đã trồng 10 cây kơ nia ở trên đồi, phía sau “Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” và 3 cây tại Quảng trường.

Sở dĩ kơ nia trở thành hình ảnh biểu trưng của Tây Nguyên bởi sức sống mãnh liệt của nó. Thân cây thẳng, rễ sâu vững chãi. Nhiều cây bị bom xé nửa thân vẫn vươn thẳng giữa trời, tỏa bóng mát quanh năm và rất hiếm khi rụng lá. Từ khi kơ nia đi vào thơ của Ngọc Anh và được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thì nhiều thế hệ người Việt Nam biết đến cây kơ nia chứ không riêng gì người Tây Nguyên.

Nhưng, một hình ảnh biểu trưng độc đáo, biểu tượng của tính cách và sức sống Tây Nguyên nay đang hiếm dần trong các buôn làng vì người ta đốn làm củi. “Kơ nia không phải cây gỗ quý, không dùng được vào việc gì nhưng có đặc điểm cháy rất đượm. Vì thế, các lò sấy thuốc lá thường tìm mua cây trên rẫy của người địa phương về sấy thuốc lá, rẻ hơn nhiều so với mua củi. Một cây kơ nia cổ thụ bán được khoảng 500-600 ngàn đồng nhưng có thể cho vài khối gỗ”-một người già ở Ia Mláh cho biết.

Ở các xã bên này sông Ba, giao thông thuận lợi và gần các lò sấy thuốc lá nên kơ nia gần như không còn. Nếu có cũng chỉ còn trong núi. Phía bên kia sông Ba, giao thông cách trở, vận chuyển khó khăn, nhiều cây kơ nia vì thế may mắn thoát nạn bị chặt hạ. Xuôi đò qua sông Ba, về phía xã Chư Drăng-xã được cho là còn nhiều kơ nia nhất vùng Krông Pa, nhưng cũng chỉ đếm kơ nia trên đầu ngón tay. Cách đây chưa lâu, hình ảnh thân kơ nia cổ thụ mọc ven đường dẫn vào trung tâm xã bị đốn hạ ngổn ngang. Gốc kơ nia vẫn còn đó, nằm chơ vơ ven đường, gieo bao xót xa tiếc nuối.

Chủ tịch UBND xã Chư Drăng Nay Hem cho biết: “Nếu không ngăn thì các lò sấy thuốc bên kia sông đã qua đây mua sạch kơ nia rồi. Quanh trụ sở xã còn mấy cây để lấy bóng mát, một số buôn cũng chỉ còn lác đác. Hồi xây trụ sở xã buộc phải chặt đi hai cây, năm ngoái có một gia đình liệt sĩ từ Hà Nội vào đây tìm hài cốt người thân dưới gốc một cây kơ nia trong khuôn viên trụ sở nên chúng tôi phải đốn thêm một cây nữa”.

Tìm kiếm một cây kơ nia cổ thụ, tán rộng tỏa bóng mát để giới thiệu “biểu trưng của tính cách Tây Nguyên” với những người yêu quý Tây Nguyên, thương nhớ Tây Nguyên, nhưng chỉ tìm thấy sự nuối tiếc khôn nguôi…

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm