(GLO)- Từ năm 2011 đến nay, nhờ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) mà bộ mặt của thôn Hoàng Tiến (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, Gia Lai) đã có nhiều khởi sắc. Nói về những đổi thay ấy, người dân nơi đây không quên nhắc đến Trưởng thôn Nguyễn Văn Đảo.
Thôn Hoàng Tiến nằm cách trung tâm xã Ia Phìn chừng 3 km, là thôn xa nhất xã. Toàn thôn có 93 hộ gia đình và 150 ha đất canh tác. Những ai đã từng gắn bó với vùng đất này đều nhận thấy một sự đổi thay mạnh mẽ, biến một vùng quê nông thôn trở nên trù phú, văn minh. Trong thôn, đường giao thông được bê tông hóa, đi lại thuận tiện cả 2 mùa trong năm. Những ngôi nhà mái Thái thấp thoáng giữa những vườn cà phê xanh rờn cho thấy đời sống của người dân trong thôn từng bước được nâng cao. Tất cả những đổi thay đó đều gắn liền với người “vác tù và hàng tổng”-Trưởng thôn Nguyễn Văn Đảo.
Ông Nguyễn Văn Đảo-Trưởng thôn Hoàng Tiến (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông). Ảnh: Đ.D |
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Phạm Hữu Đương-một cựu chiến binh đã ngoài 70 tuổi, cho biết: “Trước đây, cuộc sống của bà con trong thôn chúng tôi vất vả lắm. Những lúc mưa dầm muốn mua chút thịt cá cũng không thể đi được vì đường lầy lội. Cách trung tâm xã chỉ vài cây số vậy mà thôn cứ như một ốc đảo. Từ khi xã triển khai xây dựng NTM và được Trưởng thôn Nguyễn Văn Đảo tuyên truyền, vận động, bà con đã đóng góp kinh phí làm đường, kéo điện nên bây giờ anh thấy đấy, đường sá, điện kéo về tận nơi, sướng lắm”. Đem những điều bà con phản ánh, trò chuyện với Trưởng thôn Nguyễn Văn Đảo thì ông chỉ cười vui và khiêm tốn nói: “Có được như ngày hôm nay là nhờ công sức đóng góp của bà con trong thôn cả đấy”.
Ban đầu, khi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được triển khai, người dân chưa thông hiểu nên nhiều người còn băn khoăn, do dự. Có người còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước nên việc huy động sức dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đêm nằm trăn trở, ông Đảo nghĩ: “Làm đường là để phục vụ việc sản xuất, đi lại của chính bà con trong thôn thì tại sao cứ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước? Mình là đảng viên cần phải đi trước, làm trước để bà con noi theo học tập”. Ban đầu ông vận động các hộ gia đình gần nhà góp kinh phí để làm 150 m đường bê tông, trong đó gia đình ông đóng góp 46 triệu đồng. Việc triển khai làm đường được công khai, dân chủ trong tất cả các khâu, từ việc mua vật liệu, thuê máy san nền đường đến đổ bê tông; người dân trực tiếp làm và giám sát chất lượng, kinh phí đóng góp không bị thất thoát. Ông Nguyễn Văn Đảo cho biết: Từ năm 2011 đến năm 2017, người dân trong thôn đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng để làm gần 7 km đường bê tông. Hiện nay, hơn 90% các trục đường chính trong thôn đã được bê tông hóa.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc làm đường giao thông nông thôn, ông Đảo nói: “Để người dân ủng hộ và đóng góp kinh phí, Ban Nhân dân thôn phải kiên trì làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để họ thấy lợi ích của việc làm đường, rồi được trực tiếp làm, trực tiếp giám sát về giá vật tư và chất lượng công trình. Ngoài ra, đảng viên, lãnh đạo chi bộ phải là những người đi trước, làm trước để bà con noi theo”. Thành công trong việc làm đường giao thông nông thôn, Trưởng thôn Nguyễn Văn Đảo lại đi đầu trong việc đóng góp gần 70 triệu đồng để kéo điện. Nhờ đó, người dân trong thôn cũng đóng góp 2 tỷ đồng để kéo điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ban Nhân dân thôn và chi bộ, bà con trong thôn còn đóng góp hàng trăm triệu đồng để làm nghĩa trang, xây dựng hội trường thôn, mắc đèn chiếu sáng trên các trục đường trong thôn xóm.
Từ những kinh nghiệm trên, ông Đảo đã vận động nhân dân trong thôn chuyển đổi diện tích cây lúa rẫy và các loại cây trồng ngắn ngày sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu và các loại cây ăn quả, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; ông còn giúp đỡ các hộ gia đình nghèo vay vốn để phát triển sản xuất. Đến nay, nhiều hộ trong tổng số 93 hộ trong thôn đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, hiện chỉ có 2 hộ nghèo. Nhiều năm liền thôn Hoàng Tiến được UBND huyện Chư Prông công nhận là thôn văn hóa cấp huyện.
Nhận xét về Trưởng thôn Nguyễn Văn Đảo, ông Trần Văn Duân-Chủ tịch UBND xã Ia Phìn, cho hay: “Ông Nguyễn Văn Đảo là một đảng viên, Trưởng thôn gương mẫu đi đầu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trong phong trào xây dựng NTM. Vì vậy, ông luôn nhận được sự tín nhiệm cao của người dân”. Thành công trong việc xây dựng NTM ở thôn Hoàng Tiến đã tạo sức lan tỏa để các thôn, làng trong xã Ia Phìn đồng lòng phấn đấu đưa xã về đích NTM vào năm 2017.
Là Trưởng thôn liên tục từ năm 2006 đến nay, ông Nguyễn Văn Đảo đã được huyện Chư Prông và xã Ia Phìn tặng nhiều giấy khen, nhưng phần thưởng cao quý nhất đối với ông chính là sự tin yêu, quý trọng của người dân.
Đỗ Doanh